Aa

“Bệnh thừa tiền” và nỗi lo điều hành “giật cục” của Ngân hàng Nhà nước

Thứ Hai, 11/09/2023 - 06:09

Trong khi hệ thống ngân hàng thừa tiền thì các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác méo mặt vì không tìm được vốn.

Cách đây 3 ngày, trong Hội nghị “Giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của người dân doanh nghiệp”, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nói rằng, chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ và ví von hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền. Dù NHNN cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm thúc đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), các mặt hàng nông sản chủ lực; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn.

Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 29/8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 9,87%. Hiện thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa khoảng 9%, tương đương 1 triệu tỷ đồng; dòng tiền cho vay của các ngân hàng chậm lại khiến tăng trưởng tín dụng thấp nhất 10 năm trở lại đây.

Đây là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi suốt thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền rằng họ khó tiếp cận vốn vay, nhất là với nhóm kinh doanh BĐS.

Mặc dù có rất nhiều góp ý về những vấn đề tồn tại trong công tác điều hành, tuyệt nhiên lãnh đạo NHNN chưa bao giờ thừa nhận, mà luôn có cách giải thích rất khéo léo theo hướng các yếu tố khách quan. Lần này cũng vậy, NHNN khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng, cách giải thích ấy gián tiếp khẳng định không có vấn đề gì từ công tác điều hành. Đồng thời, NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Thứ nhất, nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; Thứ hai, nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); Thứ ba, nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; Thứ tư, nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.

Ngành ngân hàng đang "thừa tiền" trong khi rất nhiều doanh nghiệp BĐS tiếp tục lún sâu trong khủng hoảng vì không tiếp cận được nguồn vốn. Ảnh: Bùi Văn Doanh

Từ câu chuyện ngành ngân hàng đang thừa tiền, nhiều người hẳn sẽ nhớ lại phát biểu của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vào ngày 1/6/2023 tại Quốc hội: “Đối với lĩnh vực tín dụng BĐS, tăng trưởng tín dụng thường cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng với những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay thì 70% là khó khăn về pháp lý, cho nên giải pháp bây giờ thì phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, cộng với các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá BĐS. Như vậy, sẽ kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng BĐS cũng như là người mua nhà”.

Phát biểu này của bà Hồng đã khẳng định rằng phần lớn khó của thị trường BĐS là do vấn đề pháp lý, chứ không đến từ ngành ngân hàng.

Trong khi đó, báo cáo tổng kết thị trường quý II của Bộ Xây dựng thể hiện, nguồn cung của các địa phương thấp kỷ lục khi miền Bắc chỉ có 7 dự án; miền Nam với 5 dự án và miền Trung là 3 dự án. Tình hình giao dịch trong quý trầm lắng do niềm tin của người mua, nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cũng theo Bộ Xây dựng, bên cạnh vấn đề pháp lý thì nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp hay nguồn vốn khác, dẫn đến dự án phải giãn tiến độ hoặc dừng triển khai.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp BĐS đã phát hành một lượng trái phiếu rất lớn (hàng ngàn tỷ đồng) có hạn trả nợ vào năm 2023, trong khi doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng vốn để trả nợ. Đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp này. Nếu không tìm được "lối thoát" kịp thời, rất có thể thị trường BĐS sẽ phải đón nhận hiện tượng "ra đi" của hàng loạt đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS.

thống đốc nguyễn thị hồng
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trong một lần trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Chuyện thứ hai là vào ngày 6/5/2023, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã làm việc với Ban thường Vụ Thành ủy Hà Nội. Tại buổi làm việc, Hà Nội đã nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất tháo gỡ chính sách, nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội thúc đẩy các dự án, công trình lớn, trong đó có vấn đề vốn.

Về kiến nghị của thành phố đối với việc nới room tín dụng nhằm cho phép các doanh nghiệp BĐS có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, đồng thời người mua nhà cũng có điều kiện vay vốn để mua nhà, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng thực tế những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, ngay cả trong quý I/2023 khi tín dụng tăng trưởng chậm. Hà Nội là một địa bàn BĐS lớn, do đó việc tăng trưởng tín dụng bất động sản cao cũng thúc đẩy cho phát triển kinh tế chung của cả nước, đây là một vấn đề NHNN rất quan tâm… Việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án BĐS hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. 

Mặc dù Thống đốc nói rằng việc cấp tín dụng BĐS là do các tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng, nhưng vào đúng giai đoạn thị trường gặp rất nhiều khó khăn thì NHNN lại nghĩ ra Thông tư 06, tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp BĐS. Thật may là sau nhiều ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã lệnh cho NHNN điều chỉnh trước khi Thông tư này có hiệu lực. Kết quả là một số điểm mấu chốt gây khó khăn cho doanh nghiệp đã tạm dừng thi hành.

Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có nhiều nội dung máy móc, vô tình tạo rào cản với doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn. Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh đã nói thẳng rằng: “Thông tư 06 tuy giữ an toàn cho ngân hàng nhưng lại làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp BĐS mà với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đặc thù, vốn của họ cơ bản là nguồn vốn tín dụng. Thậm chí, việc nới lỏng chính sách tiền tệ thời điểm này chưa chắc các doanh nghiệp đã vay vốn bởi họ đang thiếu đơn hàng và rất khó khăn. Thông tư 06 đưa ra thời điểm này là không thích hợp, nó giống như một chiếc vòng kim cô giữa lúc đang cần nới lỏng các chính sách để phục hồi kinh tế thì lại siết lại”.

