Aa

Hậu Giang trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án trị giá 19.000 tỷ đồng

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Ba, 12/12/2023 - 13:13

Hậu Giang trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án trị giá 19.000 tỷ và ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220.0000 tỷ đồng và 2 biên bản ghi nhớ hợp tác.

Sáng 12/12, tại Trung tâm Hội nghị, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo các Bộ ngành, Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành; đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Phát biểu công bố quyết định, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời cảm ơn phó Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu đã quan tâm hỗ trợ và tham dự hội nghị. Đây là niềm vinh dự, là sự động viên khích lệ to lớn dành cho tỉnh Hậu Giang.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Phát biểu công bố Quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. ảnh HL

Quy hoạch tỉnh Hậu Giang đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang xem bản đồ quy hoạch các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Hậu Giang

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chia sẻ, "Hậu Giang đã có quy hoạch rồi thì quyết tâm bám trụ làm có hiệu quả. Quy hoạch phải nói điểm lớn lao nhất của quy hoạch là tính định hướng của nó, biết làm gì và kiểm soát mọi việc đúng định hướng đặt ra. Cho nên, hai từ đầu tiên chúng tôi mong muốn là phải “tuân thủ”. Tuy nhiên, nó có câu chuyện này nữa, nói chuyện ngày nay đã khó, chúng ta nói chuyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 lại càng khó. Cho nên, Hậu Giang cần phải “linh hoạt”. Chúng ta máy móc không làm được gì. Ngoài ra, chúng ta phải “đồng bộ” với nhau để đủ điều kiện làm. Đồng thời, phải quảng bá để nhân dân hiểu được quy hoạch này để mọi người hiểu và cùng chung tay góp sức làm.

Lãnh đạo Hậu Giang làm thế nào xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch này. Hậu Giang cần liên kết vùng, chủ động kết nối với các tỉnh, thành, trung ương. Chúng ta có nền tảng quy hoạch thì thực hiện liên kết vùng rất dễ. Quy hoạch cho phép chúng ta, khuyến khích chúng ta làm nên điều này.

Chúng tôi mong muốn Hậu Giang khai thác yếu tố văn hoá (nghĩa rộng) như: con người, truyền thống, tính cách và vị thế… Người Hậu Giang mạnh sự chân tình, ấm áp, hào sảng. Người Nam bộ làm hết sức, chơi hết mình. Yếu tố văn hoá có giá trị lớn lao nhất.

Tôi cảm nhận Hậu Giang có sự thay đổi mạnh mẽ. Biểu dương nổ lực rất lớn của Hậu Giang trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương".

Phó Thủ tướng cho rằng, cơ hội đến với Hậu Giang lớn, gồm: cơ sở hạ tầng giao thông đang được đầu tư hoàn thiện và đặc biệt hai đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ và Cần Thơ – Cà Mau gặp nhau tại Hậu Giang. Không phải địa phương nào cũng có được điều này. Đường đi đến đâu thì giàu có đi đến đó.

Ngoài ra, Hậu Giang có đội ngũ cán bộ tiếp nối được truyền thống của bậc cha anh đi trước, khai thác được lợi thế và có sự đột phá trong sự đổi mới cách nghĩ cách làm.

Tuy nhiên, Hậu Giang cũng còn đối mặt nhiều khó khăn như: gánh chịu biến đổi khí hậu nhanh đến bất thường. Đồng thời, việc xâm nhập mặn là tác động lớn nhất mà người dân đồng bằng sông Cửu Long gánh chịu. Khả năng sụt giảm lượng nước về đồng bằng này rất lớn, cho nên làm mất phù sa và dựa lúa ở đây bị ảnh hưởng.

Đối với việc khó, việc mới, Hậu Giang phải có cách tiếp cận khác và cần có công tác phối hợp với các tỉnh lân cận, đề xuất trung ương để thực hiện có hiệu quả.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho biết, để hiện thực hóa Quy hoạch, thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trong Quy hoạch tỉnh, ngay sau hội nghị này, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, Bám sát chặt chẽ Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, anh ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1588 ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ tại hội nghị - mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh giữ vững phương châm hành động: “Đổi mới - đột phá - quyết tâm - khát vọng”, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giá trị cốt lõi của quy hoạch tỉnh. Phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường phải là quan điểm chủ đạo, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến. Thuận thiên trên cơ sở chủ động thích ứng, kiểm soát…. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển; thương mại dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Thứ ba, đầu tư là giải pháp quan trọng. Phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển tạo thay đổi tình hình. Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng như giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ.

Thứ tư, quyết tâm đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện rõ nét chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường chuyển đổi số; kiến tạo phát triển và đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án ngành, nghề trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Thứ sáu, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối với thành phố Hồ CHí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Thứ bảy, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất cân đong đo đếm được, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên.

Con đường lúa gạo Việt Nam trong khuôn khổ tại Festival Quốc tế Lúa gạo vừa được xác lập kỷ lục

12 dự án được trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư trị giá 19.000 tỷ đồng; ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220.000 tỷ đồng và 2 biên bản ghi nhớ hợp tác

Đến nay, Hậu Giang nỗ lực biến các biên bản ghi nhớ đầu tư, hợp tác thành các sản phẩm cụ thể, có thể cân đong, đo đếm được mang đến hạnh phúc ấm no cho người dân như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt niềm tin và kỳ vọng.

Ngày 28/4/2023 Thủ tướng Chính phủ có công văn thống nhất bổ sung hai KCN Sông Hậu 2 và Khu công nghiệp Đông Phú 2 cùng ở huyện Châu Thành với tổng diện tích 614ha vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Ngày 03/8/2023, tỉnh Hậu Giang thống nhất thông qua đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng 2 khu công nghiệp này. Đây là cơ sở cho việc triển khai thực hiện “một tâm”, phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn và phát triển trụ cột kinh tế của tỉnh Hậu Giang.

Ngày 22/11/2023 đã có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ xin đầu tư hạ tầng KCN là Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc xin đầu tư hạ tầng KCN Sông Hậu 2 và Công ty CP Shinec xin đầu tư KCN Đông Phú 2, hiện trong giai đoạn góp ý của các Bộ ngành Trung ương, dự kiến đầu năm 2024 sẽ hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng 02 KCN.

Bên cạnh đó, Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang có vị trí tại xã Vị Tân, TP Vị Thanh được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt giai đoạn 1 thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mới đây tỉnh Giang tiếp tục phê duyệt Quy hoạch Khu công nghệ số giai đoạn 2 với diện tích 23,5 hecta, có vị trí liền kề, kết nối với Khu công nghệ số giai đoạn I, tạo sự kết nối liên hoàn chặt chẽ giữa các dự án. Các khu công nghiệp này tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top