Aa

Bất hợp lý của Thông tư 06: Không thể vì số ít khách hàng gian lận mà cấm luôn cả thị trường

Thứ Năm, 17/08/2023 - 13:30

Thông tư 06 siết tín dụng đối với dự án bất động sản chẳng khác gì cú phanh gấp đánh vào thị trường vốn đã suy giảm này và giống như biện pháp chỉ vì một số rất ít khách hàng gian lận mà đóng sập luôn cả thị trường.

Ngày 16/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản hỏa tốc số 746/TTg-KTTH về việc các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2023.

Trước sự việc trong thời gian dài vừa qua, các doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản, các chuyên gia và đặc biệt là các cơ quan báo chí liên tiếp lên tiếng về sự bất hợp lý của Thông tư 06/2023/TT-NHNN ban hành ngày 28/6/2023 gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, việc Thủ tướng Chính phủ có văn bản trực tiếp chỉ đạo về vấn đề này đã thắp lên hy vọng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng cũng để lại nhiều điều đáng suy nghĩ.

Hy vọng về một sự gỡ vướng cho doanh nghiệp

Nguyên nhân đồng loạt có sự phản ứng của doanh nghiệp bất động sản và dư luận về vấn đề này là bởi trong Thông tư 06 nói trên, tại khoản 9, Điều 8 có quy định tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu “Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay”.

Dư luận cho rằng, khái niệm “dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật” không rõ ràng, bởi không dẫn chiếu cụ thể điều kiện đó là những điều kiện gì, theo văn bản nào. Điều này dẫn đến các tổ chức tín dụng sẽ lúng túng, bởi nội hàm của cụm từ “theo quy định của pháp luật” là rất rộng, có thể theo văn bản luật này thì đủ điều kiện nhưng theo văn bản luật nào đó lại chưa đáp ứng đủ, khi đó nếu vẫn cho vay, đến khi hậu kiểm sẽ rơi vào cảnh vi phạm pháp luật.

Khái niệm “dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật” tại khoản 9, Điều 8 Thông tư 06 không rõ ràng. (Ảnh minh họa: IT)

Tuy nhiên, đó chưa phải là vấn đề then chốt. Vấn đề quan trọng hơn ở đây chính là, quy định này gần như chặn đứng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản. Bởi vì, dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo giải thích của phía Ngân hàng Nhà nước là dự án tối thiểu phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, nhưng để có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp phải nộp xong tiền sử dụng đất và các thủ tục pháp lý khác. Trong khi đó, tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng rất lớn trong phát triển dự án và doanh nghiệp cần huy động ở thời điểm ban đầu triển khai dự án, tuy nhiên ngân hàng lại siết không cho vay thì coi như đã chặn đứng hoạt động của doanh nghiệp và dự án sẽ nằm "chết". Còn nếu dự án đã đủ điều kiện kinh doanh, thì theo một số chuyên gia, chủ đầu tư sẽ “không dại gì” đi vay tín dụng ngân hàng vì lúc này chủ đầu tư đã được phép mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, nên hoàn toàn có thể huy động vốn từ khách hàng rẻ hơn nhiều, lại gắn với việc bán được hàng.

Vì vậy, nguồn vốn tín dụng mà chủ đầu tư “khát” nhất là ở ngay thời điểm ban đầu, khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, còn khi đã “đủ điều kiện kinh doanh” thì lại có thể hoàn toàn huy động từ nhiều nguồn khác chứ không nhất thiết chỉ là nguồn tín dụng. Mặt khác, các doanh nghiệp muốn “góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh” thì cũng phải tham gia ở giai đoạn đầu khi chủ đầu tư kêu gọi vốn, còn khi dự án đã “đủ điều kiện kinh doanh” mới góp vốn thì còn có ý nghĩa gì. Do đó, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, chỉ cần dự án đủ pháp lý là ngân hàng đã có thể cấp tín dụng rồi, còn việc tránh rủi ro nên để các ngân hàng thương mại thẩm định, thẩm tra theo nghiệp vụ, kinh nghiệm của họ. Bởi chính họ bỏ đồng tiền ra cho vay nên họ cần bảo đảm an toàn hơn ai hết.

Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ đích thân chỉ đạo tổ chức gấp cuộc họp để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06 đã thắp lên hy vọng cho doanh nghiệp về việc sớm gỡ bỏ trở ngại trong việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp bất đống sản do Thông tư 06 tạo nên.

Tuy nhiên, qua câu chuyện này cũng để lại một số điều cần suy nghĩ.

