Aa

Bất động sản 24h: “Tất tay” với đất nền, nhà đầu tư đang chật vật ra sao?

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Ba, 01/11/2022 - 10:33

“Tất tay” với đất nền, nhà đầu tư đang chật vật ra sao?; Giá cho thuê mặt bằng thương mại tăng mạnh... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

“Tất tay” với đất nền, nhà đầu tư đang chật vật ra sao?

Không ít người có bao nhiêu tiền sẽ đổ hết vào đất chờ thời bán chênh. Tuy nhiên, thị trường rơi vào trầm lắng không thể rút chân khiến các nhà đầu tư phải đau đầu.

Trong lúc thị trường bất động sản sôi động, những câu nói: “Người đẻ chứ đất không đẻ”; “đất chỉ có tăng giá, không có chuyện giảm”... dường như đã trở thành chân lý của rất nhiều nhà đầu tư. Theo đó, không ít người cứ có tiền mang hết mua đất, chờ thời bán chênh.

Tuy nhiên, những chân lý ấy đã không còn đúng ở giai đoạn này khi thị trường bất động sản trong nửa năm gần đây rơi vào trầm lắng. Nguyên nhân do các chính sách tiền tệ có phần kiểm soát chặt hơn trước. Bên cạnh đó là áp lực lãi suất tăng cao đang đè nặng lên thị trường bất động sản. Do vậy, những nhà đầu tư đã dốc hết tài sản vào đất như đang “ngồi trên đống lửa”.

Anh Nguyễn Văn Ngữ, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, năm 2021, dịch bệnh khiến các hoạt động kinh doanh của anh đều phải đình trệ. Khi đó, thấy thị trường bất động sản ở nhiều nơi lên cơn sốt, anh cũng tranh thủ dồn hết 6 tỷ đồng để mua 3 mảnh đất tại ven đô có diện tích lần lượt là 70m2, 82m2 và 90m2, tương đương mức giá trung bình khoảng gần 25 triệu đồng/m2, với mong muốn kiếm lời.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TS. Nguyễn Hữu Huân: Tăng lãi suất khiến thị trường chứng khoán “ngủ đông”, bất động sản xuất hiện làn sóng “cắt lỗ”

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, khủng hoảng niềm tin đang len lỏi xuất hiện, việc tăng lãi suất càng khiến cho cộng đồng doanh nghiệp thêm phần khó khăn.

Ngày 24/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm %. (Ảnh minh hoạ)

Trước các đợt tăng lãi suất liên tục của hơn 90 ngân hàng trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuần qua cũng đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm %. Đây là lần tăng lãi suất điều hành thứ hai của Ngân hàng Nhà nước chỉ trong vòng một tháng qua. Cụ thể, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 6%/năm lên 7%/năm.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động và ngày 27/10 vừa qua, 3 “ông lớn” trong nhóm Big 4 gồm Agribank, BIDV, Vietinbank đã tham gia cuộc đua. 

Giới chuyên gia đánh giá, chính sách tăng lãi suất là giải pháp quan trọng để đảm bảo giá trị đồng tiền và hạn chế lạm phát. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc tăng lãi suất liên tục trong bối cảnh “room” tín dụng cạn đang khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có đặc thù “nghiện” vốn vay ngân hàng càng thêm khó khăn. Từ đó, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư, hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí

Tổng hợp chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án.

Đây là kết quả được nêu rõ tại báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về  thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn.

Sáng 31/10 tại Quốc hội, ông Nguyễn Phú Cường - Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát đã báo cáo trước Quốc hội về những nội dung này. Báo cáo của đoàn giám sát chỉ rõ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hé lộ bức tranh lợi nhuận quý III/2022 của doanh nghiệp bất động sản

Kết thúc quý III/2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận kinh doanh tăng đáng kể, song vẫn có những doanh nghiệp báo lỗ so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận quý III/2022 đó là nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn công bố kết quả kinh doanh có lãi.

Đơn cử như CTCP Vinhomes mới công bố kết quả kinh doanh cho thấy, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong quý III/2022 là 17.805 tỷ đồng, chủ yếu nhờ bắt đầu bàn giao 1.300 căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire sau 5 tháng khởi công, qua đó thiết lập kỷ lục mới trên thị trường bất động sản.

Tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính, đạt 30.719 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 18.949 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ đạt 14.494 tỷ đồng, tăng tương ứng 37% và 30% so với cùng kỳ. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong quý III/2022 đạt 3.329 đồng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá cho thuê mặt bằng thương mại tăng mạnh

Từ đầu quý II/2022 phân khúc bất động sản cho thuê mặt bằng thương mại bắt đầu có tín hiệu phục hồi trở lại nhưng phải chờ sang đến quý III mới thực sự rõ nét hơn. Giá cho thuê theo đó cũng tăng mạnh, đặc biệt là ở khu vực trung tâm các đô thị.

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến quý III/2022 phân khúc mặt bằng thương mại cho thuê có sự tăng trưởng trở lại cả nguồn cung và giá thuê trên phạm vi cả nước.

Theo đó, trong quý III, giá cho thuê mặt bằng thương mại ước tăng bình quân trên 20% so với cùng kỳ năm 2021; cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch, làn sóng mở rộng hoạt động kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam trở lại, khiến giá thuê tăng cao. Đáng chú ý, đây cũng là thời điểm những chính sách trợ giá của chủ mặt bằng đối với khách thuê cũng không còn được áp dụng.

“Thời điểm hiện tại, các chủ mặt bằng đã cắt bỏ chính sách giảm hoặc miễn tiền thuê như thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Những mặt bằng có diện tích lớn từ khoảng 500m2 trở lên, nếu khách thuê ký hợp đồng dài hạn thì giá thuê đã trở lại tương đương với thời điểm trước dịch; còn ở mặt bằng diện tích nhỏ, giá thuê đã ghi nhận tăng cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu và giữa năm” - Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Nam Đăng Lê Xuân Vinh cho hay.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top