Aa

Mùa đốt lá thay rơm

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Sáu, 14/10/2022 - 06:15

Khó mà tìm được cái tên nào phù hợp hơn, đành gọi cái quãng thời gian dằng dặc từ cuối thu, đầu đông tới hết mùa xuân với cái tên như thế. Mùa đốt lá thay rơm.

Cách đây vài chục năm, ở nông thôn, nhà nào cũng có một vài cây rơm to đùng, cao chất ngất, nhưng hễ vào thu, mùa lá rụng, thì cây rơm cứ phải để nguyên đấy, trẻ con không được lười, bước vài bước chân từ bếp ra mà rút rơm. Sau giờ học, đứa nào cũng được giao việc gom lá khô, củi khô làm chất đốt, không đốt ngay thì cũng dự trữ dày sụ, ấm đặc gian bếp nhỏ, có thế mới yên tâm khi gió chuyển mùa. Thuở ấy, trẻ quê vừa chăn trâu, hái rau cho lợn, cắt cỏ cho cá, vừa phải để mắt tới những đợt lá khô, cỏ khô đang xào xạc trong vườn, trên đồi. Và có lẽ tôi chẳng thế nào quên được mùi hương ngai ngái, xa xôi, quyến rũ một cách đầy lay động đó.

Nhà tôi nằm dưới chân núi Cha, hình dáng giống con thằn lằn mà nhà tôi ở đoạn giữa, cái sống lưng cao nhất, rộng nhất, nên cũng nhiều cây cối nhất. Cây thông, bạch đàn, keo… có từ xưa, sau này thuộc quản lý của hợp tác xã, sau nữa thì chia về từng hộ dân, phần ấy đã được làm hàng rào ranh giới, trẻ nhỏ không được xâm phạm. Chúng tôi sẽ chỉ loang quanh dưới gốc, cầm chiếc cào nhỏ bằng thép, cán tre, cào lá khô rụng quanh gốc. Cả làng cào lá như thế, đứng ở phía này đã nghe lào xào tiếng cào lá phía kia, thành ra lúc nào dưới những gốc cây cũng sạch tinh tươm, trơ ra sỏi đá. Mà đâu chỉ lá khô, đến những loài cây leo, gai bụi, cỏ dại… cũng được nhổ lên, đập sạch đất, phơi khô để mang về làm chất đốt.

Hình ảnh lá cây đẹp ngỡ ngàng trong khúc giao mùa. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Tôi luôn thích những buổi chiều lên núi có bà ngoại đi cùng. Bà vừa cào lá, nhổ cỏ, vừa kể cho chúng tôi nghe bao nhiêu câu chuyện kỳ bí về ngôi làng nhỏ bé. Rằng, người xưa truyền lại, vì hình dáng con thằn lằn đang kiếm mồi ấy mà nhà nào ở phần miệng thằn lằn, cả đời sẽ sung túc ấm no. Nghiệm ra, những nhà ở phía ấy cũng đều giàu sang thật, có điều khi giàu thì lại chuyển đi, không ai muốn ở miền quê heo hút này nữa. Bà lại kể, nhà nào ở phần rốn thằn lằn thì đất đai quanh năm mát mẻ, trồng trọt chăn nuôi thuận lắm. Tôi thấy nhà mình ở vị trí đó, và đúng là quanh năm vườn tược tốt tươi. Nhưng tôi cũng ngầm hiểu rằng, tất cả cũng nhờ bố mẹ quanh năm cuốc cày khuya sớm, ngay cả bà, lưng còng rồi vẫn cặm cụi làm lụng, chăm lo. Rồi giọng bà ngắt quãng, người xưa nhủ rằng, phần đuôi thằn lằn, nhà nào sống ở sườn núi, chân núi quanh đó thường chịu cảnh ly tán. Nói rồi bà cặm cụi nhổ cỏ mật, để tôi cào lá. Bàn tay nhăn nheo gầy guộc nhưng thoăn thoắt, nhổ đến đâu phơi đến đấy, ngay trên sườn đồi.

