Aa

Bất động sản 24h: Chung cư Hà Nội trung bình 50 triệu đồng/m2, dự báo tiếp tục tăng giá

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Sáu, 31/03/2023 - 11:00

Chung cư Hà Nội trung bình 50 triệu đồng/m2, dự báo tiếp tục tăng giá; Kịch bản nào cho bất động sản nếu lãi suất tiếp tục giảm mạnh?... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Chung cư Hà Nội trung bình 50 triệu đồng/m2, dự báo tiếp tục tăng giá

Theo chuyên gia, trong năm 2023 vẫn hiện hữu các yếu tố thúc đẩy giá bất động sản ở Hà Nội tăng. Đặc biệt với loại hình chung cư khi nguồn cung eo hẹp, nhu cầu lớn, xu hướng giá tiếp tục neo ở mức cao.

Trong hai năm 2021 - 2022, thị trường bất động sản Hà Nội chịu tác động từ những diễn biến chung của kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, kinh tế chưa ổn định trong và sau dịch, cùng những rủi ro áp lực từ vốn, sai phạm trên thị trường bất động sản… Tuy vậy, thị trường nhà ở tại Hà Nội liên tục ghi nhận việc tăng trưởng về giá. 

Báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong năm 2021 không có dự án bất động sản mới nào về đô thị và nhà ở được phê duyệt tại Hà Nội. Sản phẩm căn hộ chung cư mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước. 

Tổng lượng sản phẩm căn hộ được chào bán trên toàn thị trường năm 2021 đạt 16.841 sản phẩm, lượng giao dịch đạt hơn 7.400 căn hộ. Trong đó, phân khúc căn hộ chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp. Giá bán về cơ bản ổn định, tăng nhẹ 5% so với năm 2020 do thị trường vẫn đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. 

Bước sang năm 2022, VARS ghi nhận có khoảng 15.916 sản phẩm nhà ở chung cư được mở bán, tỷ lệ hấp thụ đạt 47,4%, tương đương gần 7.543 giao dịch. Con số cho thấy, nguồn cung nhà ở chung cư ngày càng sụt giảm. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vì sao nhiều doanh nghiệp xây dựng có nguy cơ phá sản?

Doanh nghiệp xây dựng đang rơi vào thế bị động về dòng tiền khi nợ đọng từ các chủ đầu tư ngày càng tăng cao. Nếu tình trạng này không được giải quyết, câu chuyện phá sản chỉ là “một sớm, một chiều”.

Sự sụt giảm quá nhanh và đầy bất ngờ của thị trường bất động sản trong năm 2022 đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng bị đẩy vào thế bị động. Khi các chủ đầu tư khan hiếm dòng tiền do các kênh huy động vốn bị kiểm soát chặt hơn, họ sẽ không đủ khả năng để thanh toán các khoản chi phí, trong đó có chi phí xây dựng. Vì thế chuyện các chủ đầu tư giam nợ, dẫn đến tình trạng nợ đọng, nợ xấu kéo dài đang là vấn đề phổ biến và đáng lo ngại với các nhà thầu xây dựng.

Nợ đọng khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản. (Ảnh V. Phong)

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), vấn đề nợ đọng đang là vướng mắc lớn nhất của ngành xây dựng hiện nay.

Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng chiếm tới 90%. Các doanh nghiệp được coi là lớn trong ngành thì quy mô vốn cũng chỉ từ 500 - 1.000 tỷ đồng và chưa tới 10 doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tất cả doanh nghiệp xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ và lãi vay ngân hàng mà họ phải trả lại lên đến 9 - 10%/năm. Do đó, các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Căn hộ cho thuê “nóng” dần

Nhu cầu thuê gia tăng nhanh sau dịch đẩy giá thuê lên cao, lợi thế mang lại nguồn thu ổn định cũng như là nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn trong bối cảnh thị trường biến động… đang “làm nóng” phân khúc căn hộ cho thuê.

