Aa

Bệnh “cận thị” của quan chức!

Thứ Sáu, 25/05/2018 - 20:07

Xin giải thích ngay rằng, “cận thị” nêu ở đây hoàn toàn là nghĩa bóng, không thể ai đó cứ bỏ ra một ít tiền, sắm một cái kính cận bóng loáng, gọng vàng sang trọng là có thể chữa khỏi.

Bệnh này thường xuất hiện ở những người có tầm nhìn ngắn, hiểu biết hạn hẹp nhưng lại nắm quyền quyết định nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh và dường như đang ngày càng lây lan. Ấy mới là chuyện đáng bàn.

Chẳng nói gì đâu xa, chuyện nóng gần đây nhất là việc “thu giá” ở một số trạm BOT. Thực ra câu chuyện chẳng to tát gì, chỉ là vấn đề chữ nghĩa sáng hay tối, phổ thông hay chuyên ngành, nên dùng hay thay thế... Nhưng đến khi được nghe các quan chức đáng kính của chúng ta giải thích thì nhiều người mới tá hỏa ra rằng, đúng là có vấn đề liên qua đến từ “cận”.

Một quan chức cấp cao giải thích rằng, những dịch vụ công thuộc Nhà nước định giá thì gọi là phí, còn những dịch vụ thuộc doanh nghiệp đầu tư định giá thì gọi là giá. Vì BOT là tài sản của doanh nghiệp nên không thể gọi là thu phí, mà là thu giá.

Một câu hỏi được đặt ra, có đúng con đường ấy hoàn toàn là tài sản của doanh nghiệp không và họ có hoàn toàn quyền định đoạt về tài sản đó không? Xin nêu ý kiến của tác giả Trần Đăng Tuấn mà tôi cho rằng có lý: “Đường BOT không phải là "sản phẩm của doanh nghiệp". Nếu doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất, làm đường riêng không dính gì vào các tuyến đường của Nhà nước, thì đó mới là sản phẩm doanh nghiệp, họ định giá vé thế nào, có ai đi là việc của họ. Còn BOT là sản phẩm của hợp tác công tư.

Doanh nghiệp làm đường trên đất Nhà nước cho, cải tạo đường vốn có của xã hội, được khai thác trong thời hạn nhất định để hoàn vốn và có lãi trong khuôn khổ được định ra qua phương án tài chính”. Và ông cho rằng, các quan chức của ta với lý lẽ cho BOT là "sản phẩm của doanh nghiệp" đã vô hình trung phủi bỏ trách nhiệm của mình đối một tài sản lớn của đất nước.

Chuyện vẫn chưa dừng ở đây. Ở nước ta hiện nay, không chỉ lĩnh vực giao thông mới thực hiện chủ trương xã hội hóa, mà nhiều lĩnh vực khác nữa. Chẳng lẽ những trường học tư, những bệnh viện tư nay mai cũng phải dùng cụm từ “thu viện giá”, “thu học giá”... Thế là đang yên đang lành, tất cả đều lộn tùng phèo một cách không đáng có!

Thu giá là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân... nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá/dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Người xưa có câu “Miệng nhà quan có gang, có thép”. Với câu dân gian này, ai cũng hiểu có ngụ ý rằng những người gánh trách nhiệm trong bộ máy công quyền nói câu nào phải “chắc như cua gạch” câu ấy, chưa nói đến khi đã hạ bút ký. Ngoài câu chuyện “thu giá” kể trên, thực tiễn còn nhiều chuyện khác rất đáng suy nghĩ.

Chẳng hạn như mới đây, trong một buổi làm việc tại Vân Đồn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm dừng giao đất cho các tổ chức, dự án; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn; trường hợp đặc biệt phải báo cáo tỉnh xem xét, quyết định.

Điều này hoàn toàn là cần thiết một khi “cơn sốt” đất đai ở đây đang có nguy cơ khiến cho nhiều người lao vào cơn lốc khuynh gia bại sản, bởi những thông tin sai lệch, bởi những chính sách chưa hình thành và hoàn thiện, bởi những tha hóa về đạo đức trong kinh doanh trên một thị trường chưa chính thức...

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, pháp luật cho phép người có giấy sử dụng đất được quyền giao dịch, mua bán, cho, tặng, thừa kế. Việc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm dừng giao đất cho các tổ chức thì có thể hiểu được, nhưng việc yêu cầu ngừng các “giao dịch chuyển nhượng” lại dường như đang thể hiện một căn bệnh mà ở một địa phương tương lai mang tiếng là đặc khu không thể mắc phải, đó là dùng mệnh lệnh hành chính thay cho sự điều tiết của thị trường.

Có vẻ chất “thép” và chất “gang” ở trong tư duy này rất cần Quảng Ninh xem xét lại.

Ví dụ nữa, đó là việc khiếu kiện dài ngày của nhiều người dân ở Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, bởi lẽ họ được tồn tại theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vào năm 1996, nhưng nay vẫn bị thu hồi.

Theo diễn giải, quy hoạch của khu đô thị này được đã được điều chỉnh theo Quyết định số 6565/QĐ-UBND của UBND TP. HCM ngày 27/12/2005. Đáng chú ý, tại điều 2 của Quyết định này nêu rõ: “Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ”.

Thế là tranh cãi lại xảy ra, bởi căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, muốn thay thế một quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì phải có văn bản có giá trị pháp lý tương đương hoặc cao hơn.

Nay lấy một quyết định cấp dưới thay thế một quyết định của cấp trên thì quả là chưa thể khiến người dân “tâm phục khẩu phục”, mặc dù nghe nói, việc điều chỉnh này là theo một văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vấn đề đáng lưu ý rằng, một văn bản chỉ đạo và một văn bản quyết định của một cơ quan công quyền là hai tầng giá trị pháp lý rất khác nhau!

Chỉ nêu sơ một vài ví dụ gần đây nhất để bạn đọc có thể thấy, căn bệnh “cận thị” của các quan chức đáng kính của chúng ta hiện nay có đáng lo lắng không?

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường đại học Fulbright Việt Nam, bản chất dự án BOT là dự án Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build – Operate – Transfer). Theo đó, doanh nghiệp dự án chỉ được quyền khai thác công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn thì phải chuyển giao cho Nhà nước.

“Dự án BOT không thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Đây là một khái niệm rất thống nhất trên thế giới và cũng đã được thể chế hóa trong Nghị định về PPP ở Việt Nam”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top