Aa

BĐS nghỉ dưỡng Vũng Tàu, “đứa trẻ” chưa chịu lớn

Chủ Nhật, 17/09/2017 - 07:02

Nằm trong vùng kinh tế năng động nhất phía Nam, sở hữu khí hậu ấm áp, bờ biển dài, thoai thoải, hạ tầng phát triển, Vũng Tàu được đánh giá có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch và hình thành các resort nghỉ dưỡng cao cấp. Tuy nhiên, so với các thành phố gần kề như Nha Trang hay Phan Thiết, BĐS nghỉ dưỡng Vũng Tàu như đứa trẻ chưa lớn.

Tiềm năng, nhưng chưa phát triển

Thị trường BĐS TP. Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói cung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhất là BĐS nghỉ dưỡng. Ngoài bãi biển đẹp, quỹ đất rộng, chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh, TP. Vũng Tàu cũng có hạ tầng giao thông phát triển mạnh và kết nối dễ dàng với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ thông qua cao tốc TP.HCM - Long Thành, tàu cao tốc biển, Quốc lộ 51 với thời gian chạy xe ô tô từ 2-3 tiếng đồng hồ.

Thực tế, Vũng Tàu là điểm hấp dẫn của nhiều du khách, nhất là các ngày nghỉ lễ, hoặc cuối tuần.

Vũng Tàu hiện có ít dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn được triển khai dù tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Ảnh: Việt Dương.

Vũng Tàu hiện có ít dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn được triển khai dù tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Ảnh: Việt Dương.

Thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong năm 2016, toàn tỉnh đón khoảng 16,8 triệu lượt khách du lịch, tăng gần 8,4% so với năm 2015, trong đó tổng lượt khách lưu trú là 2,4 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.188 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ lữ hành là 599 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ lưu trú là 1.589 tỷ đồng.

Với tiềm năng như vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cơ hội vàng cho BĐS du lịch của Vũng Tàu phát triển.

Theo công bố của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, toàn tỉnh hiện có 79 dự án du lịch nghỉ dưỡng có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài được triển khai theo tuyến ven biển từ TP.Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc trên tổng diện tích 2.353ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 24.108 tỷ đồng và 10,23 tỷ USD. Trong đó, có 23 dự án đã đi vào hoạt động trên diện tích 466,7 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.573 tỷ đồng và 4,23 tỷ USD.

Có 26 dự án đang xây dựng, diện tích 491 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 9.189 tỷ đồng. Có 30 dự án đang bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, diện tích 1.396 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 8.346 tỷ đồng và gần 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư BĐS cho thấy, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Vũng Tàu khá yên ắng. Nếu như hai thành phố lân cận là Nha Trang (Khánh Hòa) và Phan Thiết (Bình Thuận) được ví như "hai đại công trường" với hàng chục dự án nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí lớn nhỏ đã, đang được triển khai, thì thị trường Vũng Tàu tỏ ra trầm lắng hơn hẳn.

Trong 79 dự án du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay, có nhiều dự án đã đăng ký cả chục năm nay, nhưng vẫn chưa triển khai. Trong đó, nổi cộm nhất là Dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel do Công ty TNHH Winvest Investment làm chủ đầu tư.

Vũng Tàu hiện có rất ít dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Vũng Tàu hiện có rất ít dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

Dự án này được cấp phép từ ngày 14/4/2006, có tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD, nằm trong khu vực Cửa Lấp, Chí Linh (phường 11 và 12, TP.Vũng Tàu), trên diện tích đất rộng 307 ha. Dự án bao gồm các hạng mục là khách sạn, biệt thự 1.200 phòng, khu trò chơi có thưởng (casino), nhà hàng, sân golf, bến du thuyền, bãi tắm và các công trình phụ trợ, trung tâm hội nghị quốc tế, nhà hát, rạp chiếu phim, khu hội chợ, triển lãm, trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp… Tuy nhiên, hơn 11 năm nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

Cạnh đó, Dự án Trung tâm thương mại Thái Dương (diện tích 12.000 m2, tại phường 3, TP.Vũng Tàu) do Công ty TNHH Vui chơi giải trí và Du lịch Thái Dương làm chủ đầu tư cũng chậm tiến độ do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Ngay kể cả Dự án Hồ Tràm Strip, một trong số ít dự án được đưa vào khai thác tại Vũng Tàu cũng “nổi tiếng” vì những lùm xùm cả về tiến độ, cũng như kiện cáo trong chính nội bộ chủ đầu tư.

