Aa

Bất động sản 24h: Giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng mạnh

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Ba, 09/05/2023 - 09:36

Phải chờ bốc thăm, nộp nhiều thủ tục để mua nhà ở xã hội; Giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng mạnh... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Phá vỡ quy hoạch gây áp lực lên hạ tầng giáo dục, ai chịu trách nhiệm?

Thực trạng hạ tầng giáo dục thiếu trầm trọng tại các khu đô thị, khu công nghiệp đã xảy ra nhiều năm qua, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng triệu người dân.

Hơn 1 thập kỷ về trước, Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm (quận Hoàng Mai - TP. Hà Nội) là một trong những niềm tự hào của đông đảo chuyên gia về quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư, lãnh đạo Hà Nội và đông đảo người dân Thủ đô. Khu đô thị kiểu mẫu này được xem là một trong những khu vực đáng sống bậc nhất Thủ đô bởi nằm trọn khu vực bán đảo, bao quanh là hồ Linh Đàm xinh xắn. Tổng diện tích đô thị xanh hơn 200ha, trong đó có 74ha diện tích mặt nước, công viên có mật độ cây xanh lên tới 13m2/người. Đặc biệt, khu đô thị kết hợp hài hòa với 60% diện tích là khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa và nhà ở chỉ chiếm khoảng 23%.

Không thể không tự hào khi lần đầu tiên một khu đô thị được quy hoạch bài bản, đầy đủ công năng, diện tích xây dựng và đầy đủ các tiện ích. Thế nhưng, chỉ gần 10 năm sau khi nhìn lại tất cả đều ngao ngán và đến thời điểm hiện tại chẳng ai còn nhắc đến cụm từ “kiểu mẫu” nữa bởi bằng cách nào đó nơi đây đã bị “băm nát” quy hoạch đến xót xa… Đó là khu đất HH bị phá vỡ, biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao từ 35 - 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng), mật độ xây dựng trên 50%. Hay khu đất VP6 được quy hoạch nhà ở thấp tầng nằm phía Bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường Vành đai 3, nhưng đã bị biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, án ngữ một vùng bán đảo Linh Đàm, che khuất tầm nhìn. Những sai phạm nghiêm trọng này đã được cơ quan chức năng chỉ rõ.

Khu đất HH bị phá vỡ, biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao từ 35 - 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng), mật độ xây dựng trên 50%. (Ảnh: Reatimes)
Khu đất HH bị phá vỡ, biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao từ 35 - 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng), mật độ xây dựng trên 50%. (Ảnh: Reatimes)

Và những năm gần đây, một khu đô thị từng là kiểu mẫu, từng được xem là đáng sống bậc nhất Thủ đô lại đang phải gánh chịu nhiều hệ quả của việc bất chấp quy tắc, xem thường luật pháp của doanh nghiệp, cá nhân. 12 tòa chung cư cao tầng, có đến cả vạn cư dân sinh sống nhưng không được bố trí bãi đỗ xe ô tô; dân số cơ học tăng lên đến chóng mặt, gấp nhiều địa phương khác lại đè nặng lên hạ tầng, tiện ích. Sự việc hàng trăm phụ huynh học sinh phải bốc thăm để con em mình có suất vào trường mầm non công lập trên địa bàn là bài học nhãn tiền đến xót xa…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng mạnh

Sau hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu tích cực.

Hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 33 của Chính phủ đã được triển khai thời gian qua. Trong đó, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động và cho vay được cho là yếu tố quan trọng khiến số lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý I/2023 tăng trên 192% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân khúc này so với quý IV năm ngoái còn tăng trưởng ấn tượng hơn với 270%. Đây là những con số cho thấy thị trường bắt đầu có dấu hiệu ấm trở lại khi khách hàng quan tâm đến phân khúc nhà ở riêng lẻ, nhà đất thổ cư với nhiều giao dịch đã được chốt thành công.

Quý I/2023, thị trường bất động sản cả nước đã có trên 106.400 giao dịch thành công, trong đó có 39.000 giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ; trên 67.200 giao dịch đất nền.

