Aa

Biến động số lượng doanh nghiệp bất động sản, liệu có đáng lo ngại?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 14/12/2024 - 07:15

Thị trường bất động sản Việt Nam đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh mẽ, kéo theo sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng như gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản. Vậy sự biến động này có phải là dấu hiệu đáng lo ngại cho thị trường bất động sản?

Số lượng doanh nghiệp phá sản vẫn cao

Trong 11 tháng qua, bức tranh doanh nghiệp Việt Nam hiện lên với nhiều nét đáng chú ý. Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2024, cả nước có hơn 147,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.450,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 905,7 nghìn lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, tương đương về vốn đăng ký và giảm 8,0% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng qua đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2024 là gần 2.912,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, cả nước có gần 71,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên hơn 218,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 96,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 57,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,9%; gần 19,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 19,8%. Bình quân một tháng có hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, riêng ngành bất động sản trong 11 tháng qua có 4.241 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Song song với đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 1.137, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ.

Nếu phân chia 7 nhóm ngành theo số lượng doanh nghiệp thành lập mới, bất động sản đứng thứ 6, chỉ cao hơn nhóm sản xuất phân phối, điện, nước, gas (1.092 doanh nghiệp) và thấp hơn nhiều so với nhóm dẫn đầu là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (59.961 doanh nghiệp). Bên cạnh đó, xét về số lượng doanh nghiệp giải thể, nhóm kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 trong số 7 nhóm lĩnh vực hoạt động được thống kê.

Biến động số lượng doanh nghiệp bất động sản, liệu có đáng lo ngại?- Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Những con số trên phản ánh một thực tế rằng, mặc dù nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Sự biến động về số lượng doanh nghiệp, cả ở chiều tăng lẫn chiều giảm, cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với những thay đổi của thị trường.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tỷ lệ giải thể cao cho thấy những khó khăn đặc thù của thị trường này. Các yếu tố như lãi suất cao, nguồn vốn tín dụng thắt chặt, sức mua giảm… đã tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách lạc quan, đây cũng là một phần của quá trình điều chỉnh cần thiết để thị trường phát triển bền vững.

Biến động số lượng doanh nghiệp bất động sản, liệu có đáng lo ngại?- Ảnh 2.

Xét về số lượng doanh nghiệp giải thể, nhóm kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 trong số 7 nhóm lĩnh vực hoạt động được thống kê. (Ảnh minh hoạ)

Cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tình hình doanh nghiệp trong nước đang có những chuyển biến đáng chú ý. Thời điểm kết thúc quý I/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (74.000) nhiều hơn doanh nghiệp gia nhập mới (60.000), cho thấy tình trạng đáng báo động, chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn như vậy, nhất là doanh nghiệp bất động sản.

Đến nay, tình thế đã đảo ngược nhưng nhìn chung, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn khá yếu. PGS.TS. Trần Đình Thiên chỉ ra rằng: "Việc các doanh nghiệp rời bỏ thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, gây giảm sút ngân sách, việc làm và thu nhập. Trong khi đó, các doanh nghiệp mới thành lập thường cần thời gian để ổn định hoạt động và đóng góp vào nền kinh tế".

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Theo chuyên gia, có nhiều yếu tố tác động, bao gồm lạm phát thấp kéo dài, lãi suất neo ở mức cao, khó khăn trong tiếp cận vốn, thể chế chưa thực sự thông thoáng... Tất cả tạo nên một vòng luẩn quẩn, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp nội địa.

Ông Thiên nhấn mạnh, cốt lõi của vấn đề nằm ở "tam bất thông": nguồn lực bất thông suốt, cơ chế bất thông thoáng và quản trị bất thông minh. Nếu không tháo gỡ được những điểm nghẽn này, nền kinh tế sẽ khó lòng phát triển bền vững.

Biến động số lượng doanh nghiệp bất động sản, liệu có đáng lo ngại?- Ảnh 3.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những nỗ lực này, nếu được triển khai hiệu quả, sẽ góp phần tạo động lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều chuyển biến, PGS.TS. Trần Đình Thiên đã có những chia sẻ đáng chú ý, giúp các doanh nghiệp định hướng hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ nhất, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bám sát quy hoạch. Theo đó, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã hoàn thành, sẽ là "kim chỉ nam" cho sự phát triển dài hạn của thị trường bất động sản. Các nhà đầu tư nên chủ động nghiên cứu kỹ những tài liệu này để có chiến lược kinh doanh phù hợp, tránh những rủi ro không đáng có.

Thứ hai, PGS.TS. Trần Đình Thiên lưu ý về những thay đổi trong cơ chế, chính sách. Hiện nay, nhiều địa phương đang đề xuất những cơ chế đặc thù liên quan đến đầu tư, tài chính, quản lý đô thị... Đặc biệt, với việc 3 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, điều chỉnh chiến lược đầu tư, kinh doanh để thích ứng với những thay đổi của pháp luật và thị trường.

Trong khi đó, TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với doanh nghiệp gia nhập ở mức cao hơn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Cụ thể, trước năm 2020, tỷ lệ này chỉ dao động trên dưới 50%. Tuy nhiên, từ sau đại dịch đến nay, con số này đã tăng lên đáng kể, đặc biệt trong hai năm 2023 và 2024, tỷ lệ này đều vượt mức 70%.

Mặc dù vậy, TS. Lương Văn Khôi cho rằng: "Chúng ta không nên quá lo lắng về hiện tượng này. Theo ông, đây là một tín hiệu tích cực cho thấy thị trường đang trong quá trình tự điều chỉnh và thanh lọc. Các doanh nghiệp yếu kém sẽ dần rút lui, nhường chỗ cho những doanh nghiệp mạnh hơn, có khả năng thích ứng và phát triển bền vững".

Ông cũng dẫn chứng thêm rằng, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng có tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao, thậm chí có nơi con số này còn vượt xa số lượng doanh nghiệp gia nhập mới. Như vậy, thay vì lo lắng, có thể nhìn nhận sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường như một cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Biến động số lượng doanh nghiệp bất động sản, liệu có đáng lo ngại?- Ảnh 4.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp vẫn đang trên con đường phục hồi sau đại dịch COVID-19 đầy gian nan. Số lượng doanh nghiệp "rút lui" trong năm 2024 đang có xu hướng tăng cao so với các năm trước, một tín hiệu đáng chú ý cho thấy những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt.

Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng dường như vẫn chưa đủ để "cứu cánh" cho tất cả. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nguyên nhân một phần đến từ việc nợ xấu gia tăng, khiến nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn. 

Hệ quả tất yếu là nhiều doanh nghiệp buộc phải rời bỏ thị trường do thiếu vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Hiếu dự báo, nếu không có những biện pháp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn, năm 2025 có thể sẽ chứng kiến làn sóng phá sản gia tăng. Điều này không chỉ gây ra hệ lụy về việc làm cho người lao động, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Để "xoa dịu" những khó khăn này, chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn, trong đó có việc xem xét và tận dụng hiệu quả quỹ bảo lãnh tín dụng với số vốn hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Bởi lẽ, việc tháo gỡ nút thắt về vốn sẽ là chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top