Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có văn bản sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 06) ban hành ngày 28/6 và có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Cụ thể, tối 23/8, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN với nội dung ngưng hiệu lực thi hành các khoản 8, 9, 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 06). Đây là các điều khoản bị các doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản và báo chí cho là "dựng rào cản" ngăn chặn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng" doanh nghiệp đang rất cần vốn để phục hồi, duy trì hoạt động và tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra.
Việc một văn bản pháp lý ban hành vào ban đêm cũng là một trường hợp khác lạ và đặc biệt trong nền hành chính nước ta, nó cho thấy tính cấp bách của vấn đề nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần sớm phải xóa bỏ.
Trước hết phải điểm lại hành trình để đi đến kết quả này.
HÀNH TRÌNH GIAN NAN
Ngày 28/6/2023, NHNN ban hành Thông tư 06 trong đó có nội dung không cho vay vốn đối với nhiều trường hợp mà từ trước đến nay vẫn được vay vốn tín dụng. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Sau khi Thông tư 06 ban hành, Hiệp hội Bất động sản cùng rất nhiều doanh nghiệp cũng như các cơ quan báo chí đã phân tích những điểm mờ và bất hợp lý trong khoản 8, 9, 10 nói trên, chẳng khác gì dựng rào cản, ngăn chặn tiếp cận tín dụng hợp pháp của doanh nghiệp.
Do đó, ngày 16/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản hỏa tốc số 746/TTg-KTTH về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Thông tư 06 và cả những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 (gọi tắt là Thông tư 03), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2023.
Ngay sau đó, ngày 17/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư 06 và Thông tư 03. Dự cuộc họp có Thống đốc Nguyễn Thị Hồng; các Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng…, cùng đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Ngày 18/8, tại Thông báo số 138/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao cụ thể Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế, khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư 06, hoàn thành trước ngày 21/8/2023.
Vấn đề nóng như vậy, ấy thế nhưng sau cuộc họp, sau thông báo đã giao cụ thể thời gian thực hiện, nhưng quá hạn mà vẫn không thấy động tĩnh gì, có chăng chỉ là Tờ trình số 120/TTr-NHNN ngày 22/8 của NHNN, trong khi thời điểm thi hành Thông tư 06 đã cận kề (1/9/2023).
Ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lại phải ký văn bản số 756/TTg-KTTH “đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ”. Trong đó, Thủ tướng phải chỉ đạo hết sức cụ thể, thậm chí phải giao nhiệm vụ và nêu cả hướng giải quyết: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng kiến nghị của các Hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng, các nội dung liên quan được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh như nêu trên. Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế để tiếp thu, khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về nội dung này như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tờ trình số 120/TTr-NHNN ngày 22/8/2023, nhằm nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phải hoàn thành trong ngày 25/8/2023. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để tránh các vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra”.
Chỉ đến khi ấy, ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước mới vội vàng có Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành các khoản 8, 9, 10 như đã nêu ở phần đầu bài viết.
CĂN BỆNH SỢ SAI, NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM
Sở dĩ chúng tôi phải nêu cụ thể, đầy đủ quá trình dẫn đến việc ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân…, là để thấy sự sâu sát, thấu hiểu và vào cuộc quyết liệt, cụ thể, đầy trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với phương châm xây dựng một chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Nhưng qua đó lại cũng cho thấy, việc xây dựng một chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả là gian nan biết chừng nào.
Thử đặt giả thiết, cho dù Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể qua công văn hỏa tốc ngày 16/8 rồi, cho dù sau đó Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tổ chức ngay cuộc họp với NHNN và các cơ quan liên quan rồi, nhưng nếu không có công văn đôn đốc tiếp ngày 23/8 của Thủ tướng Chính phủ, thì liệu NHNN có thực hiện chỉ đạo đó không, hoặc nếu có thực hiện thì là đến bao giờ? Trong khi việc tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân… để thúc đẩy tăng trưởng đang như dầu sôi lửa bỏng.
Ngay trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh, mặc dù các tổ chức quốc tế đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm…
Trong khi đó, để thực hiện được mục tiêu kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng khoảng 9%. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng lại rất quan trọng, mà muốn thực hiện được đòi hỏi một quyết tâm, trách nhiệm cao và phát huy cao độ trí tuệ, bản lĩnh, tài năng của cả đội ngũ, nhất là của các tư lệnh ngành.
Bởi, cũng trong cuộc họp Chính phủ nói trên, Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém đang cản trở sự phát triển. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, “còn một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, thủ tục hành chính còn rườm rà; việc lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiêp chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả”.
Phải chăng, những gì vừa diễn ra trong câu chuyện Thông tư 06 chính là một ví dụ cụ thể cho những điều mà Thủ tướng đã chỉ ra.
Có người liên hệ rằng, với một việc rất cụ thể, đã được các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan và các cơ quan báo chí phản ánh, phân tích rõ ràng như những bất hợp lý trong Thông tư 06, mà cơ quan phụ trách lĩnh vực vẫn chưa thấu hiểu khó khăn, nỗi khổ của doanh nghiệp, thì những câu chuyện khác mới manh nha hay chỉ mới tiềm ẩn nguy cơ… còn bị thờ ơ đến đâu?
Thậm chí, kể cả khi Thủ tướng Chính phủ đã đích thân chỉ đạo cụ thể, Phó Thủ tướng đích thân tổ chức cuộc họp để cơ quan Nhà nước trực tiếp nghe phản ánh của doanh nghiệp và đã được giao nhiệm vụ với thời hạn cụ thể, mà vẫn còn bị lần lữa, thì thử hỏi những câu chuyện bất hợp lý khác mà Thủ tướng không trực tiếp đôn đốc sẽ còn bị bỏ rơi, buông xuôi đến đâu?
Thậm chí, năm lần bảy lượt, NHNN vẫn cứ cho rằng, sau khi Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1/9, cơ quan này sẽ theo sát diễn biến của thị trường cũng như phản hồi của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề để xem xét; cần thiết sẽ chỉnh sửa, bổ sung…
Ô hay! Nhưng bất hợp lý đã được người trong cuộc phân tích kỹ càng, thấu đáo, các tình huống và hậu quả cũng đã được chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể và thuyết phục, ấy vậy mà ngành ngân hàng vẫn cứ còn… chờ, nghe ngóng. “Cái chết” đã được báo trước, chả lẽ lại cứ chờ “chết thật” rồi mới cứu sao?
Trong công văn đôn đốc, chỉ đạo NHNN ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, rằng: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cần phải phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn nữa với tinh thần cầu thị, lắng nghe và cần có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc, bất cập được các địa phương, báo chí, dư luận, người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại quan tâm, phản ánh, đề xuất”.
Nêu lại câu chuyện “sợ sai, sợ trách nhiệm” mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong cuộc họp ngày 5/8 ở trên và nhắc lại trong công văn ngày 23/8, chúng tôi chỉ muốn nói lên một điều: “Sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm” là căn bệnh có thật của một bộ phận cán bộ. Nó đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và dư luận chỉ ra nhiều lần, chính là một trong những nguyên nhân tạo sự trì trệ và cản trở, kìm hãm sự phát triển, mà nếu không nhanh chóng khắc phục, thì mục tiêu 6 tháng cuối năm đạt tăng trưởng 9% đã gian nan sẽ càng gian nan gấp bội./.