Aa

BIDV gây sốc khi chi 70% lợi nhuận để lập dự phòng

Thứ Năm, 03/05/2018 - 21:01

Quý I/2018, lợi nhuận sau thuế của BIDV chỉ tăng 8,5% và chi phí dự phòng đã ăn mòn phần lớn 70% lợi nhuận trước trích lập.

Thu nhập lãi thuần quý I/2018 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV tăng 35%, đạt khoảng 9.165 tỷ đồng. Thu nhập dịch vụ tăng trưởng 30%, thu về 745 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán cũng tăng mạnh hơn cùng kỳ, đóng góp tổng cộng khoảng 720 tỷ đồng. Lãi hoạt động khác thu về gần gấp 3 lần, góp 600 tỷ đồng vào tổng nguồn thu. Như vậy, về cơ bản các khoản thu của BIDV trong quý đầu năm đều tăng trưởng khá.

Lợi nhuận trước trích lập dự phòng của BIDV do đó tăng 84% cùng kỳ lên gần 8.500 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.485 tỷ đồng, chỉ cao hơn 5,8% cùng kỳ năm trước và thấp hơn số dự báo ban đầu tại đại hội cổ đông trước đó của BIDV khoảng hơn 200 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí trích lập dự phòng cùng chi phí thuế, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ BIDV đạt 1.978 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính vừa công bố của BIDV là chỉ trong quý I, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp 2,56 lần cùng kỳ, đạt 6.013 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại giảm còn xấp xỉ 2.780 tỷ đồng, giảm khoảng 14,7%.  Phần giảm này là cắt bớt chi phí lương và phụ cấp nhân viên.

Cụ thể, số lượng nhân viên bình quân trong quý I tăng khoảng 100 người lên 25.050 nhân sự, nhưng tổng chi phí cho nhân viên lại giảm 30%, từ 1.657 tỷ đồng xuống 1.153 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của BIDV đạt 1.226 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Nguồn vốn huy động qua kênh tiền gửi khách hàng tăng hơn 50.000 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 5,8%. Trong khi đó, huy động qua kênh phát hành giấy tờ có giá giảm 19.000 tỷ đồng chủ yếu do thanh toán chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 1 năm và 1 - 5 năm.

Huy động trên thị trường dân cư tăng khá thì tín dụng nhích tăng 1,37% trong quý vừa qua. Tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức 1,62%. Giá trị chứng khoán kinh doanh của BIDV cũng tăng hơn 70% do mua thêm chứng khoán Chính phủ, chính quyền địa phương. 

Hoạt động kinh doanh của BIDV có dấu hiệu kém đi sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, rời ghế Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/9/2016. Đến thời điểm này chưa có ai đảm nhận vị trí Chủ tịch BIDV.

Mới đây, ngày 2/5/2018, ông Trần Anh Tuấn đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022. Được biết, ông Tuấn đã đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 4 vừa qua khi đã sang tuổi 60. Ông Tuấn được bầu vào vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu và ghế Chủ tịch HĐQT vẫn bỏ trống từ đó đến nay.

Trả lời cổ đông về vấn đề nhân sự tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 tổ chức ngày 21/4 vừa qua, ông Phan Đức Tú, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV cho biết khi khuyết vị trí Chủ tịch/người điều hành, các thành viên HĐQT sẽ bầu một người giữ vị trí đảm nhận trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT. Ông Tú cũng cho biết các cổ đông hoàn toàn yên tâm bởi khi nào NHNN quyết định Ủy viên phụ trách nghỉ hưu, BIDV sẽ có người thay thế vị trí. Thông tin nhân sự thay thế chưa được tiết lộ.

Cũng tại đại hội, BIDV đã thông qua việc bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng vào HĐQT. Ông Tùng nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Trước khi sang VDB, ông từng giữ vị trí Phó tổng giám đốc của BIDV. Ông bắt đầu làm ở BIDV từ năm 1996 và từ 2006 đến 2010 giữ chức Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Từ tháng 10/2010 đến cuối tháng 5/2016, ông là Phó tổng giám đốc BIDV kiêm Chủ tịch HĐQT công ty bảo hiểm BIC.

Sau khi ông Tuấn từ nhiệm, BIDV hiện còn 8 thành viên HĐQT. Tại BIDV, HĐQT là cơ quan quản trị có toàn quyền quyết định, thực hiện các quyền, nghĩa vụ không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top