Xóm Cây Sung, chúng tôi thường gọi thế để phân biệt địa giới giữa phần đầu, thân với phần đuôi thằn lằn. Tên gọi ấy thuộc phần đuôi, những gia đình sống ở sườn núi nhưng sát bờ sông, bên bến sông có những cây sung cổ thụ quanh năm trĩu trịt quả, rụng lõm bõm trên bờ cát. Nhiều khi, đang tắm sông, sung cũng rụng bộp cái ngay trên đầu, rồi trẻ nhỏ ngay lập tức sẽ ngụp lặn để dòng nước cuốn trôi dấu vết quả chín vừa bết bát trên đầu. Bố mẹ thường cấm chúng tôi tắm sông, vì bến sông ấy có trẻ con chết đuối. Xóm Cây Sung nhiều người mất, ở mọi độ tuổi. Nhỏ thì chết vì đuối nước, đậu mùa, thanh niên trai tráng mất vì chiến trận hy sinh. Thành ra, xóm đa phần người góa bụa, mồ côi, ít đàn ông. Có lần, đang tắm sông tôi chợt nghĩ tới câu chuyện bà ngoại kể về phần đuôi thằn lằn và giật mình nhào vào bờ, co cẳng chạy một mạch về nhà.

Lá vàng phủ đầy đường gợi cho mọi người nhiều xúc cảm. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Trong nhà, chỉ có bà chiều chuộng sở thích của trẻ con. Bà cho đi tắm sông, nhưng bà sẽ thắc thỏm trông chừng, nhắc nhở. Bà đợi ở mé hiên, khi chúng tôi đi tắm về sẽ tự tay tắm lại và giục vào bếp hơ người cho ấm, có củ khoai, con muồm muỗm bà để phần. Trong gian bếp nhỏ, mùi lá khô đang ngún lên dù đã cháy thành tro. Không cần nhìn lá vẫn biết bà đã nấu bếp bằng lá gì. Mùi lá thông thơm nhẹ nhõm. Mùi lá bạch đàn thoang thoảng như hơi dầu gió mẹ vẫn xoa lưng mỗi tối. Mùi lá keo chộn rộn, hơi nồng. Mùi cỏ mật ngòn ngọt. Mùi các loại dây leo, gai bụi hăng hăng, giống mùi thuốc lá của mấy bà lang người Mường sắc giữa chợ phiên. Tôi yêu tất cả những mùi hương ấy. Mùi hương có ngôn ngữ riêng, sắc thái riêng, không dễ bề trộn lẫn. Mùa đông, khi những quả thông già rụng xuống, bà sẽ vẫn dành phần nhổ cỏ mật cho mình. Nhổ cỏ khiến tay bà rớm máu, chai sạn. Bà cho tôi được nhặt quả thông khô. Mỗi chiều đun bếp, bà để dành quả thông lại để buổi tối hễ bố mẹ hay chúng tôi nấu nướng gì thì đun cho nhàn. Quả thông có tinh dầu, bén lửa, kêu lép bép. Bếp sạch sẽ, thơm tho, nhàn hạ. Vừa đun bếp vừa có thể nhìn ra ngoài hiên, ngoài đường làng, nghĩ ngợi vu vơ mà không lo lửa bò lan, cháy xém như khi đun lá.

Núi đồi là cả thế giới tuổi thơ tôi. Mùa đốt lá thay rơm, nhà nào cũng có người lên núi. Tháng bảy âm lịch, mùa ngâu, mưa suốt ngày, hễ nắng bừng lên thì cả làng đi cào lá. Quãng nắng bừng có khi chỉ diễn ra chốc lát, sầm sập mưa giông sẽ kéo về, tất cả được báo hiệu bằng những bọng mây nặng trĩu đằng Tây. Nhưng đó cũng lại là thời khắc vàng để cả làng mang bao tải, quang gánh, dây thừng… lên núi. Sau những trận mưa giông, cành khô, lá khô rụng nhiều, dây leo và cỏ bụi cũng mọc nhanh, ai nấy đều tranh thủ. Không phải ngày mùa mà không khí như ngày hội. Cậy vào người lớn, trẻ nhỏ khỏi lo lắng việc cào lá, cứ nhởn nhơ khắp các gốc thông tìm nấm. Loại nấm ấy sau này tôi mới biết nó có tên là nấm Chẹo, nhưng những người đàn bà quê tôi từng đi thanh niên xung phong gọi quen là nấm thông, bởi thường mọc dưới gốc thông. Thoạt đầu, tôi sợ, không dám chạm vào cây nấm ấy. Nó có chóp màu đỏ hồng, mà trong sách khoa học chúng tôi được học thì hễ nấm có màu sắc sặc sỡ, nhất là màu đỏ, thường là nấm độc. Nấm rơm mọc ở chân cây rơm tròn như quả trứng, màu trắng chóp nâu rất đơn thuần, trong khi loài nấm này rực rỡ quá sức.

