Aa

Bình đẳng trên “con thuyền PPP”

Chủ Nhật, 24/11/2019 - 06:30

Dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ lấy lại được niềm tin của doanh nghiệp và người dân đối với các dự án PPP.

Dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án PPP, niềm tin của doanh nghiệp, diễn đàn doanh nghiệp.

Ông Kiên khẳng định: PPP sinh ra từ việc nguồn lực tài chính quốc gia không đáp ứng được mong mỏi của nhà nước vì vậy phải chia sẻ, trong điều kiện xã hội, nhà đầu tư trong nước và quốc tế vẫn có khả năng huy động vốn tốt hơn nhà nước.

Việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật về PPP) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhưng, vấn đề ở chỗ thời điểm hiện tại, khó khăn lớn nhất của nhà đầu tư khi đầu tư vào PPP không đến từ nguồn vốn, không đến từ cơ chế đầu tư mà đến từ nhận thức của chúng ta về dự án PPP. Những khái niệm liên quan đến PPP như vai trò của cơ quan nhà nước trong các dự án PPP, thế nào là nhà đầu tư, thế nào là nhà thầu… chưa được làm sáng tỏ. 

Do chưa có một khung khái niệm tường minh nên quá trình thực thi dự án PPP đang gặp phải nhiều vấn đề, dẫn tới dư luận xã hội không đồng tình với các dự án thực hiện theo hình thức PPP. Thậm chí, tại một số nơi, PPP gần như trở thành “tội đồ” và gặp phải sự phản đối dữ dội của dư luận.

PV: Là cơ quan được giao trách nhiệm thẩm tra Dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật về PPP) vừa được trình Quốc hội xem xét theo ông, liệu có thể minh bạch và xóa án “tội đồ” cho các dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Qua nhiều lần sửa đổi và soạn thảo, Dự thảo Luật về PPP đã được chỉnh sửa với những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Dự thảo gồm với 11 chương, 102 điều, luật có phạm vi điều chỉnh không chỉ các hoạt động đối tác công tư trong các hệ thống cơ sở hạ tầng mà còn cả trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm dịch vụ công.

Với lần điều chỉnh này, gần như mọi lĩnh vực đều có thể áp dụng hình thức đối tác công tư. Trong suốt 20 năm qua, việc huy động nguồn vốn theo đối tác công tư là 1.680.000 tỷ đồng, tương đương gần 80 tỷ USD. Tuy nhiên, các lĩnh vực này vốn chỉ tập trung quanh các dự án nhiệt điện và giao thông. Bây giờ, quy định còn có cả về văn hóa, thể thao và du lịch.

Về đối tượng áp dụng, cơ quan soạn thảo và thẩm tra coi các hợp đồng PPP là hợp đồng dân sự về hoạt động kinh tế. Theo đó, khi tham gia vào các dự án PPP cơ quan nhà nước có phẩm quyền phải xác định mình là đối tác bình đẳng với doanh nghiệp và các nhà đầu tư khác. Nhận thức rõ vấn đề này dự thảo luật được kết cấu theo hướng nhà nước cũng chỉ là 1 đối tác bình đẳng trong hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp.

Với những sửa đổi này, tôi hi vọng dự thảo sẽ khơi thông nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực PPP, một lĩnh vực quan trọng và đặc thù.

PV: Nhưng nhiều chuyên gia vẫn khẳng định những ý kiến cho rằng dự thảo luật đang ưu đãi quá lớn cho các nhà đầu tư hoặc lo ngại về việc lấy ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Đó là cách tiếp cận quá đơn giản. Như tôi đã nói về bản chất, đối với các dự án PPP thì nhà nước và doanh nghiệp ngồi cùng thuyền. Nếu thuyền chìm, nhà nước cũng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu dự án về đích nhanh, nhà nước cũng được hưởng lợi.

Khi so sánh lợi của huy động vốn trong xã hội với việc nhà nước đứng ra bảo lãnh vốn vay cho thấy xu hướng huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác có hiệu quả hơn thì nhà nước sẽ đứng ra nhượng quyền. Lúc này nhà nước có 2 vai, vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà quản lý.

