Aa

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành: Hậu Giang có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Tư, 13/12/2023 - 07:56

Diện tích đất trồng lúa toàn tỉnh là 79.000 ha, chiếm 56,2% diện tích đất NN, hàng năm gieo trồng 2 - 3 vụ lúa, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn lúa, đóng góp trên 54% giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản.

 

Chiều 12/12, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Bộ NN&PTNT, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đồng tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực. Hội thảo nhằm thúc đẩy đối thoại về quy mô, phương thức, hiệu quả hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và một số quốc gia Châu Phi thông qua chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác Nam - Nam trong phát triển thương mại lúa gạo, kết nối chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và an ninh lương thực toàn cầu.

Được biết, sự kiện này là cơ hội để các bên trao đổi thực tiễn hợp tác, xác định các phương thức hữu hiệu về trao đổi kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm phát triển hệ thống thực phẩm và chuyển đổi nông nghiệp giữa Việt Nam và một số nước Châu Phi.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành (trái) cho biết,  những năm qua, ngành lúa gạo tỉnh Hậu Giang nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, đã có những bước phát triển đáng kể. 

Phát triển nền nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực toàn cầu

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, tỉnh Hậu Giang được thành lập năm 2004, là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, diện tích tự nhiên toàn tỉnh trên 1.622 km2, dân số gần 730.000 người. Trung tâm của tỉnh là TP Vị Thanh, cách TP Hồ Chí Minh 240 km về phía Tây Nam và cách TP Cần Thơ 40 km. Quy mô kinh tế của tỉnh có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 13,94% đứng thứ 4 cả nước và đứng đầu ĐBSCL; năm 2023 đạt 12,27%, xếp thứ 2 cả nước, thu ngân sách đạt gần 7.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân 80,33 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.300 USD).

Hậu Giang có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nguồn nước ngọt dồi dào với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, chiều dài hơn 2.300 km, trong đó có tuyến kênh Xáng Xà No có bề dày lịch sử hơn 120 năm nối sông Hậu và biển Tây, đây là tuyến vận tải lúa gạo đầu tiên của miền Nam, Việt Nam. Diện tích đất trồng lúa toàn tỉnh là 79.000 ha, chiếm 56,2% diện tích đất nông nghiệp, hàng năm gieo trồng 2 - 3 vụ lúa, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn lúa, đóng góp trên 54% giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá, những năm qua, ngành lúa gạo tỉnh Hậu Giang nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, đã có những bước phát triển đáng kể, từ sản xuất thô sơ, sử dụng sức người là chính, năng suất thấp, đến nay công nghệ, kỹ thuật đã đạt đến tầm cao mới, sử dụng cơ giới hóa, công nghệ thông minh, sản xuất nhiều loại giống năng suất, chất lượng lúa gạo đã được nâng lên.

Thành quả này đã góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, thiếu lương thực, trở thành quốc gia có khả năng tự đảm bảo an ninh lương thực và vươn lên xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đạt được những thành quả đó là nhờ vào việc thực hiện nhiều chiến lược căn cơ, chính sách thiết thực và sự mở rộng quan hệ hợp tác đã thúc đẩy công tác nghiên cứu chọn tạo giống, đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong canh tác lúa; sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong phát triển chuỗi giá trị lúa gạo; sự ủng hộ của bạn bè và các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật và thương mại cho ngành lúa gạo. Đặc biệt là sự thành công của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC) sẽ là cơ sở thực tiễn phong phú để các bên chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển lúa gạo bền vững, kết nối chuỗi giá trị, phát triển thương mại và duy trì an ninh lương thực toàn cầu.

Lễ ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. ảnh HL

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam - Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực nhằm mục tiêu thúc đẩy đối thoại về quy mô, phương thức, hiệu quả hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và một số quốc gia Châu Phi. Đây là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế thúc đẩy về hợp tác Nam - Nam trong phát triển khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của Châu Phi; phát triển thương mại lúa gạo, kết nối chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và an ninh lương thực toàn cầu.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang tin tưởng rằng, sự kiện này sẽ đánh dấu bước hợp tác quan trọng của Việt Nam và các tổ chức quốc tế về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong Hợp tác Nam - Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Đây cũng là thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, trong đó có Hậu Giang luôn chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực toàn cầu.

Tọa đàm đối thoại chính sách Việt Nam – Châu Phi. ảnh HL

Hội thảo sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác Nam - Nam chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước châu Phi

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, sự liên kết giữa các nước đang phát triển có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, khó đoán định và chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng lương thực, đói nghèo và xung đột. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Việt Nam đã và đang hướng đến là nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm “Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững”, một nền nông nghiệp xanh, ít phát thải với mục tiêu hướng đến mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Với những kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết thêm, vào tháng 4/2023, Việt Nam đã phối hợp FAO, IRRI cùng nhiều đơn vị quốc tế tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững của Mạng lưới một hành tinh. Qua hội nghị, đại diện các nước, tổ chức quốc tế đều đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và đóng góp của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc Hội thảo.ảnh HL

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc tổ chức hội thảo chiều 12/12, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, được xem là bước đi tiếp theo nhằm khẳng định nỗ lực của Việt Nam và các đối tác quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, hỗ trợ chuyển đổi lương thực bền vững cho cả Việt Nam và châu Phi. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tin rằng Hội thảo sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác Nam - Nam chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước châu Phi, cũng như hợp tác ba bên giữa Việt Nam - Đối tác quốc tế - Châu Phi vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của các bên và thế giới.

Tại Hội thảo,các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đến từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế và Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia) sẽ trình bày về cơ chế thúc đẩy sự hợp tác về khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của Châu Phi; tăng cường kết nối chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Nam - Nam; thúc đẩy hợp tác Nam - Nam cho thương mại lúa gạo và an ninh lương thực toàn cầu; hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước Châu Phi trong nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển lúa gạo bền vững trong Hợp tác Nam - Nam từ Dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh - GIC”. Đồng thời, phiên đối thoại theo chuyên đề và thảo luận sẽ mang tới những góc nhìn đa chiều về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, bao gồm thách thức, cơ hội cũng như vai trò của Hợp tác Nam - Nam trong việc thu hẹp các khoảng trống kiến thức kỹ thuật.

Trong khuôn khổ Hội thảo cũng sẽ diễn ra lễ ký kết giữa Bộ NN&PTNT - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc - Sierra Leone về Hợp tác Dự án Nam - Nam và lễ ký kết Ý Định Thư giữa Bộ NN&PTNT và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế về Phối hợp Khoa học, Kỹ thuật và Thể chế trong Hợp tác Nam - Nam nhằm Hỗ trợ Chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm. Hoạt động này đánh dấu bước hợp tác quan trọng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các quốc gia và tổ chức quốc tế, thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực toàn cầu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top