Mỗi độ thu về, đông sang, và xuân đến, tôi khôn nguôi nghĩ về bao kỷ niệm còn xào xạc mùi lá khô. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Một người cô họ của tôi là cựu thanh niên xung phong đã dạy cả làng tìm nấm và chế biến làm thức ăn. Phân biệt loại nấm này thì dễ thôi. Nấm trắng, chóp đỏ hồng, ngon nhất là loại còn cụp nón, tròn tròn hình trứng, còn nấm đã xòe nón như cái ô thì không giòn ngọt bằng. Hái nấm phải nhẹ nhàng, không làm gẫy dập. Chế biến lại càng đơn giản. Rửa nhẹ tay với nước mưa, không cần cho dầu mỡ hay mì chính, cho thẳng vào nồi xào lên với 1 chút muối. Thế mà thành phẩm là món ăn béo ngậy, ngọt thỉu đến tê đầu lưỡi. Ấy là nấm xào, các món nấu canh cứ việc ngẫu hứng, nấu riêng hoặc nấu chung với mướp, bí, bầu, rau tập tàng… Hái được nhiều thì xâu bằng lạt, phơi khô dùng quanh năm. Nhờ sự “phổ cập” của các cựu thanh niên xung phong mà cả làng biết ăn nấm, chế biến đủ món ăn ngon nhờ nấm. Bây giờ, hễ đi công tác cùng cao, gặp loại nấm đó, mọi người đều xuýt xoa nấm đắt đỏ, vì dân mình biết ăn ngon cả rồi, không còn bán theo rổ, theo mớ như hồi tôi còn ở quê, nhà ăn không hết mang những rổ nấm ra giữa chợ phiên ngồi bán, vừa bán vừa phải giải thích rất kỹ rất lâu rằng đó không phải nấm độc.

Giờ đây, bà ngoại và bố mẹ tôi vẫn ở xóm đồi với khu vườn quanh năm tươi tốt, nhưng cả làng lâu rồi không một ai lên núi cào lá, nhổ cỏ, cũng chẳng còn cây rơm nào. Hầu hết các nhà không làm ruộng, con cái lập nghiệp phương xa. Mỗi độ thu về, đông sang, và xuân đến, tôi khôn nguôi nghĩ về bao kỷ niệm còn xào xạc mùi lá khô, từng đợt khói cuộn trên mái bếp gianh thơm ngai ngái. Lại nhớ và thương dáng bà tôi tảo tần, cặm cụi dành hết phần nhọc nhằn, gian khó. Đường lên núi cỏ cây đã ken dày, đất đồi mà lá mục xếp tầng tầng lớp lớp như rừng rậm. Có lẽ, nấm cũng sẽ nhiều, sẽ mập mạp mà không ai hái nữa. Ngay cả bến sông của xóm Cây Sung giờ cũng rậm rạp. Nhà nào cũng bếp gas, nước máy, bến thành hoang phế, bậc đá lên rêu và đất đai dần khỏa lấp, ôm vào lòng mình trọn vẹn một bến sông, một ký ức đầy liêu trai, có cả nhiều phần đớn đau mất mát và thơ ngây, trong trẻo vô ngần. Dần dần, người dân cũng bỏ mảnh đất đó định cư nơi khác, phần miệng thằn lằn hay đuôi thằn lằn, giàu sang sung túc hay ly tán, con người cũng bỏ đó mà đi. Tất cả chỉ còn lại trong câu chuyện huyền bí bà tôi kể. Mà lâu rồi, bà cũng không biết kể cho ai. Chẳng rõ ký ức của bà có theo khói bay về nơi thăm thẳm. Bà có nhớ núi, thương núi như chúng tôi, mỗi mùa đốt lá thay rơm, lại thấy khói đã ngún lên từ lòng mình, tỏa lan khắp mọi không gian khiến con người cay mắt./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top