Aa

Bất động sản 24h: Bức tranh lạc quan thị trường bất động sản cuối năm 2021?

Chủ Nhật, 31/10/2021 - 11:00

Bức tranh lạc quan thị trường bất động sản 2021; Bộ Xây dựng “thúc” các địa phương tiếp tục đăng tải thông tin quy hoạch, tránh tái diễn sốt đất... là những thông tin bất động sản nổi bật trong 24h qua.

Bức tranh lạc quan thị trường bất động sản cuối năm 2021

Dự báo của chuyên gia kinh tế, quý IV/2021 tăng trưởng phục hồi kinh tế trở lại khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5% và năm tới 2022 có khả năng tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6,5 - 7%.

Cùng với đó, những tín hiệu ấm lên của thị trường bất động sản thời điểm sau giãn cách cũng cho thấy bức tranh bất động sản có hy vọng phục hồi vào thời điểm cuối năm 2021.

Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn có những tín hiệu tích cực, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo ông Khởi, 6 tháng đầu năm 2021 có tới 55 ngàn giao dịch bất động sản, trong khi đó cả năm 2020 chỉ có 43 ngàn giao dịch.

"Dù dịch Covid-19, nhưng thị trường bất động sản nhận được sự quan tâm rất lớn. Ba năm vừa rồi, giá bất động sản vẫn tăng, một số khu vực vừa rồi tăng "nóng" đó là đất nền. Tuy nhiên, việc tăng "nóng" này là do một số nhóm nhà môi giới, đầu cơ, kích cầu nên giá đã nhanh chóng tụt xuống", ông Nguyễn Mạnh Khởi thông tin.

bđs 2021
Những tín hiệu ấm lên của thị trường bất động sản thời điểm sau giãn cách cũng cho thấy bức tranh bất động sản có hy vọng phục hồi vào cuối năm 2021.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định, thị trường bất động sản cho thấy những tín hiệu lạc quan thời gian qua và khi dịch Covid-19 được kiểm soát, dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn còn gặp một số bất cập trong pháp lý, cần phải cải thiện trong thời gian tới. Bộ Xây dựng hiện đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện một số Nghị định về lĩnh vực bất động sản để trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Xem chi tiết tại đây

Bộ Xây dựng “thúc” các địa phương tiếp tục đăng tải thông tin quy hoạch, tránh tái diễn sốt đất

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký công văn số 4363 ban hành ngày 15/10 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên Cổng TTĐT.

Theo đó, từ ngày 2/3, Bộ Xây dựng có văn bản về việc đề nghị các địa phương đăng tải thông tin hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng TTĐT về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị (www.quyhoach.xaydung.gov.vn).

Đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.

Cụ thể, 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch bao gồm: Bình Thuận, Phú Thọ, Gia Lai, Hà Nam, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Sóc Trăng, Tiền Giang, Tuyên Quang.

53 tỉnh, thành phố còn lại đã thực hiện việc đăng tải thông tin, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch.

Trong khi đó, nhiều địa phương mới chỉ đăng tải được một đồ án quy hoạch như: An Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Cao Bằng, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Sơn La, Vĩnh Long, Yên Bái.

Nhằm tránh tình trạng “sốt đất” tại các địa phương, Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt cấp tỉnh, huyện lên Cổng TTĐT Quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam.

Xem chi tiết tại đây

Doanh nghiệp bất động sản cần "liều thuốc" từ chính sách để bật dậy sau Covid-19

Chia sẻ tại tọa đàm “Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng”, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản có sự khác biệt so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

TS. Lực phân tích, nếu như ở các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, khi thị trường gặp khó khăn, nhu cầu bất động sản giảm ngay lập tức thì dưới tác động của đại dịch, dù thị trường bất động sản cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn cung ách tắc nhưng nhu cầu không hề giảm, thậm chí còn phát triển tốt. Đặc biệt là với bất động sản khu công nghiệp, logictics, nhà ở...

