Theo nghiên cứu của CBRE, bên cạnh việc giảm thiểu mức tiêu thụ tiện ích chung, các tổ hợp thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng còn giúp cải thiện sức khỏe và tăng hiệu suất làm việc của các nhân viên tại tòa nhà. Do đó, các tòa văn phòng có chứng nhận xanh (chứng nhận LEED) sẽ sớm được khách thuê quan tâm khi đi tìm mặt bằng.
Thống kê của CBRE cho thấy, hiện tại chỉ có 22 dự án được chứng nhận LEED và 22 dự án được chứng nhận LOTUS ở Việt Nam. Đây là con số tương đối ít so với tổng lượng dự án đang triển khai hiện tại.
Trong số lượng ít ỏi đó, một số tòa nhà hạng A tại TP. HCM như Deutsches Haus và Mapletree Business Centre đã áp dụng thành công mô hình này và được giới thiệu tới khách hàng. Theo CBRE, để đạt được tiêu chuẩn này, các nhà đầu tư cần phải có kế hoạch nghiêm túc với sự tư vấn chuyên nghiệp cần thiết.
Ông Richard Colville, Giám đốc Dịch vụ quản lý tài sản, CBRE Việt Nam cho biết, đặc điểm chung của các bộ chứng chỉ công trình xanh mà CBRE đang phối hợp triển khai nhấn mạnh vào các yếu tố giảm tiêu thụ năng lượng (dẫn đến chi phí dịch vụ thấp hơn), điều hòa không khí hiệu quả hơn (tạo ra môi trường bên trong thoải mái hơn và có thể sử dụng được), đặc điểm kỹ thuật xây dựng và lắp đặt an toàn hơn (giảm nguy cơ tiếp xúc với vật liệu nguy hiểm), quản lý thông minh hơn về nước, nước thải và xử lý chất thải/tái chế (giảm sử dụng nước và tạo ra chất thải). Do quá trình sẽ có sự can thiệp sâu sắc trong mọi khía cạnh trọng yếu của tòa nhà như phối cảnh, xử lý năng lượng và nước, nội thất…
Bên cạnh công trình có chứng nhận LEED, sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư khu vực nội đô và các thành phố lớn là vấn đề chỉ số giao thông, khả năng lưu thông của dự án. Thời gian gần đây, việc phương tiện cá nhân áp đảo hệ thống giao thông công cộng, vốn còn nhiều “gen lặn”, đang là vấn đề to lớn cho các siêu đô thị khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trước thực trạng này, việc tìm hướng cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông đang được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách. Ở nhiều nước trong khu vực, tàu điện ngầm được ưu tiên với nhiều hứa hẹn sẽ phần nào giải quyết được bài toán về giao thông, từ đó sẽ có những tác đông tích cực đến thị trường BĐS nói chung.
Còn nhớ năm 1999, khi đường sắt trên cao trong thành phố tại Thái Lan đi vào hoạt động, đã tạo nên sự sôi động lớn hơn rất nhiều cho các khu vực dọc theo đường tàu. Phân khúc “ăn theo” hệ thống đường tàu đô thị mạnh nhất là các dự án căn hộ chung cư, bám theo sau là các dự án văn phòng cho thuê với với đầy đủ các hạng đáp ứng nhu cầu lựa chọn của khách hàng.
Xét về tiềm năng này, Hà Nội và TP. HCM được các chuyên gia đánh giá cao là 2 thành phố sẽ có nhiều lợi thế trong tương lai.
Bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc Bộ phận cho thuê văn phòng - thị trường Hà Nội CBRE nhận định, các hệ thống hạ tầng, chỉ số giao thông đi lại quyết định khoảng 15 - 20% số lượng khách hàng đến phân khúc văn phòng cho thuê. Đặc biệt, khi ở Việt Nam, hệ thống giao thông đang phát triển mạnh thì khả năng tác động sẽ cao hơn nhiều.
Bà Trang cho biết, khi có tín hiệu xây dựng các tuyến đường giao thông, thì các khu đô thị, dự án mới mọc lên rất nhiều. Chẳng hạn tại quận 2, TP. HCM, khi tuyến Metro phát triển, các dự án BĐS cũng “sống dậy” bám theo”.