Hiện tại, dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp thuộc dạng lớn nhất Việt Nam này mới ra mắt Dự án Kahuna Hồ Tràm Strip với 164 căn hộ khách sạn (condotel), 36 biệt thự 2 phòng ngủ và 8 biệt thự hướng biển. Tuy nhiên, khả năng kinh doanh và khai thác của dự án này vẫn phải chờ khi đi vào hoạt động.

Đi tìm lý do

Đánh giá về thị trường BĐS du lịch Vũng Tàu, bà Nguyễn Long Anh Thư, Tổng giám đốc Sàn giao dịch BĐS Nguyên Long Real cho biết, hiện tại, các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu tương đối giống nhau, chưa có nhiều điểm mới lạ, đột phá. Điều này làm cho khách tới Vũng Tàu một vài lần là cảm thấy nhàm chán. Ngoài ra, các dịch vụ du lịch tại đây chưa hoàn thiện, du khách chưa thực sự hài lòng với cách làm du lịch như hiện nay (chặt chém, chèo kéo, tăng giá ngày lễ, vệ sinh kém…).

Bên cạnh đó, giá BĐS nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu cũng bị đánh giá là quá cao và chưa hợp lý. Điều này khiến khiến BĐS nghỉ dưỡng Vũng Tàu yếu thế hơn so với các thành phố ven biển khách như Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết.

Một góc TP. Vũng Tàu.

Một góc TP. Vũng Tàu.

Không chỉ TP. Vũng Tàu, ngay với huyện đảo Côn Đảo, dù được đánh giá là đảo tự nhiên tuyệt đẹp, hoang sơ, nhưng cũng không thu hút nhiều nhà đầu tư đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng tại đây và thua kém rất nhiều về sức hút so với Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Lý giải về lý do BĐS TP. Vũng Tàu chưa thể phát triển, một đại diện Công ty DIC, đơn vị đã và đang triển khai một số dự án BĐS tại Vũng Tàu cho rằng, thị trường BĐS ở đây không phát triển bởi nhiều lý do, trong đó có việc các doanh nghiệp ôm đất vàng mặt biển nhưng nhiều năm không triển khai.

Trước đây, các quỹ đất này được doanh nghiệp mua, nhưng sau cơn khủng hoảng thị trường BĐS 2008 - 2014, các doanh nghiệp cạn vốn, nên không thể phát triển dự án.

Tại hội thảo về công tác quản lý, phát triển du lịch BĐS trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, ngày 1/9 vừa qua, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (thành lập đầu năm 2017), ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh đến những lợi ích mà loại hình BĐS du lịch mang lại, nhưng cũng thừa nhận những vướng mắc khiến loại hình này chưa phát triển tại địa phương này.

Theo ông Trình, tỉnh cũng rất chia sẻ với khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải và việc gỡ vướng cho loại hình này là hết sức cấp bách. Tỉnh cũng đã trình bày, kiến nghị các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa qua. Tỉnh mong muốn Chính phủ sớm có quy định chung quản lý và phát triển đầu tư loại hình căn hộ khách sạn (condotel).

Ông Trình cho biết, trước mắt trong thời gian chờ Chính phủ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tham khảo, lấy những ưu điểm các tỉnh bạn trong quản lý loại hình này để đưa ra những tiêu chí “xương sống” quản lý trên địa bàn.

Chẳng hạn, việc quy hoạch sẽ được phân cấp; việc cấp giấy, thu tiền sử dụng đất, hợp đồng cũng được quy định rõ để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và khách hàng. Tỉnh cũng sẽ xem xét giảm bớt tiền thu sử dụng đất để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top