Aa

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Nghị quyết 68-NQ/TW có hiệu lực sẽ 'cởi trói' cho doanh nghiệp

Thứ Sáu, 16/05/2025 - 20:05

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là bước ngoặt lớn, khơi thông điểm nghẽn thể chế, tiếp thêm khí thế cho kinh tế tư nhân vươn lên vai trò trụ cột, đóng góp mạnh mẽ vào nền kinh tế quốc dân. Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 16/5 các đại biểu Quốc hội chia sẻ, cần có chính sách thỏa đáng đối với doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng thời gian hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Giải bài toán chờ sửa luật

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Nghị quyết 68-NQ/TW có hiệu lực sẽ 'cởi trói' cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần tập trung sửa đổi cơ bản hệ thống pháp luật, gồm hai nhóm quy định: Sửa luật thuộc thẩm quyền Quốc hội và sửa các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền Chính phủ, bộ, ngành. Kỳ họp này đang xem xét sửa đổi hơn 30 luật - với nhóm luật này cần phải thể chế ngay nội dung Nghị quyết số 68-NQ/TW trong các dự thảo luật này.

Đối với các luật chưa có trong chương trình kỳ họp thì cần thêm thời gian để sửa, có thể làm cho Nghị quyết số 68-NQ/TW phần nào chậm đi vào cuộc sống. Do đó, Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp này về cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là cấp thiết, để góp phần giải bài toán “chờ sửa luật”.

Nghị quyết này sẽ tập trung vào các nội dung rõ ràng, cấp bách, có thể triển khai ngay và phù hợp với tính chất một nghị quyết Quốc hội và quỹ thời gian hạn chế, ví dụ như: miễn thuế môn bài. Những vấn đề phức tạp hơn như cải cách mạnh mẽ thủ tục phá sản hay xử lý tranh chấp dân sự, kinh tế tại tòa án phải sửa toàn diện luật chuyên ngành, chứ khó có thể bằng vài điều khoản của Nghị quyết Quốc hội để có thể giải quyết.

Như vậy, vai trò của nghị quyết lần này là thực thi được ngay một số giải pháp của Nghị quyết số 68-NQ/TW, mặt khác đặt nền tảng pháp lý ban đầu, với các nguyên tắc để tiếp tục thể chế hóa toàn diện bằng sửa luật cụ thể. Ví dụ như: Nghị quyết của quốc hội quy định rút ngắn ít nhất 30% thủ tục, hồ sơ trong quy trình phá sản  làm căn cứ cho sửa đổi Luật Phá sản sau này.

Để thể hiện rõ cách tiếp cận nêu trên, Nghị quyết của Quốc hội đã có một điều khoản: yêu cầu các nội dung liên quan đến Nghị quyết số 68-NQ/TW phải được thể chế ngay trong các luật mà Chính phủ đã trình tại kỳ này. Đối với các luật khác, giao Chính phủ khẩn trương hoàn tất rà soát, sửa đổi luật liên quan chậm nhất vào năm 2026.

Việc này nên hoàn thành sớm trong năm 2025 và muộn nhất là quý II/2026. Về các vấn đề cụ thể, tôi đề xuất đẩy mạnh giải pháp về tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, xây dựng cụm công nghiệp chuyên biệt dành riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… với hạ tầng hoàn chỉnh, chi phí hợp lý và nhiều hạ tầng có thể dùng chung kho bãi, văn phòng...

