Aa

TP.HCM: Nhiều vướng mắc, bất cập khi vận hành, cải tạo, sửa chữa nhà chung cư

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Năm, 30/03/2023 - 06:08

TP.HCM kiến nghị Quốc hội sửa nhiều quy định tại Luật Nhà ở để gỡ vướng trong công tác quản lý, vận hành và cải tạo, sửa chữa nhà chung cư.

Ngày 29/3, Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6.

Nhà chung cư có tác động lớn đến đời sống của người dân và sự phát triển đô thị. Với hơn 1.600 chung cư, TP.HCM là địa bàn có nhiều thực tiễn về công tác quản lý, vận hành, cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư. Vì vậy, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến của các sở, ban, ngành thành phố về những đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng thông tin, thời gian qua, TP.HCM rất quan tâm đến công tác quản lý, vận hành, cải tạo, sửa chữa và xây dựng lại nhà chung cư. Trên cơ sở triển khai Luật Nhà ở, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Những quy định của pháp luật về nhà ở còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ với quy định pháp luật khác như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản nên gây ra nhiều vướng mắc khi áp dụng thực tế. Bên cạnh đó, quy định hiện nay có những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, vì vậy cần tiếp tục có sự nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo tính khả thi.

Liên quan đến vấn đề sữa chữa, cải tạo nhà chung cư cũ, báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay trên địa bàn thành phố có 1.635 chung cư. Trong đó, thành phố có 474 chung cư cũ xây trước năm 1975; đã cải tạo, sửa chữa 199 chung cư với tổng kinh phí 275,5 tỉ đồng. Đến nay, thành phố có 16 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm).

Tuy nhiên, công tác tháo dỡ, xây dựng mới thay thế chung cư cũ tại TP.HCM chỉ dừng lại ở việc di dời, tạm cư người dân để đảm bảo an toàn đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm.

TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ - Ảnh: PD

Trước đó, vào chiều 28/3, Đoàn giám sát đã làm việc với nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác vận hành, sửa chữa, cải tạo nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM và nhận nhiều phản ánh khó khăn, vướng mắc. Buổi làm việc đã dành nhiều thời gian để đại diện các đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư tại TP.HCM nhận diện những khó khăn, bất cập, đồng thời có các đề xuất kiến nghị với đoàn. Các doanh nghiệp cũng đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Nhà ở.

Trong đó, về quản lý và vận hành nhà chung cư, các vấn đề được đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ liên quan đến việc xác định phần sở hữu chung, sở hữu riêng trong nhà chung cư; cơ chế thu, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì; tổ chức hoạt động, quyền và trách nhiệm của Ban Quản trj nhà chung cư; giá dịch vụ quản lý và vận hành nhà chung cư….

Về cải tạo, xây dựng nhà chung cư, tình trạng xuống cấp của một số chung cư, vai trò của chủ đầu tư, năng lực của đơn vị quản lý trong công tác bảo trì chung cư… là vấn đề khó khăn được nhiều doanh nghiệp đề cập và đề nghị tháo gỡ. Ngoài ra, các trường hợp phá dỡ, cải tạo, xây dựng nhà chung cư; công tác kiểm định chất lượng; các hình thức cải tạo, xây dựng lại chung cư; lựa chọn chủ đầu tư cải tạo; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cung để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…cũng được đại diện doanh nghiệp kiến nghị với Đoàn giám sát.

Về những vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, sát thực tế của các đại diện doanh nghiệp nêu tại buổi làm việc. Ngay sau buổi làm việc với doanh nghiệp và UBND TP.HCM, Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Nhà ở./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top