Việc Thủ tướng chỉ đạo họp để nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06 thắp lên hy vọng cho doanh nghiệp bất động sản về việc sớm gỡ bỏ trở ngại trong việc tiếp cận vốn tín dụng. (Ảnh minh họa: VOV)

Trên nóng dưới lạnh

Đại dịch Covid-19 kéo dài lại tiếp theo ngay sau đó là cuộc xung đột ở Ucraine đã làm cho kinh tế toàn cầu đứng trên bờ vực của suy thoái. Kinh tế nước ta cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ liên tiếp phải có các chỉ đạo về chủ trương và giải pháp để phục hồi nền kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Trong đó quyết liệt là các giải pháp về tín dụng, ngân hàng, làm sao để vừa hạn chế lạm phát, đồng thời lại vẫn thúc đẩy được phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa nhiều; một mặt do có độ trễ của chính sách, mặt khác có thể nói là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp cơ sở.

Ngay như trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, mới đây Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, phấn đấu mức giảm ít nhất từ 1,5 đến 2 điểm phần trăm một năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bốn lần giảm trần lãi suất huy động và các loại lãi suất điều hành khác nhằm định hướng xu hướng lãi suất thị trường.

Thế nhưng, trong thông báo kết luận tại cuộc họp về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế (ngày 2/8), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phải yêu cầu làm rõ tại sao Chính phủ có nhiều chỉ đạo nhưng tín dụng lại thấp và lưu ý đến các nguyên nhân liên quan tới lãi suất cho vay, điều kiện tiếp cận vốn tín dụng, thủ tục vay vốn…

Tất nhiên, vấn đề trên có nhiều nguyên nhân mà không phải chỉ có giảm lãi suất là giải quyết được. Nó liên quan đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và nhất là điều kiện tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Trở lại với Thông tư 06 nói trên của Ngân hàng Nhà nước, việc siết chặt vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản với điều kiện dự án phải đủ điều kiện đưa vào kinh doanh đã làm đóng băng các dự án trước ngưỡng cửa ngân hàng.

Hãy hình dung thế này, việc hạ lãi suất giống như giảm giá bán hàng, thế nhưng lại ngăn chặn khách hàng bằng cách đặt ra các điều kiện mua hàng, thì việc giảm giá cũng chỉ là hình thức mà không có tính thực tế. Thiệt hại kép là khách hàng không mua được hàng còn chủ hàng cũng không bán được hàng. Hậu quả là thị trường đóng băng.

Việc siết chặt vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản với điều kiện dự án phải đủ điều kiện đưa vào kinh doanh đã làm đóng băng các dự án trước ngưỡng cửa ngân hàng. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng có cái lý của mình. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) giải thích, Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay khách hàng để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng kinh doanh để thực hiện các dự án đầu tư chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh là với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo…, qua đó góp phần đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ và an ninh kinh tế.

Điều đó không có gì sai. Tuy nhiên, nếu chỉ để giữ an toàn hệ thống mà hạn chế, thậm chí là ngăn chặn doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thì chẳng những “giết chết” doanh nghiệp mà cũng “giết” luôn cả tổ chức tín dụng, bởi nguồn tiền huy động được sẽ bị đóng băng trong khi vẫn phải trả lãi suất tiền gửi cho khách hàng. Thực tế là không ít ngân hàng thương mại hiện nay như đang ngồi trên đống lửa, vì tiền gửi huy động được nhiều mà giải ngân cho vay rất ít. Nếu không sửa Thông tư 06 theo hướng gỡ bỏ điều kiện cho vay với các dự án không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, sang tháng 9 khi Thông tư có hiệu lực tình hình sẽ còn gay go hơn nữa, vì ngân hàng đã ôm vốn giá cao nhưng không cho vay được sẽ chẳng khác gì cầm hòn than đang cháy trên tay.

Tín dụng cũng là một hoạt động kinh doanh - kinh doanh tiền tệ. Do đó nó cũng có rủi ro chứ không bao giờ có an toàn tuyệt đối. Vấn đề then chốt ở đây là biết đánh giá, thẩm định, thẩm tra, giám sát để hạn chế rủi ro, còn nếu muốn “an toàn tuyệt đối” thì họa chỉ có là… không hoạt động. Vấn đề nữa, quan trọng hơn là phải biết lấy lợi ích xã hội, hiệu quả của nền kinh tế làm mục tiêu; chứ không phải chỉ biết giữ an toàn cho ngành, cho hệ thống làm mục tiêu tối thượng mà “hy sinh” doanh nghiệp và cũng là “hy sinh” cả nền kinh tế. Muốn thế, phải biết đặt mình vào vai trò, hoàn cảnh của khách hàng để có những quyết định hợp lý, chứ không phải chỉ dành cái dễ về mình mà đẩy khó cho khách hàng.

Còn về sở hữu chéo, đây là một thực tế và đã có những biểu hiện không lành mạnh rất cần chấn chỉnh. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này cần có khảo sát và nghiên cứu thấu đáo, từ đó có giải pháp đồng bộ và hiệu quả, chứ không phải là xóa bỏ bằng cách ngăn chặn tất cả các dự án không đủ điều kiện kinh doanh tiếp cận tín dụng. Bởi vì, không phải tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều là sân sau của ngân hàng hay sở hữu ngân hàng. Do đó, không thể chì vì một số rất ít khách hàng gian lận mà cấm luôn cả thị trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top