Theo báo cáo, đến 23/11/2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt 749 đợt, số tiền 4.568,7 tỷ đồng; trong đó, tuyến chính được 11.736/11.736 hộ, diện tích 953,19/953,19ha, đạt 100%; bàn giao cho Chủ đầu tư diện tích 944,89/953,19ha, đạt 99,1%, chiều dài 116,38/117,99km, đạt 98,4%.
Đầu tư xây dựng 40 khu tái định cư, diện tích 71,335ha/1.723 lô đất, tổng mức đầu tư 744,3 tỷ đồng. Đã thi công xây dựng hoàn thành 23 khu tái định cư; khu tái định cư bổ sung trên địa bàn huyện Hoài Ân thi công đạt 90% và khu tái định cư mở rộng trên địa bàn huyện Phù Mỹ đã hoàn thành công tác thẩm định hồ sơ thiết kế, đang tiến hành phê duyệt để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các địa phương đã ban hành quyết định giao đất tái định cư được 904/906 hộ phải bố trí tái định cư, đạt 99,8% (còn 2 hộ ở An Nhơn mới phát sinh); tiến hành giao đất tái định cư ngoài thực địa được 894/906 hộ, đạt 98,7%. Di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật do địa phương quản lý đạt từ 65% đến 98%; đang di dời hạ tầng kỹ thuật do các cơ quan Trung ương quản lý (cáp quang, cáp viễn thông) đối với 95/95 vị trí bị ảnh hưởng; thi công xây dựng di dời tuyến điện cao thế >110KV được 84/87 vị trí.
Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thực hiện giải ngân 4.155,7 tỷ đồng, đạt 85,7% vốn cấp; trong đó, diện tích tuyến chính 941,33/953,19ha, đạt 98,8%.
Đối với phần diện tích khoảng 35,85ha do chủ đầu tư bàn giao bổ sung, đã phê duyệt được 48 đợt, diện tích 32,02ha; đã chi trả được 54,57 tỷ đồng, diện tích đã chi trả 15,57ha và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 15,47ha.
Trước 30/11/2023, các địa phương phải phê duyệt xong toàn bộ phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), kể cả phần GPMB điều chỉnh, bổ sung. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách nhà nước, sớm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB, đất tái định cư và bàn giao mặt bằng thi công. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết dứt điểm từng trường hợp vướng mắc cụ thể; giải quyết các đơn khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân, khẩn trương rà soát, phân loại các trường hợp vướng mắc và các hộ dân cố tình không chấp hành phương án bồi thường, GPMB, bố trí tái định cư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tiến hành củng cố hồ sơ, thủ tục, lập và triển khai kế hoạch cưỡng chế để đáp ứng tiến độ thi công dự án.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các khu tái định cư, trong đó, phải ưu tiên xây dựng hoàn thành hạ tầng giao thông, điện, nước để đảm bảo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống; đồng thời, quy định thời gian người dân phải giao trả mặt bằng, yêu cầu người dân nộp tiền sử dụng đất tái định cư theo quy định. Các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ và thị xã An Nhơn chỉ đạo đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư bổ sung để đáp ứng tiến độ dự án.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu các địa phương hoàn thành di dời toàn bộ mồ mả trong tháng 11/2023; hoàn thành di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật chậm nhất đến ngày 15/12/2023.
"Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh phải hoàn thành việc di dời hệ thống điện 110KV, 220KV chậm nhất đến 30/12/2023. Đối với 3 trụ điện bổ sung, chậm nhất đến 31/01/2024 phải hoàn thành việc di dời", ông Nguyễn Tự Công Hoàng, nhấn mạnh.
Khẩn trương bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư để triển khai thi công; phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị thi công có liên quan xác định rõ các vị trí điểm Găng để tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB. Hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án thoả thuận giá liên quan đến các mỏ vật liệu theo đúng quy định.
Chủ động rà soát, có văn bản yêu cầu Ban QLDA 85 bố trí kinh phí chi trả theo phương án bồi thường GPMB được duyệt. Chủ động phối hợp với các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan xác định các loại đất, nhà cửa, công trình vật kiến trúc, cây cối… nằm trong hành lang, đặc biệt là các ngôi nhà bị giải tỏa một phần, các thửa đất ở sau khi GPMB còn lại một phần và đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với từng trường hợp cụ thể.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị BQL dự án 85 bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí cho các địa phương, đơn vị có liên quan để kịp thời chi trả tiền bồi thường GPMB cho các tổ chức, cá nhân theo phương án được duyệt. Chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát, bổ sung một số đường gom, làm cơ sở để triển khai bồi thường GPMB. Phối hợp chặt chẽ với địa phương triển khai các biện pháp phù hợp để kịp thời ứng phó trong mùa mưa bão năm 2023. Phối hợp làm việc với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để sớm có văn bản thỏa thuận nộp tiền trồng rừng thay thế để làm cơ sở cho UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với mỏ vật liệu. Sớm báo cáo Bộ GTVT bổ sung thêm kinh phí còn thiếu cho các địa phương để triển khai thực hiện đáp ứng tiến độ dự án. Đôn đốc nhà thầu thi công triển khai thi công đối với diện tích mặt bằng đã được bàn giao để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ vậy liệu xây dựng đã được UBND tỉnh cấp phép cho các nhà thầu thi công dự án; phối hợp xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định chủ động phối hợp với các địa phương có liên quan để kịp thời giải quyết các kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án. Khẩn trương tham mưu đề xuất UBND tỉnh xác nhận đăng ký các mỏ vật liệu đất, cát theo quy định, đảm bảo không để thiếu vật liệu gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung phối hợp, hỗ trợ, ưu tiên giải quyết các công việc có liên quan tới dự án theo thẩm quyền, không được để chậm trễ, kéo dài thời gian xử lý đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.