Biệt thự triệu đô: Chưa bán đã cháy hàng
Không ồn ào như thị trường căn hộ do số lượng dự án ít hơn, nhưng phân khúc biệt thự, nhà liền kề ở Hà Nội cũng thu hút được dòng tiền rất lớn do giá trị BĐS cao.
Theo khảo sát, mỗi căn biệt thự có giá trung bình từ 200 triệu đồng/m2, tổng giá trị lên tới 30 - 40 tỷ đồng. Đối với phân khúc nhà liền kề, mức giá chào bán phổ biến hiện nay dao động từ 7 - 10 tỷ đồng/căn. Mặc dù giá trị của những BĐS này khá “chát”, thế nhưng, rất nhiều dự án chưa kịp mở bán đã hết hàng, đặc biệt là tại các khu vực quận Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hà Đông.
Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, sở dĩ phân khúc biệt thự hạng sang ngày càng “cháy hàng” là do tâm lý mua nhà hiện nay của người Việt đã thay đổi. Nếu như trước đây, người mua chủ yếu tập trung vào các giá trị gọi là đầu tư cơ hội từ những biến động của thị trường thì bây giờ, người mua ngày càng kỳ vọng rõ ràng hơn về một ngôi nhà tiêu chuẩn cao để có thể tận hưởng giá trị sống đẳng cấp, thượng lưu.
Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Cầu Giấy
Ngày 11/10, Hà Nội vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch lô đất ký hiệu lô C ô D4 thuộc quy hoạch tổng mặt bằng các ô đất đấu giá quyền sử dụng đất đợt I trong khu đô thị mới Cầu Giấy, tỷ lệ 1/500 tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.
Theo đó, diện tích mặt bằng các ô đấu giá khoảng 5.191m2, trong đó diện tích xây dựng trụ sở Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khoảng 1.968m2, đất Cty TNHH Phú Mỹ An Hà Nội trúng đấu giá khoảng 3.223m2.
Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan: Lô đất ký hiệu C ô quy hoạch D4 có đường quy hoạch xung quanh ô đất, có điều kiện xây dựng công trình cao tầng phù hợp với chức năng, chỉ tiêu quy hoạch, nghiên cứu tổ chức không gian theo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt.
Xem thêm thông tin về điều chỉnh quy hoạch KĐTM Cầu Giấy tại đây
Xây vượt tầng, nhà nguyên Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội bị cắt ngọn
UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ phần xây dựng sai phép của công trình nhà A3, ngõ số 8, phố Lý Nam Đế (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) do ông Nguyễn Hoàng Linh - nguyên Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội đứng tên. Ngôi nhà chỉ được cấp phép xây 7 tầng nhưng chủ đầu tư đã xây lên 10 tầng.
Trao đổi với báo chí trước đó, ông Nguyễn Hoàng Linh thừa nhận đứng tên trên lô đất xây dựng công trình nói trên.
Công nhân TP.HCM sắp có nhà giá 100 triệu đồng
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa vừa yêu cầu Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan học kinh nghiệm của Bình Dương để xây dựng nhà ở xã hội bán cho công nhân, người lao động với giá rẻ, khoảng100 triệu đồng/căn.
Đồng thời, UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng khảo sát nhu cầu về mua, thuê nhà ở, đề xuất các thiết kế mẫu cho công nhân tham khảo, nhà ở phải gần với khu vực có trường học, trạm y tế, siêu thị, chợ...
Đây là một trong những động thái để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng về việc tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, cải tạo và nâng cấp nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê.
Lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 phần vi phạm ở tòa 8B Lê Trực
Sáng 14/10, theo tin từ Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội), thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các cấp chính quyền của quận đang tập trung chỉ đạo thực hiện phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) của công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực theo đúng các quy định hiện hành, dự kiến xong trong tháng 10/2016.
Để có cơ sở triển khai phá dỡ phần vi phạm trật tự còn lại của tòa nhà (giai đoạn 2) đảm bảo tiến độ và an toàn, trên cơ sở đánh giá năng lực kinh nghiệm và được Sở Xây dựng Hà Nội giới thiệu, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đề nghị Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn Đại học Xây dựng phối hợp, ký hợp đồng lập phương án, biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực.
Xem thêm thông tin về phá dỡ giai đoạn 2 phần vi phạm toà 8B Lê Trực tại đây