Hà Nội đề xuất xây dựng 2 cây cầu qua hồ Linh Đàm
UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thường trực HĐND thành phố xem xét, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối.
Việc này sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng diễn ra hàng ngày tại khu vực lân cận, đồng thời giúp tuyến đường vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng cũng được khép kín đồng bộ, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại và hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Thành phố dự định sẽ xây dựng 2 cầu đi thấp, mỗi cầu rộng 13m qua hồ Linh Đàm với chiều dài khoảng 660m (2x330m), kết hợp bố trí 2 nhánh kết nối có chiều rộng 7m (1 nhánh lên theo hướng từ Thanh Xuân đi Pháp Vân và 1 nhánh xuống theo hướng từ Pháp Vân đi Thanh Xuân).
Cận cảnh khu liên cơ quan 8 sở, ngành trên đường Võ Chí Công
Theo thông tin từ Sở Tài chính Hà Nội, thành phố đã chủ trương xây dựng hai khu liên cơ quan để dồn chuyển toàn bộ các sở, ngành về làm việc tại quận Hồ Tây và quận Hai Bà Trưng. Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hai khu liên cơ quan, toàn thành phố chỉ có hai khu vực tập trung các sở, ngành. Điều này được đánh giá rất thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp liên hệ làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính.
Hiện nay, khu liên cơ quan thứ nhất của thành phố đang được xây dựng trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) rộng 4.000m2. Các cơ quan sẽ chuyển về đây gồm các sở: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Quy hoạch và kiến trúc, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
Thủ tướng chỉ đạo chưa tăng thuế, phí
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách; trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017…
Địa ốc Sài Gòn tăng trưởng gần gấp đôi sau mỗi chu kỳ 5 năm
Hiệp hội Bất động sản TP HCM vừa công bố báo cáo diễn biến thị trường bất động sản trên địa bàn này giai đoạn 2006-2017. Nghiên cứu chỉ ra nhiều quy luật của thị trường địa ốc Sài Gòn, trong đó có đề cập đến tốc độ tăng trưởng ấn tượng kể từ năm 2006 đến nay.
Cụ thể trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng của thị trường là 0,9 lần. Giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng đạt 1,6 lần. Từ năm 2016 đến tháng 8/2017, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu chững lại ở phân khúc căn hộ cao cấp từ 3 phòng ngủ trở lên và bất động sản nghỉ dưỡng.
Quý IV/2017 chờ đợi nhiều tân binh ngân hàng chào sàn
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, quý cuối cùng của năm 2017 dự kiến sẽ ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số doanh nghiệp niêm yết.
Ngay từ tháng 8/2017, HOSE đã nhận được nhiều hồ sơ xin niêm yết mới và chuyển niêm yết từ sàn UPCoM, HNX lên HOSE. Đơn cử có thể kể đến các trường hợp như Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát, Công ty cổ phần CMC; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn,…
Đối với nhóm ngành ngân hàng, sau sự kiện VPBank lên sàn, giới đầu tư đang chờ đợi thêm nhiều ngân hàng nữa sẽ được đưa lên sàn niêm yết trong tương lai gần, giúp tăng thêm chất lượng hàng hóa cũng như tăng tính cạnh tranh giữa những cổ phiếu trong ngành.
Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sau nhiều lần trì hoãn kế hoạch lên sàn, đã quyết định sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM ngay cuối tháng 9/2017.