Bất ngờ với động thái của giới đầu tư địa ốc
Theo Colliers Việt Nam, trong tháng 9 vừa qua, ghi nhận lượng truy vấn đất nền tại các tỉnh vùng ven TP.HCM như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương hay Đồng Nai tăng khoảng 20 - 30% so với tháng 8. Cùng với đó, phân khúc nhà phố, biệt thự cũng chộn rộn ngay sau khi nới giãn cách xã hội.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam chỉ ra diễn biến của 3 phân khúc bất động sản trên thị trường TP.HCM và tỉnh lân cận sau thời điểm nới giãn cách.
Với đất nền, đại diện Colliers Việt Nam chỉ ra, trong tháng 9/2021, ghi nhận lượng truy vấn đất nền tại các tỉnh vùng ven TP.HCM như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương hay Đồng Nai tăng khoảng 20 - 30% so với tháng 8.
Do tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin khá cao ở các địa phương này và các hoạt động sản xuất, dịch vụ đã được hồi phục nên nhiều nhà đầu tư có thể đang mang tâm lý đón đà tăng sắp tới, sẵn sàng "xuống tiền" lúc này.
Theo ông David, về dài hạn, hạ tầng liên tục được phát triển sẽ là động lực chính cho thị trường đất nền các khu vực này tiếp tục năng động. Thêm vào đó, do nguồn cung đất nền khan hiếm tại TP.HCM nên nhà đầu tư sẽ chú trọng nhiều hơn vào các địa phương vùng ven. Tại Bình Dương, giá đất nền trong tháng 9 vừa qua cũng đã tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đến năm 2030 quy hoạch đất đô thị đạt 2,95 triệu ha
Chiều 29/10, tại Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững; phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất (quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch tỉnh) đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn; giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng địa phương.
Đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng; bảo vệ các hệ sinh thái, di tích, di sản, danh lam thắng cảnh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; định hướng cho không gian phát triển, khai hoang, lấn biển.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Căn hộ thông minh: Xu thế tất yếu trong kỷ nguyên 4.0
Có nhiều lý do để tin rằng, tại thị trường Việt Nam, căn hộ thông minh dù "sinh sau đẻ muộn" vẫn phát triển rầm rộ, trở thành "miếng bánh ngon" hấp dẫn các nhà đầu tư.
Cuối những năm 1990, căn hộ thông minh hay còn gọi là Smarthome, được xem là một thứ xa xỉ của giới nhà giàu, sản phẩm được sở hữu độc quyền của giới thượng lưu thế giới. Song khi bước sang thế kỷ XXI với sự “xâm nhập” của công nghệ 4.0 tới mọi ngõ ngách, căn hộ thông minh dần trở nên phổ biến.
Theo đó, nhờ sở hữu nhiều ưu điểm từ công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo, Big Data..., những căn hộ thông minh cho phép tất cả các thiết bị như đèn chiếu sáng, camera giám sát, smart TV, máy giặt, tủ lạnh… được kết nối và điều khiển chỉ bằng một thiết bị smartphone, máy tính bảng hay thậm chí là giọng nói. Chủ nhà dễ dàng giám sát, điều khiển từ xa tất cả các hoạt động chỉ với một cú chạm thông qua kết nối Internet.
Chính nhờ những lợi thế hoàn hảo như vậy, căn hộ thông minh đang dần khẳng định được vị trí của mình, trở thành xu hướng tiêu dùng nổi bật và là một trong những tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn mua nhà của nhiều khách hàng và nhà đầu tư.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Công khai thông tin quy hoạch, tránh tình trạng “thổi giá” bất động sản
Để chấn chỉnh tình trạng “thổi giá” đất, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch lên Cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, đến nay công tác thực hiện còn nhiều hạn chế.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký Công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 854/BXD-QHKT về việc đề nghị các địa phương đăng tải thông tin hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (www.quyhoach.xaydung.gov.vn).
Thực tế cho thấy, đến nay cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.
Theo đó, toàn quốc hiện có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch. Đồng thời, có 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải. Nhiều địa phương khác vẫn đăng tải nhưng với số lượng rất hạn chế chỉ 1 đồ án quy hoạch như: An Giang, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Bến Tre, Cao Bằng, Nghệ An, Sơn La…
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản tiếp tục xu hướng tăng giá
Bước sang năm 2022, áp lực tăng giá bất động sản sẽ rất lớn bởi các lý do như lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng... Đặc biệt, từ quý II/2022, khi nền kinh tế phát triển mạnh trở lại.
Theo các chuyên gia, nguồn cung mới quý IV, toàn bộ khu vực TP.HCM và vùng phụ cận có thể có 3.500 - 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, TP.HCM và Bình Dương vẫn dẫn đầu với khoảng 2.000 - 3.500 căn, tuỳ điều kiện thị trường mà các chủ đầu tư đưa ra lượng hàng phù hợp.
Dự kiến, nguồn cung căn hộ của TP.HCM và vùng phụ cận cả năm 2021 tương đương 55% so với năm 2020.
Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực do các hoạt động du lịch vẫn chưa thể phục hồi mạnh cho đến hết năm 2021, ngoại trừ một vài địa phương có kế hoạch áp dụng hộ chiếu xanh.
Sức mua chung trong quý IV, về cơ bản sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý III. Điểm sáng của quý IV vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá, bảo toàn giá trị tài sản.