Aa

Bất động sản 24h: Địa phương “ra tay“, hết thời bán đất trong “một nốt nhạc“

Thứ Tư, 28/04/2021 - 10:40

Địa phương "ra tay", hết thời bán đất trong "một nốt nhạc"; Đất đai phải được thu hồi, đền bù, đấu giá công khai minh bạch;... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.

Dự báo bất ngờ về thị trường bất động sản quý II

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, nhìn chung các phân khúc, loại hình của thị trường đều hứa hẹn một kịch bản tươi sáng trong quý 2. 

Trong đó, phân khúc nhà ở sẽ đón nhận nguồn cung mới những tháng đầu năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội dự báo sẽ có khoảng 6.000 - 7.000 sản phẩm thuộc đa dạng các phân khúc sẽ được chào bán ra thị trường trong thời gian tới, con số này tại TP.HCM ước chừng vào khoảng 8.000 - 10.000 sản phẩm. Phân khúc căn hộ vẫn là loại hình bất động sản chiếm tỷ trọng lớn ở 2 thị trường lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM. 

Tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản đã và đang được cải thiện rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp loại 2 phòng ngủ tiếp tục là sản phẩm được ưa chuộng nhiều nhất. 

Còn đất nền là loại hình bất động sản đang diễn ra cơn sốt ở hầu hết các địa phương đang có sự phát triển rầm rộ về hạ tầng đô thị, cũng như quy hoạch trở thành quận hoặc thành phố trong thành phố...

Địa phương ra tay ngăn chặn sốt đất
Ảnh minh họa. (Nguồn: Mạnh Khánh/TTXVN)

Đất đai phải được thu hồi, đền bù, đấu giá công khai minh bạch

Trong Hiến pháp năm 2013, tại Điều 54 khoản 3 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh; phát triển kinh tế - xã hội; vì lợi ích quốc gia công cộng”.

Cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội” đang còn có ý kiến khác nhau do các bản Hiến pháp trước đây không có loại hình dự án này.

Khi trình dự thảo Hiến pháp năm 2013, Chính phủ trình Quốc hội đã thuyết minh điều này rất cần thiết nhằm đẩy mạnh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng để có quỹ đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, trong công cuộc chuyển đổi đạt mục tiêu hiện đại hóa rất cần sử dụng đến đất đai nhưng luôn chỉ “trong trường hợp thật cần thiết do luật định”. 

Tuy nhiên, khi cụ thể hóa điều này trong Luật Đất đai, cụm từ và ý nghĩa của cụm từ “trong trường hợp thật cần thiết” và “vì lợi ích quốc gia, công cộng” đã không còn đảm bảo cả hình thức và nội dung cụ thể tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định.

“Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:

1. Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất. 

2. Thực hiện các dự án do Chính phủ quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất (liên quan đến dự án công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới; dự án trụ sở cơ quan; các công trình di tích lịch sử, phúc lợi xã hội; công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia bao gồm giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, thông tin liên lạc...)”. 

Đối với hai trường hợp này, đã cho thấy khá rõ sự “thật cần thiết” và “vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Tuy nhiên, đến điểm 3 thì quy định một cách hết sức rộng rãi, bao gồm toàn bộ tất cả các loại hình dự án và có nhiều loại không thuộc loại “thật cần thiết” và cũng không hoàn toàn “vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Theo đó, tại khoản c điểm 3 Điều 62 quy định rất thoáng và rộng rãi: Đất thu hồi do HĐND tỉnh quyết định là “Dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn chỉnh trang đô thị; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rửng đặc dụng”.

Đây là đối tượng thu hồi đất gây nhiều lãng phí thất thoát, tham nhũng, khiếu kiện nhất vì rất nhiều yếu tố không thuộc đối tượng “trong trường hợp thật cần thiết” và “vì lợi ích quốc gia, cộng cộng”.