Câu chuyện “thừa tiền” của ngành ngân hàng cũng khiến cho nhiều người nhớ lại vào giai đoạn quý III bước sang quý IV năm 2022, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cho rằng NHNN cần sớm cân nhắc nới room tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế khi tình hình lạm phát đang được kiểm soát tốt, song thực tế là cơ quan này lại quá chậm chạp và chỉ nới room khi chỉ còn vài ngày là kết thúc năm 2022. Điều này đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 9/5/2023: "Tôi nhớ còn có mười mấy ngày là kết thúc năm 2022 các đồng chí mới tiến hành mà sức ép nới room tín dụng đã có từ kỳ họp thứ 4 giữa tháng 11/2022, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đã nêu rất nhiều. Điều này cho thấy phản ứng chính sách thiếu nhạy bén". Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ: "Lạm phát thì thấp nhưng lãi suất thì cao, chênh lệch lãi suất huy động với lạm phát lớn chưa kể đến lãi suất cho vay nên doanh nghiệp càng khó khăn".

Trước đó vào tháng 6/2022, sau phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Quốc hội cũng đã có phát biểu nhắc nhở về kiểm soát tín dụng BĐS và trái phiếu, nhưng vẫn cần phải tạo điều kiện cho thị trường phát triển; chính sách đối với thị trường tài chính, kinh tế không thể “giật cục”, điều hành cần đồng bộ, thông suốt.

Nhắc lại một loạt những vấn đề ấy không phải để phê phán lãnh đạo NHNN, bởi thực tế thì cơ quan này cũng đã có những đóng góp nhất định vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Thế nhưng với một loạt những diễn biến khó hiểu như vậy hẳn sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp cảm thấy bất an, đặc biệt là nhóm kinh doanh BĐS khi phải đối diện áp lực đáo hạn trái phiếu hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhìn sang nguồn vốn tín dụng thì lại không dễ tiếp cận, dù đang “thừa tiền” nhưng các giải pháp NHNN mới nêu ra chưa biết tới khi nào phát huy được tác dụng trong khi đã sắp kết thúc quý III.

Cũng cần nhắc lại rằng ngành BĐS có đóng góp tới hơn 13% vào GDP chung của cả nước và có ảnh hưởng tới hơn 40 ngành nghề khác nhau, do đó khi nhóm này gặp khó khăn về nguồn vốn như thời gian qua đã dẫn tới một loạt hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới các chỉ số tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy ngoài thông tin cho rằng dư nợ với nhóm BĐS tăng hơn năm trước thì NHNN chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả cho nhóm các doanh nghiệp BĐS. Ngay cả việc giãn và hoãn nợ với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng vốn cũng không nhìn thấy sự chủ động từ NHNN mà phải chờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trước những diễn biến này, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong một lần nữa lên tiếng mong muốn NHNN cần linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, tránh siết chính sách đột ngột khiến doanh nghiệp có thể bị đứt gãy dòng vốn, mà nhiều người vẫn hay nói là kiểu điều hành “giật cục”.

Theo ông Phong, để giải quyết vấn đề “thừa tiền” hiện nay có hai nút thắt quan trọng nhất cần nhanh chóng triển khai đó là: Thứ nhất là giảm nhanh lãi suất cho vay thương mại, bởi vì mức vay tín chấp 13-16% và thế chấp 7-9% thì doanh nghiệp gần như không thể có lợi nhuận. Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ thực hiện bởi giai đoạn vừa qua chính các NHTM đã phải huy động lãi suất cao, việc giảm lãi cho vay nhanh là rất khó, cần phải có sự điều tiết dẫn dắt từ nhóm các ngân hàng lớn do Nhà nước nắm quyền chi phối; Thứ hai là tạo sự thuận lợi hơn nữa về thủ tục đối với cá nhân và doanh nghiệp vay vốn với tư duy ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có thêm vốn đúng thời điểm, họ có thêm lực đẩy vượt qua khó khăn, trả được nợ cho ngân hàng. Nếu doanh nghiệp không thoát được khủng hoảng, thậm chí phá sản thì ngân hàng cũng sẽ gánh thêm nợ xấu, thậm chí là mất vốn.

Đồng thời, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cảnh báo: “Nếu như NHNN không rốt ráo áp dụng các biện pháp đủ mạnh để kích thích tín dụng cho nền kinh tế thì hệ quả xảy ra sẽ rất lớn, đó là tăng nợ xấu, tăng áp lực phá sản, thất nghiệp và giảm lợi nhuận của cả ngân hàng cũng như doanh nghiệp, giảm tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng suy giảm cả ngân sách nhà nước”.

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo phải thật linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, hướng dòng vốn đi đúng hướng. Tuy nhiên, dường như những phản ứng chính sách của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn khá chậm, chưa theo kịp diễn biến của thị trường. Nếu ngành ngân hàng không thể tự chữa “bệnh thừa tiền” thì sẽ có nhiều ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rơi vào vòng xoáy nợ xấu phình to, rủi ro đứt gãy trong hệ thống dẫn tới nguy cơ suy giảm đáng kể mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top