Khác biệt thứ hai, theo TS. Cấn Văn Lực, là giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao ở nhiều phân khúc. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua.

doanh nghiệp bđs cần chính sách

Theo đánh giá của TS. Cần Văn Lực, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản vẫn rất khả quan bởi khả năng bật dậy của nền kinh tế khá nhanh như chiếc lò xo. Cùng với đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư công được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, môi trường pháp lý cho bất động sản cũng đang dần được cải thiện, trong năm tới, Chính phủ sẽ dự kiến trình Quốc hội sửa 4 luật: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và một số điểm trong Luật Xây dựng. Riêng năm nay, Chính phủ đã thống nhất dùng 1 luật sửa nhiều luật.

“Chúng tôi cũng vừa thảo luận với VCCI sẽ đẩy mạnh cải thiện quy định liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường hồi phục… Hiện Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 - 2023, đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp. Kỳ vọng với những chương trình này cộng với khả năng nền kinh tế sẽ như lò xo bật sau đại dịch, khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2022 ở mức 6,5% - 7% là tương đối khả quan”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Xem chi tiết tại đây

Thị trường khách sạn ngóng khách du lịch vào cuối năm

Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam vẫn tiếp tục ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế và nhập cảnh của người nước ngoài, trừ các chuyên gia nước ngoài và công dân Việt Nam trở về nước.

Với các biện pháp giới hạn di chuyển và giãn cách xã hội, trong thời gian này, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường việc triển khai tiêm chủng vắc-xin nhằm thúc đẩy tỷ lệ tiêm ngừa cho người dân cũng như khôi phục một vài sự bình thường của nền kinh tế xã hội trong thời gian sớm nhất có thể.

Thị trường khách sạn Hà Nội

Cuối tháng 9/2021, Chính phủ đã bắt đầu nới lỏng chính sách giãn cách xã hội và tiến hành các biện pháp nhằm phục hồi đời sống cũng như kinh tế cho người dân. Song song đó, Việt Nam cũng đã chạm mốc tiêm chủng 61,1 triệu liều vắc-xin và dự kiến đến hết năm 2021, nước ta sẽ tiếp nhận thêm 55 triệu liều vắc-xin.

Việc tăng cường tiêm chủng từ giờ đến cuối năm 2021 phần nào thể hiện sự khôi phục "bình thường mới" cho xã hội. Tuy nhiên, thị trường khách sạn sẽ chưa thể bắt đầu hồi phục khi việc mở cửa hàng không, tiếp đón du khách vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Việc lựa chọn thí điểm mở cửa dần dần các thành phố du lịch cũng sẽ là yếu tố quan trọng khôi phục ngành du lịch cũng như đảm bảo sự an toàn cho du khách. Một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng đề ra sẽ có khả năng đón tiếp du khách quốc tế sớm nhất thông qua chính sách “hộ chiếu vắc-xin”. Đây sẽ là cơ hội tốt cho thị trường du lịch Việt Nam có điểm bắt đầu trong việc phục hồi công suất phòng vốn đã bị sụt giảm nghiêm trọng từ năm 2020.

Xem chi tiết tại đây

Dòng tiền vẫn chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản

Thị trường chứng khoán biến động tích cực trong tuần giao dịch từ 25 - 29/10. Kết thúc tuần, VN-Index tăng 55,03 điểm (+4%) lên 1.444,27 điểm; HNX-Index tăng 20,91 điểm (+5,3%) lên 412,12 điểm. UPCoM-Index tăng 5,02 điểm (5%) lên 105,38 điểm.

Thanh khoản hai sàn niêm yết tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng 29.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 19,5% lên 131.929 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 17% lên 4,4 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 32,4% lên 17.601 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 13% lên 738 triệu cổ phiếu.

Các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng tốt trong tuần qua. Bất động sản tiếp tục là một trong những nhóm biến động tích cực nhất thị trường chứng khoán. Nhiều phiên giao dịch, nhà đầu tư chứng kiến hàng loạt cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng trần.

Thống kê 122 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần qua có đến 103 mã tăng, trong khi chỉ có vỏn vẹn 13 mã giảm.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top