Cụ thể, đối tượng dự án Khu đô thị mới: Thực sự đã nằm trong quy định thuộc thẩm quyền Chính phủ quyết định (Điều 62, khoản 2) hoặc nằm trong Quy hoạch chung của tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy đưa tiêu chí Khu đô thị mới (thậm chí tiểu khu đô thị mới), là không phù hợp...

Xem thông tin chi tiết tại đây.

“Đừng nhìn nhà cao tầng như thủ phạm duy nhất gây quá tải hạ tầng“

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư cũ và 306 chung cư cũ độc lập. Đến nay, nhiều nhà chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm cấp độ D có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc cải tạo đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mới thực hiện được hơn 1%. 

Đặt quyết tâm đẩy nhanh tiến độ trong việc cải tạo chung cư cũ, mới đây, Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 947-QĐ/TU về thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh làm Trưởng ban Chỉ đạo. 

Có nhiều nguyên nhân khiến việc cải tạo chung cư cũ của Hà Nội giậm chân tại chỗ trong suốt 14 năm qua như nguồn vốn ngân sách Thành phố còn hạn hẹp; việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách của Thành phố chưa được người dân đồng thuận... Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến việc cải tạo chung cư cũ rối như tơ vò là nằm ở việc không thể tìm ra lời giải thỏa đáng cho các con số. 

Hệ số đền bù cho người dân khu tập thể cũ bao nhiêu là đủ? Số tầng của chung cư mới sẽ được xây cao bao nhiêu? Mật độ dân số ở khu vực được xây mới lại bao nhiêu là phù hợp...

Theo các chuyên gia, để gỡ được nút thắt lớn nhất trong việc cải tạo chung cư cũ thì cần có sự vào cuộc của 4 nhà: Nhà nước, nhà chuyên môn, doanh nghiệp và người dân để đưa ra lời giải thỏa đáng cho các con số này.

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang

Ngày 27/4, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tại phiên họp về việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang, điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và TP. Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở kiến nghị của UBND các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và TP. Hà Nội, Chính phủ đề xuất: Thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm thuộc tỉnh Thanh Hóa, bởi hiện nay, xã Quý Lộc và xã Yên Lâm được quy hoạch trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, trung tâm công nghiệp, vật liệu xây dựng kết hợp với dịch vụ hỗ trợ nghề đá, là đầu mối giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây bắc huyện Yên Định với các huyện giáp ranh.

Đề xuất thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, bởi xã Long Giao hiện nằm ở vị trí trung tâm của huyện Cẩm Mỹ, là ngã ba kết nối các trục giao thông huyết mạch trong vùng, có trụ sở hành chính của huyện đặt trên địa bàn, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện; đồng thời, từ khi hình thành và phát triển đến nay, huyện Cẩm Mỹ chưa có trung tâm huyện lỵ (thị trấn).

Đối với tỉnh Tuyên Quang, đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính nhằm chuyển 2 xã Phúc Sơn và Minh Quang của huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng của nhân dân địa phương; thành lập thị trấn Lăng Can từ xã Lăng Can để góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Bình; điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị trấn Yên Sơn nhằm đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong khu vực và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Sơn.

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Đà Nẵng: Thêm hai dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được mở bán

Mới đây, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã phát đi các thông báo về danh sách nhà ở hình thành trong tương lai tại TP này được phép mở bán.

Đó là dự án Khu nhà ở phía Đông đường Trần Đăng Ninh do Công ty Cổ phần Đất Xanh Miền Trung làm chủ đầu tư và dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Duyên hải Miền Trung do công ty TNHH Dịch vụ DL - TM Minh Đông làm chủ đầu tư, căn cứ theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014; các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và các công văn đề nghị từ các chủ đầu tư của 2 dự án nêu trên.

Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết 96 căn nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án Khu nhà ở phía Đông đường Trần Đăng Ninh (Le Pavillon) và 13 căn hộ chung cư hình thành trong tương lai thuộc dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Duyên hải Miền Trung (Central Coast).

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top