Cụ thể, phần tài sản mà Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank rao bán bao gồm: quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh với diện tích 3.180m2 và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với dự án Bến xe khách liên tỉnh phía Nam TP. Đà Nẵng.
Đây là phần tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, hiện được VietinBank định giá bán/chuyển nhượng tối thiểu 48,283 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ dùng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank. Người mua và bên bảo đảm tự thỏa thuận và thanh toán đầy đủ mọi chi phí phát sinh liên quan quá trình xử lý tài sản.
Được biết, dự án Bến xe khách liên tỉnh phía Nam được Công ty Cổ phần Đức Long Đà Nẵng (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đầu tư xây dựng theo chủ trương mời gọi đầu tư xã hội hóa bến xe của chính quyền TP. Đà Nẵng trước đây với số vốn khoảng 150 tỷ đồng. Dự án rộng 6,3ha, nằm ngay cạnh Quốc lộ 1 và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc địa phận thôn Quá Giang 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.
Dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2012 và được Sở Giao thông Vận tải TP. Đà Nẵng công nhận đạt quy chuẩn loạt 1. Bến xe khách liên tỉnh phía Nam TP. Đà Nẵng ước tính có công suất phục vụ từ 800 đến 1.000 lượt xe xuất bến/ngày và được kỳ vọng sẽ thu hút các doanh nghiệp đăng ký khai thác, sử dụng cơ sở vật chất tại bến để phục vụ hành khách có nhu cầu đi lại tuyến Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
Một nguyên nhân nữa là vào tháng 11/2012, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn không đồng ý điều chuyển một số tuyến vận tải khách từ Bến xe Trung tâm về Bến xe phía Nam. Trước đó, tháng 6/2012, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định của TP. Đà Nẵng và các tỉnh có xe đến TP. Đà Nẵng được quyền lựa chọn bến xe nào thuận lợi, chất lượng phục vụ tốt để đăng ký hoạt động theo hướng cạnh tranh bình đẳng.
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, Bến xe khách liên tỉnh phía Nam gần như bị bỏ hoang, không phát huy được giá trị của dự án. Nguyên nhân được cho là vì bến xe có vị trí nằm cách xa trung tâm thành phố, khu vực dân cư ít, khó thu hút được khách di chuyển đến bến nên không hấp dẫn các doanh nghiệp vận tải vào đăng ký khai thác tuyến cố định.
Cùng với đó, mặc dù thời điểm bến xe đã được đưa vào hoạt động nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục về hoạt động bến bãi theo quy định.
Do vậy, với những bất lợi về vị trí cũng như một số vướng liên quan nên Bến xe liên tỉnh phía Nam đã “chết yểu” khi không thể cạnh tranh với Bến xe Trung tâm (Q. Cẩm Lệ).
Hiện nay, nhiều hạng mục tại dự án đã bị xuống cấp, hư hỏng do thời gian dài không được sử dụng, cỏ mọc quanh khu vực cổng của bến xe tạo nên khung cảnh hoang tàn. Trong bãi đậu, chỉ có một số xe container đỗ và một số doanh nghiệp thuê mặt bằng tập kết hàng hóa.
Với việc dự án không phát huy được giá trị đã gây nên nhiều bất cập, lãng phí nguồn tài nguyên đất, lãng phí số vốn đầu tư trong thời gian dài./.