Aa

"BĐS nghỉ dưỡng thiếu chứ không phải thừa"

Chủ Nhật, 16/04/2017 - 00:43

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, nếu chúng ta làm được tốt câu chuyện phát triển những tiềm năng du lịch thì số lượng dự án nghỉ dưỡng đang thiếu chứ không phải thừa.

Tại buổi tọa đàm “Hạ tầng du lịch - nền tảng cho du lịch Việt Nam cất cánh” vừa diễn ra ngày 14/4, các chuyên gia đã đánh giá về vai trò của các khu nghỉ dưỡng đối với ngành du lịch.

Ông Nguyễn Trần Nam đánh giá, tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn. Năm ngoái, số lượng khách nội địa là 62 triệu.

"Dân mình rất “máu” đi du lịch. Nếu nhà nước bắc cầu, mở rộng giao thông thì khách đi du lịch rất nhiều. Vấn đề là cách mình khai thác tiền của khách như thế nào, như thông qua các cửa hàng, hoạt động văn hóa…

Tôi là người Hà Nội nhưng không hài lòng với cách làm du lịch ở đây. Sài Gòn người ta sống về đêm, Đà Nẵng có cầu Rồng chiếu sáng rất lung linh, Cần Thơ cũng có cây cầu chiếu sáng rất đẹp, nhưng ở Hà Nội thì tối om. Chỉ chiếu sáng được mấy ngày Tết rồi lại tắt ngóm. Dân không đi chơi về đêm thì lấy đâu ra nguồn thu.

Vừa rồi Hà Nội có chủ trương nới giờ giờ nghiêm, tôi cho đó là rất hợp lý. Nhiều hôm đi đêm thấy có người ăn bát phở cũng phải chạy vì giờ giới nghiêm, lấy đâu ra nguồn thu".

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: Bizlive

Trả lời câu hỏi, liệu có thị trường BĐS có đang thừa các dự án nghỉ dưỡng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam khẳng định: "Hiện nay có rất nhiều quan điểm cho là Việt Nam nhiều resort quá. Với hạ tầng du lịch hiện nay của mình các tổ hợp phức hợp khu du lịch vui chơi của mình chưa ăn thua gì so với thế giới, đặc biệt là phân khúc 5 sao".

"Chính vì vậy, chúng ta không nên lo câu chuyện thừa bởi so với các nước trên thế giới, Việt Nam có khí hậu quanh năm mát mẻ, số ngày nắng lên tới 300 ngày. Hơn nữa chúng ta có một bề dày lịch sử rất lâu đời, đặc biệt là nền văn hóa đa dạng bản sắc. Chính vì vậy, nếu chúng ta làm được tốt câu chuyện phát triển những tiềm năng du lịch trên thì số lượng dự án nghỉ dưỡng chúng ta đang thiếu chứ không phải thừa", ông Nam khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, hạ tầng còn rất thiếu nên phải tiếp tục quy hoạch

Đồng quan điểm, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines), Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch thuộc Tổng cục Du lịch dẫn chứng: "Tôi đưa ra các con số để biết chúng ta thừa hay thiếu khách sạn, resort. Năm ngoái, Việt Nam đón được 10 triệu khách quốc tế. Năm ngoái Singapore đón 20 triệu khách. HongKong đón 25 triệu, Thái Lan đón 30 triệu. Như vậy, 10 triệu khách của Việt Nam bằng 1/2 Singapore, bằng 2/5 HongKong, bằng 1/3 Thái Lan. Nhưng đó mới chỉ là con số du khách vào".

Phó tổng giám đốc  Vietstar Airlines đặt câu hỏi, TP. HCM đang muốn thu hút 7 triệu khách quốc tế, nhưng một sự thật đau lòng là thành phố này không giữ được khách du lịch quá 3 ngày. Nếu như thời gian tới đây nếu giữ được 5-7 ngày thì lấy đâu ra phòng?

"Nói số phòng, resort của ta nhiều thì không đúng. Cái tôi lo đối với các doanh nghiệp không phải là họ không có tiền đầu tư. Họ có thể, nhưng làm sao để có khách đến, đó mới là vấn đề lo ngại. Nếu không có khách đến thì lúc đó mới là gay go. Nhiều khi chúng ta không hiểu đúng khách hàng, không hiểu họ muốn gì mà đáp ứng". 

Theo ông Lương Hoài Nam, một trong những rào cản là câu chuyện visa, nhiều người nói bỏ đi thì khó quá, có thể giảm từ 45 xuống 25 USD, nhưng với những người giàu, 45 hay 25 USD không quan trọng, điều quan trọng là họ không muốn có thủ tục này.

"Chúng ta vẫn nói thế mạnh của du lịch Việt Nam là ẩm thực, nhưng tôi hiếm thấy ai quyết định điểm đến mà dựa vào ẩm thực địa phương. Chúng ta phải hiểu cho đúng nhu cầu và đáp ứng nhu cầu đó thì mới phát triển được" - ông Lương Hoài Nam nói 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top