Còn phân khúc căn hộ chung cư trung, cao cấp, nhà ở thương mại mở bán với số lượng ít và chỉ tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn. Lượng giao dịch ở phân khúc này khá khiêm tốn và chủ yếu là những giao dịch của người có nhu cầu ở thực. Không còn tình trạng mua bán giao dịch lướt sóng.

Hiện thị trường đã có sự tự điều chỉnh nguồn cung các phân khúc nhà. Số lượng tìm kiếm và giao dịch trên các sàn giao dịch bất động sản đã dần tăng lên từ cuối quý I.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thanh Hoá nâng cao năng lực hội nhập kinh tế

Kế thừa giá trị đã đạt được, phát huy những tiềm năng sẵn có, cộng với định hướng phát triển từ Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2040… Thanh Hóa hướng tới sự phát triển toàn diện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định "Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt".

Vì vậy, Quy hoạch Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2040 có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, tạo ra khung pháp lý cao nhất, là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh trong thời gian tới.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiếp đó, ngày 17/3/2023, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg, là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Thêm vào đó, Nghị quyết số 58 ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới. Đưa lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Môi giới địa ốc - Sau giai đoạn “bất thường” là bình thường 

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời điểm hiện tại là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh nhưng lại là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên để phát triển bền vững.

Những khó khăn trên thị trường bất động sản được thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp trong ngành này đều báo lỗ trong quý I/2023, ghi nhận giai đoạn kém nhất kể từ năm 2017 cho tới nay.

Vai trò của môi giới đang được nâng cao với những yêu cầu ngày càng khắt khe​​​​​. (Ảnh: H.K)
Vai trò của môi giới đang được nâng cao với những yêu cầu ngày càng khắt khe​​​​​. (Ảnh: H.K)

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, các doanh nghiệp lý giải kết quả kinh doanh với những con số tiêu cực là do thị trường bất động sản vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và các yếu tố thuận lợi vẫn chưa thực sự xuất hiện. 

"Các vấn đề về nguồn vốn, lãi suất tăng cao... đang gây áp lực lớn cho người mua nhà và nhà đầu tư. Điều này đã làm cho nhu cầu giao dịch bất động sản giảm mạnh kéo theo doanh thu và lợi nhuận suy giảm nhiều so với cùng kỳ", một doanh nghiệp giải trình.

Trước thực tế khó khăn chung của thị trường, không chỉ các doanh nghiệp chuyên đầu tư, kinh doanh bất động sản mà cả những doanh nghiệp hoạt động môi giới cũng chịu nhiều ảnh hưởng. 

Theo thông tin từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới đã chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên lớn nhất từ trước tới nay với hàng nghìn nhân sự, trong đó phần lớn thuộc bộ phận kinh doanh. Các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như: Dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3 - 6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Phải chờ bốc thăm, nộp nhiều thủ tục để mua nhà ở xã hội

Trong quá trình đăng ký mua nhà ở xã hội, người mua phải chờ bốc thăm và nộp nhiều giấy tờ chứng minh đủ điều kiện.

Cuối tháng 3, dự án khu nhà ở xã hội NHS Trung Văn thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa chính thức tiếp nhận hồ sơ mua nhà. Đây là dự án hiếm hoi được mở bán sau nhiều năm Hà Nội không có thêm dự án nhà ở xã hội nào đủ điều kiện khởi công xây dựng.

Dự án chỉ có 225 căn nhà ở xã hội trong khi nhu cầu của người dân rất lớn nên mỗi ngày đều có rất nhiều người đến từ sáng sớm ghi số thứ tự xếp hàng vào nộp hồ sơ.

Thực tế, trong quá trình đăng ký mua nhà ở xã hội, người mua phải chờ bốc thăm và nộp nhiều giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về nhà ở xã hội. Quá trình kéo dài và phức tạp này khiến việc tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó khăn đối với người dân có nhu cầu nhà ở thực tế, cấp bách.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top