Nhận thức rõ điều này nên Dự thảo luật được kết cấu theo hướng nhà nước cũng chỉ là 1 đối tác bình đẳng trong hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp.

PV: Cơ chế chia sẻ rủi ro được xem là một trong những vướng mắc lớn nhất ngáng chân nhà đầu tư khi đầu tư vào dự án PPP. Qua thẩm tra, ông thấy dự thảo đã giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Việc áp dụng cơ chế rủi ro phù hợp giữa các bên là yếu tố quan trọng quyết định mức độ hấp dẫn của dự án đầu tư theo hình thức PPP, cũng như sự thành công hay thất bại của triển khai hợp đồng PPP.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội 

Đây cũng là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

Để mời gọi các nhà đầu tư, dự thảo luật cũng có quan điểm khi rủi ro xảy ra, nhà nước sẽ chịu tối đa 50% thiệt hại công trình, miễn sao phải chứng minh được thiệt hại này bắt nguồn từ những nguyên nhân bất khả kháng (không phải do tham nhũng, gian lận…). Ngược lại, nhà nước sẽ được hưởng tối thiểu 50% phần lợi nhuận vượt lợi nhuận đã được phê duyệt. Nhưng tôi cũng đưa ra lưu ý rằng có những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng khi nhà nước đưa ra cơ chế, điều chỉnh chính sách để phát triển kinh tế, xã hội. Điều này có thể khiến lợi nhuận dự án tăng. Những phần tăng tới từ việc nhà nước điều chỉnh thì phải trả lại cho nhà nước.

Đồng thời, để đảm bảo sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo luật cũng thiết kế quyền chuyển đổi ngoại tệ. Theo đó, Chính phủ sẽ đảm bảo quyền chuyển đổi 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp khi đã nộp thuế và các khoản thu hợp pháp khác. Thực tế, đây chính là lợi nhuận ròng của doanh nghiệp. Với một dự án, lợi nhuận ròng 30% là rất cao.

Các doanh nghiệp được quyền ưu tiên, khi các cơ quan quản lý nhà nước, kinh doanh tiền tệ không đáp ứng được, cần sự can thiệp của nhà nước thì họ được ưu tiên. Các doanh nghiệp dự án cũng được quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tôi được biết, điều này sẽ được quy định tại phần nói về huy động vốn tại Dự thảo luật Doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi này cũng sẽ không làm ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối quốc gia. Khi nhà đầu tư muốn ngoại tệ để chuyển lợi nhuận hay mua thiết bị, họ có quyền chuyển đổi tại các cơ sở kinh doanh theo quy định ngoại nước, thực chất là các ngân hàng thương mại cổ phần. Nếu ngân hàng không đáp ứng được tất cả nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của nhà đầu tư, nhà nước sẽ chỉ đạo đáp ứng nốt phần còn lại.

Vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đã có nhiều buổi làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn triển khai nhiều dự án chất lượng cao ở Việt Nam. Họ đều tỏ ra rất hài lòng với quy định chuyển đổi ngoại tệ này.

PV: Cuối cùng, ông có góp ý gì để dự thảo này được hoàn thiện hơn?

Ông Nguyễn Đức Kiên: PPP là một lĩnh vực rất đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng xét cả về các phương diện chính trị, xã hội, luật pháp và kinh tế.

Bởi bản chất PPP là Nhà nước tham gia vào hoạt động kinh tế và phối hợp cùng tư nhân, cho nên chính Quốc hội phải can dự vào để đặt ra các giới hạn cho việc giám sát tuân thủ và chống rủi ro ở cấp cao nhất.

Luật cho PPP là điều mà tôi cũng như nhiều người đã kỳ vọng từ lâu. Bởi vì việc lựa chọn nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu xây lắp trong dự án PPP là khác nhau nên dự thảo lần này cần tiêu chuẩn chọn nhà đầu tư khác với tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu. Và dự thảo luật nên có hẳn một chương nói về lựa chọn nhà đầu tư để rõ ràng hơn.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top