Thực trạng, có nhiều chủ đầu tư xây hàng rào bao quanh dự án cản tầm nhìn xuống biển, khách du lịch về xứ biển nhưng chỉ nhìn thấy toàn lô cốt bê tông trước mặt. Nơi không bao chiếm đất thì trở thành bãi tập kết của đủ loại rác thải.
Theo báo cáo của UBND huyện Xuyên Mộc, trên địa bàn huyện có 104 dự án du lịch được UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, với tổng diện tích 3.792ha. Trong đó, chiều dài 32km đường bờ biển từ giáp ranh huyện Đất Đỏ đến xã Bình Châu có hơn 60 dự án, nhưng chỉ có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào kinh doanh gồm: khu du lịch Hồ Tràm Beach và khu du lịch Sài Gòn-Bình Châu, tổng diện tích 41,42ha, tổng vốn thực hiện 155 tỷ đồng; 15 dự án hoàn thành một phần; còn lại các dự án đang làm thủ tục đất đai, thỏa thuận địa điểm, lập quy hoạch 1/500 hoặc xây dựng dở dang vài hạng mục rồi để đó.
Năm 2016, UBND huyện Xuyên Mộc đã kiến nghị UBND tỉnh xử lý, thu hồi 22 dự án chậm triển khai kéo dài. Thế nhưng, đến thời điểm này, chỉ có 3 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư gồm: Chợ Phước Tân, chợ Phước Thuận và vườn thú hoang dã Safari.
Còn tại địa bàn có 2 dự án: Sân Golf và dịch vụ Hương Sen (91,09ha) và khu du lịch Kawasamii (13,57ha) gần 10 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chủ đầu tư vẫn chưa liên hệ với sở, ngành để được hướng dẫn các thủ tục pháp lý...
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 79 dự án du lịch nghỉ dưỡng có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài được triển khai theo tuyến ven biển từ TP.Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc trên tổng diện tích 2.353ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 24.108 tỷ đồng và 10,23 tỷ USD.
Trong đó, đã có 23 dự án đi vào hoạt động trên diện tích 466,7ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.573 tỷ đồng và 4,23 tỷ USD; đang xây dựng 26 dự án, diện tích 491ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 9.189 tỷ đồng; đang bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư 30 dự án, diện tích 1.396ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 8.346 tỷ đồng và gần 6 tỷ USD.
Huyện Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu là 2 địa phương thu hút nhiều dự án bất động sản du lịch. Trong tổng số 79 dự án du lịch ven biển, đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh đã giao đất, cho thuê đất 57 dự án với tổng diện tích 1.072ha, đã có 68 dự án đã lập và được phê duyệt quy hoạch 1/500.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết thêm hiện các sở, ngành, địa phương đang đề nghị thu hồi chủ trương đầu tư 8 dự án du lịch chậm triển khai, trong đó 4 dự án nằm trên địa bàn TP.Vũng Tàu; 2 dự án nằm trên địa bàn huyện Đất Đỏ và 2 dự án thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc.Các dự án này hầu hết đều chậm triển khai so với giấy chứng nhận đầu tư từ 3-5 năm. Nguyên nhân chậm triển khai là do chủ đầu tư không có khả năng về tài chính để thực hiện dự án; không thực hiện được công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500…
Trong đó, nổi cộm nhất dự án khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel do Công ty TNHH Winvest Investment làm chủ đầu tư được cấp phép từ ngày 14-4-2006, có tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD, nằm trong khu vực Cửa Lấp, Chí Linh (phường 11, 12 TP.Vũng Tàu).
Theo đó, dự án sẽ được triển khai trên diện tích đất rộng 307ha, bao gồm các hạng mục: khách sạn, biệt thự 1.200 phòng, khu trò chơi có thưởng (casino), nhà hàng ăn uống, sân golf, bến du thuyền, bãi tắm và các công trình phụ trợ, trung tâm hội nghị quốc tế, nhà hát, rạp chiếu phim, khu hội chợ, triển lãm, trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp… Tuy nhiên, hơn 11 năm nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.
Cạnh đó, dự án trung tâm thương mại Thái Dương (diện tích 12 ngàn m2, tại phường 3, TP.Vũng Tàu) do Công ty TNHH Vui chơi - giải trí và du lịch Thái Dương làm chủ đầu tư cũng chậm tiến độ do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng.