Aa

Bí đỏ mơ màng giữa bãi sông

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Sáu, 25/11/2022 - 06:12

Ngày ở quê, từ tuổi trẻ trâu cho tới thời mới lớn, lúc nào tôi cũng thích ra ngoài bãi sông vào cuối thu, đầu đông xao xác gió. Bờ bãi quyến rũ một cách lạ kỳ, dù đã qua cái mùa mọi thứ non xanh mơn mởn.

Cuối thu, sắp sửa sang đông, khí trời cứ hiu hắt hanh hao, lúc nắng lúc mưa, ẩm ương bất chợt. Tâm tính con người bởi thế cũng trở nên thất thường, cáu bẳn. Bất chợt ước ao, giá như lúc này, được thỏa thuê ngắm nghía, chạy nhảy giữa một bãi sông hun hút gió thì bao bức bối phút chốc sẽ vợi đi. Rồi khi xót dạ xót lòng, lại ước được bát chè bí đỏ của bà, của mẹ nấu năm nào. Là bí đỏ đang chín mơ màng suốt dọc bãi sông kia. Dư vị ngọt ngào, thơm mát khi sốt sắng, lúc nhẩn nha ấy như vỗ về, chiều chuộng cái cảm giác chộn rộn, không yên giữa tiết chuyển mùa.

Ngày ở quê, từ tuổi trẻ trâu cho tới thời mới lớn, lúc nào tôi cũng thích ra ngoài bãi sông vào cuối thu, đầu đông xao xác gió. Bờ bãi quyến rũ một cách lạ kỳ, dù đã qua cái mùa mọi thứ non xanh mơn mởn. Mùa này, hoa màu đã thu hoạch xong, thân úa và lá úa được chất đống lại, nhà nào nhanh gọn đã kịp đốt thành tro chăm bón cho từng thửa ruộng. Mùi lá khô, mùi than tro, mùi phù sa quyện vào trong gió. Thứ mùi thơm thật lành hiền, chân chất, vấn vương. Hết mùa vụ, nông dân được ngơi nghỉ ít lâu, không phải sớm hôm dãi dầu, đó cũng là quãng thời gian đám trẻ trâu thỏa thuê nhất. Cứ chạy chơi bạt mạng, nào thả diều, đuổi bắt, trận giả… chẳng phải lo giẫm đạp lên hoa màu, cây cối rồi bị người lớn quở trách nữa. Từng bước chân chợt rộng dài thêm. Những tiếng reo hò cũng lảnh lót vang xa khắp chốn.

Bờ bãi luôn quyến rũ một cách lạ kỳ. (Ảnh: Internet)

Trên đồng bãi, chỉ còn duy nhất một giống cây chưa vội thu hoạch dù đã đến kỳ, là bí đỏ. Có đủ nguyên do hợp tình hợp lý cho sự thong thả này. Bí đỏ vốn không phải hoa màu để tính toán gieo trồng, thu hoạch đúng mùa, bán lấy tiền. Đó chỉ là giống cây trồng xen canh chân ruộng. Thường thì các nhà không trồng bí cùng lúc với hoa màu, mà phải chờ những thân ngô lớn lên, quá đầu gối người lớn, khi ấy mới bắt đầu trồng bí. Nhà nào gieo hạt thì có thể gieo sau ngô một chút thôi. Nghĩa là cây hoa màu chính phải đủ lớn để chắc chắn không bị lấn lướt, chèn ép, mới tính tới xen canh. Bây giờ, khắp các chợ từ thành thị đến nông thôn đều đầy ngợp sản phẩm từ bí đỏ: Ngọn bí, nụ hoa bí, quả bao tử, quả xanh, quả chín… chứ xưa kia, giống này gần như các nhà tự cung tự cấp. Nhà nào trồng, nhà ấy thu hoạch lá nấu canh, ngọn xào tỏi hoặc luộc chấm mắm cáy.

Mỗi lần ra bãi sông hái rau, bà ngoại tôi không quên dặn cháu đừng hái hoa, nghịch quả, phải trông chừng từ lúc quả còn non. Dần dần, những quả bí to bằng vốc tay, bằng quả bóng, bằng cái rổ rồi bằng cái thúng. Đó là giống bí khổng lồ, lại thêm bãi bồi phù sa màu mỡ. Lũ trẻ chúng tôi khi đã chán chạy chơi thường sẽ rong ruổi từng thửa ruộng, đọ xem bí nhà ai to nhất. Thân bí đã héo quắt, lá cũng tàn, chỉ còn ngổn ngang toàn quả là quả nằm lăn lóc chờ thu hái. Những quả bí tròn, lộ hình múi, già đanh, có lớp phấn trắng bao phủ lên màu đỏ cam rực rỡ. Đất đai đã khô, mùa mưa đã qua, không thu hoạch ngay cũng chẳng lo gì.

Sẽ có một ngày người dân quê tôi chọn lựa và rủ nhau thu hoạch bí. Phải rủ nhau bởi nhà nào cũng bao nhiêu tạ quả, mang cả xe thồ, quang gánh xếp hàng dọc bãi sông. Cả vùng trông đợi làng tôi hái bí, cắt xẻ bí mang xuống chợ bán để mua về nấu chè, nấu cháo, làm bánh… Không có ngày hội Halloween, nhưng miền quê nghèo vẫn có ngày hội đầy ấm no sau mùa vụ. Lúa đã đầy bồ, ngô đã đầy bếp, hái bí hay không chẳng quan trọng gì, việc ấy đơn giản là cái cớ để cả làng gặp gỡ, chung vui. Nhà nào bội thu đến mấy thì cũng chục chuyến xe thồ là xong, tức là chỉ trong buổi sáng. Vậy nhưng cứ được thể rề rà, la cà, thư thả. Đàn ông ngồi quây quần dưới mấy bụi dứa dại hút thuốc, uống nước chè xanh. Phụ nữ vừa cầm liềm cắt bí ở nhà mình xong, lại tạt sang ruộng nhà hàng xóm hỏi han trò chuyện. Nhà này có cụ ông vừa ốm dậy. Nhà kia con bò lạc sang đồng bên mãi mới tìm được về. Rồi chuyện sắp tới Tết xong có tới mấy đám cưới hỏi. Người làng mình lấy chồng bên kia sông.

Những quả bí tròn, lộ hình múi, già đanh, có lớp phấn trắng bao phủ lên màu đỏ cam rực rỡ. (Ảnh: Internet)

Buổi ấy, tôi nhớ rằng mình ngồi ung dung trên một quả bí. Quả bí như chiếc ghế, và nó to đến mức tôi ngồi thật thoải mái, nhìn sang bên kia sông. Bác gái tôi lấy chồng bên ấy, sắp tới mấy cô gái làng cũng về bên ấy làm dâu. Tôi nhớ dáng người đậm chắc, tròn lẳn của bác mỗi lần về giỗ ông. Nhớ nụ cười hồn hậu, hàm răng hơi khênh khểnh. Nghe đâu, bên ấy không trồng bí đỏ, cũng không có mùa bí đỏ, nên đầu đông, bác tôi qua đò, sang bên này cùng mẹ tôi xẻ bí mang về nấu chè nấu cháo. Có khi, bác còn quẩy quang gánh sang, hai đầu là hai chiếc thúng, mẹ tôi xếp bí cho bác mang về, lại xẻ ra và bán cho các nhà lân cận. Lũ lĩ toàn bí là bí về được phết vôi vào trôn, vào cả thành quả, thành từng hình dấu cộng rồi lăn xuống gầm chạn bếp, gầm giường, đại khái là dưới nền nhà, mà đa phần là nền đất. Người lớn bảo đấy là cách bảo quản tốt nhất, bền nhất.

Thực ra, lũ trẻ không mấy quan tâm, chỉ hau háu chờ những buổi bà hoặc mẹ nấu chè. Cùng là bí đỏ ven sông, nhưng nồi chè mỗi nhà một khác. Nhà nào sung túc, chu đáo thì có thêm đỗ đen, đỗ xanh, dừa nạo. Tuyệt nhất phải cho khoai khô đánh nhuyễn với bí. Vẫn biết nhà nào cũng ngổn ngang thứ quả này trong nhà, nhưng nồi cháo nồi chè cứ biếu xoay vòng, nhà này mang sang nhà nọ. Mấy nhà làng tôi còn nấu bán ở chợ phiên, đắt hàng nhất là hôm nào trời nổi gió heo may, các bà hàng cá biển bủn rủn người, không thiết trông nom bán chác, túm tụm ăn quà. Vị ngọt bùi, ấm nóng tỏa lan. Chẳng cần đường hay gia vị nào khác, món chè món cháo vẫn cứ dẻo thơm, sóng sánh đến nao lòng. Từ đầu chợ đến cuối chợ, góc nào cũng thơm nức hương bí đỏ.

Đôi khi, giữa phiên chợ ấy, khi chờ bà ngoại bán chè, tôi thường thơ thẩn, nhớ các chị họ mình. Gia đình tôi hơi đặc biệt. Mẹ đẻ của bác gái tôi qua đời từ rất sớm. Ông tôi đi bước nữa với bà ngoại tôi và sinh ra mẹ. Tôi nhớ, mỗi lần nấu chè, trước lúc gánh đi chợ hoặc múc cho con cháu trong nhà, bà ngoại tôi đều múc ra những chiếc bát thang đặt lên ban thờ, thắp hương cho “chị cả”. Bác tôi lấy chồng bên kia sông nên càng thêm xa cách. Mỗi lần làm một món ăn nào đó, dù là nộm hoa chuối hay nồi cháo, bát chè… bà đều nhắc về bác - đứa con xa xôi mà bà chưa từng phân biệt con chồng, con mình. Bà cũng lại phân vân chuyện các chị tôi chẳng biết có nồi chè mà ăn không, hay mẹ nó lại xẻ bí mang đi bán. Niềm vui chưa bao giờ trọn vẹn bởi nỗi lo toan, áy náy cứ đong đầy.

Quê tôi bây giờ bờ bãi vẫn mênh mang, nhưng không nhà nào trồng bí đó. Trẻ con cũng chẳng còn chạy chơi nô đùa như lũ trẻ ngày xưa. Tôi nhớ chính giấc mơ của mình, những quả bí đỏ tròn căng, trắng phấn, áp má vào rồi phút chốc đã say sưa. Mùa vụ tròn đầy, lòng người thanh thản, nhưng đâu đó niềm nhớ thương, day dứt vẫn trở về, vẫn chộn rộn. Người ta nhớ nhau, thương xót cho nhau và mơ ước nữa, chính khi tưởng như mọi thứ đã là êm ấm nhất. Chỉ một khúc đoạn ven sông, chỉ một ngày cả làng cùng thu hoạch bí, chỉ là những quả bí đỏ lăn lóc dưới gầm chạn gầm giường, sao gọi về quá nhiều thương nhớ?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top