Về phí, lệ phí nên miễn cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp phải cấp lại, đổi lại giấy tờ do thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính. biện pháp này giúp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Cuối cùng, đề nghị chỉnh sửa lại khoản 7 Điều 5 về yêu cầu việc sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm không chỉ “giá trị tài sản” mà còn phải bao gồm cả “quyền tài sản” liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc niêm phong, kê biên, tạm giữ tài sản cần phải được sử dụng biện pháp phù hợp, đảm bảo không chỉ mất mát, hư hỏng (giá trị) và còn phải đảm bảo tài sản đó (nhà xưởng, máy móc) có thể phải được tiếp tục vận hành, khai thác, phát huy giá trị, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lao động của doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang): Có chính sách thỏa đáng đối với doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Nghị quyết 68-NQ/TW có hiệu lực sẽ 'cởi trói' cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nghị quyết sau khi có hiệu lực sẽ “cởi trói” được rất nhiều vấn đề cho doanh nghiệp. Tôi quan tâm 2 vấn đề. Thứ nhất là về chính sách trong việc giải quyết, xử lý vi phạm và giải quyết các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp; trong đó, dự thảo Nghị quyết đã đề ra một số quy định để làm sao tránh hình sự hóa những vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm. Đồng thời, giải quyết các vụ việc vừa đảm bảo nghiêm minh, lại vừa bảo đảm công bằng, minh bạch và có tính nhân văn. Có như vậy, sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Ví dụ như những vụ việc mà có thể dẫn đến xử lý về hình sự hay là về kinh tế thì trước hết phải ưu tiên xử lý về kinh tế, về dân sự; khuyến khích những trường hợp vi phạm chủ động trong việc khắc phục hậu quả. Coi đây là một trong những yếu tố để các cơ quan tố tụng xem xét, quyết định trong quá trình truy tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Đây là quy định rất mới, rất đặc biệt, có tính nhân văn.

Thứ hai là tôi rất quan tâm đến những cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ một trong những nút thắt rất lớn hiện nay. Đó là về mặt bằng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo đó, trong dự thảo Luật quy định là sau khi Nghị quyết này có hiệu lực thì các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập sau thời điểm có hiệu lực thì phải dành diện tích 20 ha trên một khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc là 5 % diện tích đất đã được đầu tư kết cấu hạ tầng để dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao, khu vực tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư thì đây là yếu tố tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện thêm, đó là quy định đối với những khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới thành lập sau khi Nghị quyết này có hiệu lực mà không nhận được hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, chỉ được cho các doanh nghiệp thuê, thuê lại. Điều này có thể dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp đầu tư vào kết cấu hạ tầng.

Cho nên, cùng với những cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao, khu vực kinh tế tư nhân cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng cần quan tâm cả lợi ích, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các doanh nghiệp. Do đó, cần phải có chính sách thỏa đáng đối với doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp này, nhất là khi mà chính họ cũng là doanh nghiệp tư nhân.

Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh): Nâng thời gian hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Nghị quyết 68-NQ/TW có hiệu lực sẽ 'cởi trói' cho doanh nghiệp- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tôi đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, tính khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cũng như Quốc hội trong việc xây dựng chính sách đặc biệt nhằm phát triển kinh tế tư nhân. Ngay sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã nhanh chóng trình hồ sơ để Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết.

Dù thời gian tiếp cận Nghị quyết không dài, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt là đối với các chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Tôi hoàn toàn đồng tình với việc đánh giá cao những chính sách này. Theo tôi, các nguyên tắc chung như: thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hay phá sản cần được áp dụng công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Riêng với doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có các chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, tín dụng, thuế và lệ phí nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Tôi đặc biệt quan tâm đến bốn nhóm đối tượng được miễn, giảm thuế theo Điều 10. Tuy nhiên, để chính sách thực sự hiệu quả và đi vào cuộc sống, tôi đề nghị cần nâng thời gian hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 năm lên 5 năm đầu. Đồng thời, xem xét hỗ trợ cả thuế thu nhập cá nhân cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sản phẩm.

Tôi cũng muốn góp ý về Khoản 4, Điều 10 của dự thảo nghị quyết, hiện quy định hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cách làm này chưa hợp lý, bởi giai đoạn đầu, doanh nghiệp còn đang đầu tư phát triển thị trường, chưa có lợi nhuận. Vì vậy, cần chuyển thời điểm bắt đầu hỗ trợ sang 3 năm kể từ khi doanh nghiệp phát sinh lợi nhuận, như vậy sẽ thiết thực và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa đủ năng lực hoặc chưa nhận thức đầy đủ về việc đăng ký sở hữu trí tuệ quốc tế. Điều này khiến doanh nghiệp Việt dễ bị mất tên miền, bị cạnh tranh không lành mạnh, hoặc gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư.Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ vào Nghị quyết.

Cuối cùng, tôi đánh giá cao chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất xanh. Đây là chính sách tốt và được doanh nghiệp mong đợi. Tuy nhiên, thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy kết quả rất hạn chế và nguyên nhân là do thủ tục quá phức tạp và doanh nghiệp e ngại các vấn đề thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Nếu tháo gỡ được những rào cản này, tôi tin rằng chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top