Aa

Lãnh đạo Bình Hà rơi vòng lao lý, xuất hiện “con tốt” của BIDV và Hoàng Anh Gia Lai?

Thứ Năm, 28/06/2018 - 20:00

Dù người trong cuộc phủ nhận nhưng nhiều nghi vấn vẫn đặt ra về khả năng Công ty chăn nuôi quy mô nhiều nghìn tỷ tại Hà Tĩnh (Bình Hà) là “con chung” của Hoàng Anh Gia Lai và BIDV. Khi lãnh đạo của công ty được coi là sợi dây liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bị bắt, giới đầu tư liên tưởng đến nhiều kịch bản không đẹp có thể xảy ra.

 

Hồi giữa tháng 6/2018, PC46 thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh, ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đinh Văn Dũng - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Bình Hà). Ngoài ra đơn vị cũng khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Xuân Lương - giám đốc Công ty Tân Đại Việt. Hai giám đốc này bị khởi tố về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt 110 tỷ đồng tại dự án chăn nuôi bò Bình Hà.

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng và triển khai trên hơn 2.163ha thuộc huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. 

Từ khi được cấp phép đầu tư, Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà xây được 65 chuồng trại, hai khu nhà điều hành, 19 kho chứa và các công trình phụ trợ, trồng được cỏ trên diện tích 678ha. Sau ba năm thực hiện, dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò/năm, đã xuất bán khoảng 43.000 con bò sau khi đã vỗ béo, lượng bò nhập về và thả nuôi giảm dần theo từng năm.

Từ tháng 6/2017 đến nay, số lượng bò tại hai dự án ở huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh chỉ còn lại vài trăm con. Được biết, bên cạnh việc nuôi bò, cuối năm 2017, Công ty cổ phần Bình Hà đã phá cỏ, làm đất trồng chuối.

Trang trại chăn nuôi của Công ty Bình Hà lúc lãnh đạo bị bắt. Ảnh nguồn Internet

Trang trại chăn nuôi của Công ty Bình Hà lúc lãnh đạo bị bắt. Ảnh nguồn Internet

Nhưng nhắc đến Bình Hà, vấn đề đáng lo ngại nhất có lẽ là món nợ ngân hàng BIDV mà chủ đầu tư dự án phải gánh. BIDV từng cam kết cho chủ đầu tư vay 3.162 tỷ đồng để làm dự án nói trên. Trong đó, quy mô vốn tín dụng dài hạn BIDV dành cho dự án là 2.190 tỷ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỷ đồng. Theo một số nguồn tin, BIDV đã giải ngân gần 1.000 tỷ đồng.

Vấn đề ở chỗ, gần 1.000 tỷ đồng này (nếu có) thì BIDV sẽ thu về bằng cách nào khi mà lãnh đạo công ty bị bắt, tài sản không còn nhiều. Nói cách khác, gần 1.000 tỷ đồng này gần như đã trở thành món nợ "chết" tại một dự án mà BIDV phải tìm cách đòi về, chưa kể con số nợ giải ngân thực tế có thể cao hơn số liệu công bố. Chưa rõ, BIDV sẽ đưa khoản nợ này vào hạng mục nào trong nhóm chất lượng tín dụng của ngân hàng?

Tìm hiểu sâu hơn về chủ đầu tư dự án chăn nuôi trên cho thấy, Bình Hà có nhiều liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức (ông Đoàn Nguyen Đức). 

Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Bình Hà) là một doanh nghiệp được thành lập tại Hà Tĩnh vào ngày 10/04/2015, chỉ 5 ngày trước khi được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát thực hiện dự án nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh, và ghi nhận Bình Hà dưới tư cách nhà đầu tư. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp từ Công ty Bình Hà, công ty có 3 thành viên sáng lập Công ty Bình Hà, cùng với ông Thái Thành Vinh và ông Trần Anh Quang. Trong đó, ông Đinh Văn Dũng sở hữu 45% vốn, là cổ đông lớn nhất. Còn lại, ông Thái Thành Vinh nắm giữ 30% vốn, ông Trần Anh Quang nắm 25% vốn.  

Dù HAG không có cổ phần tại dự án trên, nhưng quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của UBND tỉnh Hà Tĩnh lại nêu rõ: “Căn cứ Thông báo số 642-TB/TU ngày 26/3/2015 của Tỉnh ủy về kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với BIDV, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Năng lượng An Phú”.

Ngoài ra, trước đó, tại quyết định về việc thành lập tổ công tác liên ngành phối hợp khảo sát địa điểm và hướng dẫn xây dựng, triển khai dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ghi là: “Dự án chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Cổ phần An Phú”.

Những ai hoạt động lâu năm trong giới tài chính có lẽ đều biết đến chuyện BIDV - dưới thời ông Trần Bắc Hà - có những mối quan hệ “làm ăn thân tình” với Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức. Nhắc đến các món nợ của BIDV trong khoảng thời gian ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT, phải kể đến khoản dư nợ của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức. Thậm chí còn có quan điểm cho rằng "HAG chỉ đổ vỡ khi BIDV 'chết', và ngược lại”. Và thực tế thì, những năm gần đây, tình hình làm ăn sa sút của HAG khiến cho khối nợ của doanh nghiệp này tại BIDV cũng nóng hơn.

Nói như vậy để thấy, mối quan hệ giữa BIDV - Bình Hà - Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn nhiều dấu hỏi. Nhà đầu tư hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về một "con tốt" trong mối quan hệ giữa ngân hàng BIDV và Hoàng Anh Gia Lai và đằng sau đó là nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày 31/12/2015, HAGL có số dư vay nợ lên đến 27.099 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cuối năm 2014, chủ yếu là tăng từ các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL với số dư vay nợ 10.655 tỷ đồng, bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu.

Khoản nợ này đã được chính vị Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà thừa nhận là chậm trả lãi, nhưng ông Hà vẫn cho rằng, việc BIDV cho HAGL vay là có tài sản đảm bảo, với hệ số tài sản đảm bảo/dư nợ đạt 1,8 lần với giá trị tài sản đảm bảo là hơn 18.000 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính mới nhất, tính đến hết quý I/2018, trong cơ cấu nợ của HAG, BIDV là ngân hàng cho vay nợ nhiều nhất cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, HAG vay ngắn hạn ngân hàng, BIDV là 393,3 tỷ đồng, vay trái phiếu là 5.876 tỷ đồng với ngày đáo hạn là 30/12/2026. Và vay dài hạn là 2.963 tỷ đồng. Tại HAG, nhóm nợ có thể được chuyển đổi, tuy nhiên đối với BIDV, khoản nợ của HAG thực chất vẫn đáng lo ngại.

Ông Trần Bắc Hà tại BIDV bị kỷ luật cũng vì khối nợ kếch xù ông tạo ra trong thời gian lãnh đạo BIDV. Hệ lũy "đổ lên đầu" không chỉ các lãnh đạo ngân hàng này mà cả nhiều con nợ khác. Giới đầu tư cho rằng, Bình Hà có thể là “con tốt” của Hoàng Anh Gia Lai – doanh nghiệp từng được ông trùm tài chính “bảo kê”. 

Bình Hà không phải là dự án duy nhất có quy mô vốn hàng nghìn tỷ được BIDV bảo lãnh vốn nhưng thực chất đã chết lâm sàng nhiều năm nay. Qua đó thấy được quá trình xác minh hồ sơ vay vốn kém của ngân hàng cây đa cây đề này, mà câu chuyện khắc phục hậu quả như thế nào cũng cần phải bàn bạc nhiều. 

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin,...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top