Cư dân “tố” chủ đầu tư dự án CT3 – Trung Văn “chiếm dụng” hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì
Mới đây, Ban quản trị (BQT) đơn nguyên 1&3 tòa nhà CT3, KĐT mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng “chây ì” bàn giao hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì.
Được biết, BQT đơn nguyên 1&3 chung cư CT3 Trung Văn đã được thành lập đúng theo quy định của pháp luật và được UBND quận Nam Từ Liêm công nhận ngày 24/11/2015. Tuy nhiên, tới nay, phía chủ đầu tư vẫn không thực hiện việc bàn giao phí bảo trì cho BQT. Ước tính đến thời điểm tháng 3/2017, số tiền này là hơn 6 tỷ đồng.
Cộng đồng cư dân khu nhà đã nhiều lần khiếu nại lên các cơ quan chức năng nhưng sự việc vẫn dừng lại ở các phản hồi văn bản, chưa có chế tài và xử lý trong khi nhiều hạng mục của tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cao ốc mọc lên, giao thông ùn tắc: Đi đâu cũng gặp cao ốc
TP.HCM hiện đang căng mình xử lý nạn ùn tắc giao thông. Trong đó có nhiều điểm kẹt tập trung ở khu vực vốn có quá nhiều cao ốc, trung tâm thương mại. Nhận định về tình trạng này, một lãnh đạo Sở GTVT cho rằng phát triển đô thị ở TP.HCM mất cân đối, chủ yếu tập trung quá cao ở khu vực trung tâm TP.HCM. Việc phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại, cao ốc chưa gắn liền với phát triển giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông khi đưa vào khai thác.
Câu chuyện kẹt xe quanh khu vực Tân Sơn Nhất đã nóng ran trong một thời gian dài và chưa có hồi kết. Có hàng ngàn tỉ đồng đổ vào các dự án mở rộng đường, làm cầu vượt, xây đường mới… nhằm giải cứu các lối ra vào sân bay. Thế nhưng cũng trên các tuyến đường dự kiến được mở rộng này, các cao ốc, chung cư không ngừng vươn lên.
Được biết, UBND TP đang xin phép Thủ tướng được triển khai dự án cầu vượt tại vòng xoay Công trường Dân Chủ (quận 3, quận 10) theo cơ chế cấp bách. Mục đích của việc này là nhằm khẩn cấp cứu nguy cho căn bệnh kẹt xe kinh niên tại điểm nóng này.
Lãi ròng gấp đôi năm trước, đại gia nhà thầu "lấn sân" kinh doanh, môi giới BĐS
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) vừa ra thông báo về việc rót 100% vốn thành lập công ty con là Công ty TNHH Convestcons. Convestcons có vốn điều lệ dự kiến khoảng 26 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực Môi giới BĐS (bao gồm tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất) và Kinh doanh BĐS (gồm kinh doanh BĐS, quyền sử dụng đất, thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê). Ông Từ Đại Phúc - Phó Tổng giám đốc Coteccons sẽ đảm nhiệm điều hành công ty mới.
Liên quan đến kết quả kinh doanh 2016 của CTD, có thể thấy, năm vừa qua doanh thu của “ông lớn” này đạt 20.783 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 47%; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.763 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 56%; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.422 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 60%.
Trong năm 2017, doanh nghiệp sẽ tập trung mở rộng hoạt động đầu tư, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có năng lực phát triển dự án quy mô vừa và lớn, đồng thời sử dụng nguồn vốn sẵn có đầu tư vào các dự án cao ốc văn phòng nhằm tạo nguồn thu ổn định, lâu dài.
Dân Sài Gòn từng ngày chờ thoát nạn quy hoạch "treo"
Thời gian qua, tình trạng người dân trên địa bàn TP.HCM có đất nhưng không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, không được chuyển nhượng, mua bán, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… do vướng quy hoạch “treo” đã xảy ra ở nhiều quận huyện.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, hiện nay thành phố còn khoảng 570 dự án "treo" với tổng diện tích hơn 20.000 ha, trong đó không ít dự án đã án binh bất động hơn 20 năm.
Để giải quyết tình trạng này, UBND TP.HCM đã chấp nhận đề xuất điều chỉnh quy hoạch của 23 quận huyện. Theo đó, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường xử lý theo hướng, dự án nào chậm triển khai có lý do chính đáng, thì được thẩm định lại, rà soát hồ sơ, tháo gỡ vướng mắc. Dự án nào kéo dài nhưng không khả thi, gây ảnh hưởng tới người dân sẽ bị thu hồi, xóa bỏ hoặc nghiên cứu điều chỉnh.
M&A tiếp tục là bàn đạp để các nhà đầu tư tiến vào thị trường BĐS
Trong thời gian qua, thị trường đã lần lượt chứng kiến những nước cờ mang tính chiến lược của các nhà đầu tư, bao gồm cả mua bán sát nhập và hợp tác phát triển. Một số thương vụ điển hình có thể kể đến như việc Gaw Capital mua lại một loạt những tài sản thương mại từ Indochina Land với tổng giá trị cao, Gamuda Land mua lại phần vốn của các nhà đầu tư nội trong dự án Celadon City.
Nhìn chung, hoạt động M&A "tưng bừng" tại thị trường BĐS Việt Nam với quy mô từ lớn đến nhỏ chính là một minh chứng cho sự tín nhiệm cao vào đà tăng trưởng của một chu kỳ phát triển mới bền vững.
Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam - nhận định: “Với tầm nhìn một Việt Nam sở hữu nhiều cơ hội và tiềm năng, M&A sẽ tiếp tục là một hình thức mà đại đa số những nhà đầu tư sẽ dùng để tham gia vào thị trường, nhằm hiện thực hóa mục tiêu của họ”.
Thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ đi về đâu?
Những tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản Đà Nẵng chứng kiến một cơn sốt chưa từng có với hàng loạt dự án khủng đổ bộ. Các sự kiện mở bán thuộc những dự án này đều tạo sóng và thu hút hàng ngàn nhà đầu tư đến từ Sài Gòn và Hà Nội.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã thu hút được tổng cộng hơn 70 đại dự án với tổng mức đầu tư trên 16 tỷ USD. Bà Đỗ Thị Thu Hằng – PGĐ Bộ Phận Nghiên Cứu Thị Trường Savills Việt Nam nhận định: với Đà Nẵng, sức nóng mới chỉ mới bắt đầu và đỉnh điểm của “cơn sốt” còn tiến xa hơn hiện tại, dự kiến đạt điểm rơi vào cuối năm 2017.
Với đầy đủ những điều kiện để phát triển bền vững mà hiếm thị trường nào có được, BĐS Đà Nẵng khó có thể xảy ra nguy cơ “bong bóng”, thị trường sẽ tăng trưởng rất bền vững dựa trên nhu cầu thực: nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch.