Chuyên gia nhận định bất ngờ về thị trường bất động sản 2022
Câu chuyện bất động sản năm 2022 vẫn là việc giá bất động sản nhà ở sẽ xu hướng tăng. Đây cũng là phân khúc tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản, trong khi các loại hình như bất động sản thương mại, bất động sản du lịch phục hồi chậm hơn. Trong đó, bất động sản thương mại bị tác động bởi câu chuyện chuyển đổi số.
Đó là chia sẻ của TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Gói kích thích kinh tế quy hoạch và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2022 chiều 23/12/2021.
"Thị trường bất động sản năm 2022 nhìn chung vẫn phát triển tốt. Tuy vậy, tốt cho người mua ở chứ không phải mua để đầu tư", TS. Khương nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này từng chia sẻ, với bối cảnh hiện tại, thị trường đang ấm lên, tiềm lực dựa vào người mua có nhu cầu ở thật, do vậy đó không phải thị trường ảo. Đối với những người có thu nhập vừa phải, trung cao thì sản phẩm bất động sản chính là đại diện cho thị trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chiến lược pháp lý tổng thể nhằm phát triển nhanh và bền vững thị trường bất động sản hậu Covid-19
Sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản đang gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự đột phá trong khâu xây dựng hành lang pháp lý, đảm bảo tính xuyên suốt từ cấp Trung ương đến địa phương.
Kể từ năm 2014 thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục sau một thời kỳ kéo dài suy giảm và đóng băng. Năm 2019, thị trường bất động sản nhiều nơi sốt nóng và đạt “đỉnh” trong chu kỳ. Cho đến khi xuất hiện đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản liên tục có nhiều sự điều chỉnh giảm và phục hồi tăng do tác động từ cú sốc dịch bệnh và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế - xã hội của quốc gia.
Tại khu vực miền Trung, thị trường bất động sản không nằm ngoài xu hướng chung trên cả nước. Điển hình như tại TP. Đà Nẵng, thị trường bất động sản ở phân khúc đất nền sốt nóng ảo và đạt đỉnh vào cuối quý I/2019. Ngay sau đó đi vào trạng thái suy giảm và chạm đáy của chu kỳ vào khoảng cuối quý I/2020, giá cả nhiều nơi giảm từ 20% đến 50% so với mức đỉnh, giao dịch trầm lắng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Công nghệ - xu hướng dẫn dắt bất động sản công nghiệp năm 2022
Dù đối mặt nhiều khó khăn do bệnh nhưng bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng trên thị trường. Tuy nhiên, để bắt kịp làn sóng tương lai, bất động sản công nghiệp cần lưu ý những thay đổi về quy hoạch và công nghệ.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái trực tuyến, dẫn đầu bởi ngành thương mại điện tử. Theo báo cáo của Statista, doanh thu của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2020 ghi nhận ở mức 11,8 tỷ USD, tăng từ 8 tỷ USD năm 2018 và chiếm 5,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Trước sự bùng nổ của hình thức kinh doanh trực tuyến, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm bất động sản công nghiệp cung cấp dịch vụ hậu cần kho bãi với công nghệ tiên tiến và hiệu quả hơn, chẳng hạn như giao hàng chặng cuối (last-mile) và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Cùng trong xu hướng đó, ngành hậu cần kho bãi (logistics) tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển. Theo tính toán của Agility, Việt Nam là một trong mười thị trường logistics mới nổi hàng đầu vào năm 2021 với mức tăng trưởng nhanh nhất trong số 50 quốc gia đứng đầu, đạt chỉ số 5,67. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 7% từ năm 2021 tới năm 2026.
Với định hướng xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất (và thu hút đầu tư) bằng cách thành lập các khu công nghiệp và khu kinh tế. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết giúp mở rộng thị trường xuất khẩu.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhiều chỉ báo lạc quan cho thị trường bất động sản 2022
Các chỉ báo về sự phục hồi của nguồn cung bất động sản cùng dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường, các chuyên gia cho biết đây sẽ là những đòn bẩy cho thị trường phát triển.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, năm 2021 đã có nhiều dự báo thị trường bất động sản như một lò xo bị nén chặt chờ cơ hội bật mạnh. Tuy nhiên, do tác động của yếu tố ngắn hạn là dịch bệnh kéo dài cũng như ảnh hưởng của việc siết nguồn cung làm cho sự quan tâm tới thị trường bị nén rất mạnh.
Song, các điểm sáng sẽ tiếp tục được nâng lên, đáng chú ý thị trường không tăng đột ngột mà tăng trưởng tốt, tạo nên bước phát triển mới trong giai đoạn "bình thường mới".
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27m2 sàn/người, trong đó: Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26m2 sàn/người.
Đến năm 2030, phấn đấu tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85 - 90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75 - 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc đặc biệt là khu vực đô thị; 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.