Vài tháng trở lại đây, hoạt động cho thuê nhà và căn hộ ở TP.HCM diễn ra khá sôi động. Các khu nhà trọ, căn hộ chào thuê ở những khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng, trường học… như TP. Thủ Đức, quận Tân Phú, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh… đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao sau hơn một năm chịu ảnh hưởng dịch.

Chị Huỳnh Thị Trang, chủ căn hộ 2 phòng ngủ tại dự án Akari City (quận Bình Tân) cho biết, căn hộ chị mua với giá 2,2 tỷ đồng đã có người hỏi mua lại với giá chênh lệch khoảng 300 triệu đồng, nhưng không có ý định bán vì đang cho thuê với giá 12 triệu đồng/tháng.

Chủ nhà này cũng cho hay, phần lớn khách thuê căn hộ dự án Akari City là các gia đình trẻ đang làm việc trên địa bàn quận, song cũng có cả người làm việc ở nơi khác chọn thuê tại đây. Các căn hộ 2 phòng ngủ, 1 vệ sinh có giá thuê từ 8 - 10 triệu đồng/tháng, căn có 2 vệ sinh giá thuê cao hơn, từ 12 - 15 triệu đồng/tháng và hầu hết đã kín khách.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM: Nhiều vướng mắc, bất cập khi vận hành, cải tạo, sửa chữa nhà chung cư

TP.HCM kiến nghị Quốc hội sửa nhiều quy định tại Luật Nhà ở để gỡ vướng trong công tác quản lý, vận hành và cải tạo, sửa chữa nhà chung cư.  

Ngày 29/3, Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. (Ảnh: P.D)

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6.

Nhà chung cư có tác động lớn đến đời sống của người dân và sự phát triển đô thị. Với hơn 1.600 chung cư, TP.HCM là địa bàn có nhiều thực tiễn về công tác quản lý, vận hành, cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư. Vì vậy, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến của các sở, ban, ngành thành phố về những đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng thông tin, thời gian qua, TP.HCM rất quan tâm đến công tác quản lý, vận hành, cải tạo, sửa chữa và xây dựng lại nhà chung cư. Trên cơ sở triển khai Luật Nhà ở, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Những quy định của pháp luật về nhà ở còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ với quy định pháp luật khác như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản nên gây ra nhiều vướng mắc khi áp dụng thực tế. Bên cạnh đó, quy định hiện nay có những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, vì vậy cần tiếp tục có sự nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo tính khả thi.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Kịch bản nào cho bất động sản nếu lãi suất tiếp tục giảm mạnh?

Việc giảm lãi suất điều hành kết hợp cùng động thái nới lỏng các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã khiến giới chuyên gia lạc quan đặt ra kịch bản mới về sự trở lại mạnh mẽ của thị trường bất động sản thời gian tới.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cùng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Ngay cả các ngân hàng vốn chiếm lợi thế huy động nhờ lãi suất cao nay cũng đồng loạt “hạ nhiệt”.

Đơn cử, tính đến ngày 24/3, tại Sacombank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ còn ở mức 7,6%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 7,9%/năm, lãi suất kỳ hạn 36 tháng còn 8,2%/năm. Đây là các mức lãi suất áp dụng cho hình thức gửi trực tuyến.

Cao hơn một chút song lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng của các ngân hàng Bảo Việt Bank, ABBank, VietBank, và SaigonBank chỉ dao động từ 8,7% - 8,9%/ năm. Trong khi đó, VPBank và MSB chỉ áp dụng lãi suất tiết kiệm 6 tháng mức 8,3%; ACB thấp hơn với 8,25%.

Riêng bốn ngân hàng có vốn nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank, mức lãi suất huy động đang được xem thấp nhất thị trường. Tại Agribank, mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng niêm yết là 7,2%/năm. Việc lãi suất huy động giảm là cơ sở để hạ lãi suất cho vay, kích thích nền kinh tế phát triển.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top