Tỉnh Bình Định sẽ đa dạng hóa thị trường khách du lịch, trong đó chú trọng phát triển các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao. Bình Định tập trung thu hút khách du lịch thị trường Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh có đường bay trực tiếp đến Bình Định; các thị trường các tỉnh Tây Nguyên có khoảng cách địa lý gần và khác biệt về điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch và một số tỉnh lân cận có khả năng kết nối tour, tuyến như: Phú Yên, Khánh Hòa.
Bình Định cũng từng bước mở rộng thị trường các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc như: Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai; Đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang.
Đặc biệt, tỉnh này đẩy mạnh thu hút khách quốc tế ở các thị trường gần tăng trưởng nhanh, nhất là thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) và Đông Nam Á. Tiếp tục thu hút khách du lịch từ một số thị trường xa, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như: Tây Âu (Anh, Pháp, Đức...), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada...) và Châu Đại Dương (Úc, New Zealand), trong đó chú trọng các nước đã được miễn thị thực (visa).
Tỉnh Bình Định chú trọng xây dựng các chương trình, nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh trên cơ sở khai thác các tài nguyên du lịch hiện có và phát triển các sản phẩm du lịch mới. Tổ chức các hoạt động, sự kiện thu hút khách du lịch theo quý và mùa vụ du lịch; các hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch mùa thấp điểm; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các dịch vụ tại các di tích văn hóa - lịch sử; triển khai quy hoạch bãi biển Quy Nhơn và kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch, tổ chức xây dựng và triển khai các mô hình phát triển du lịch ban đêm…
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tăng cường công tác hướng dẫn và quản lý chất lượng phương tiện vận tải hành khách liên quan đến du lịch: Xe taxi; xe vận tải hành khách theo hợp đồng và xe cấp biển hiệu du lịch; xe điện; xe buýt; ca nô, phương tiện vận chuyển khách trên biển. Hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm đăng ký thủ tục công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Các ngành đôn đốc các khu, điểm kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ, bảo đảm các điều kiện để được công nhận các khu, điểm du lịch theo quy định.
Bình Định cũng đang đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư phát triển du lịch, hoàn thành đưa vào hoạt động 6 khách sạn tiêu chuẩn đạt từ 3 - 4 sao với tổng số hơn 1.400 phòng, đưa tổng số phòng năm 2023 đạt khoảng 14.120 phòng (trong đó có 4.829 phòng tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, 9.291 phòng từ đạt chuẩn đến 2 sao).
Trong những năm qua, Bình Định trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Cùng với sự phát triển chung của ngành du lịch tỉnh Bình Định, TP. Quy Nhơn luôn là hạt nhân tiêu biểu, là trung tâm du lịch của cả tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định giao Sở Du lịch là cơ quan đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và kết quả triển khai thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Du lịch “Quy Nhơn - Bình Định” trở thành một thương hiệu du lịch thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là TP. Quy Nhơn được vinh dự nhận danh hiệu là “Thành phố du lịch sạch ASEAN 2020” tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á và đang dần khẳng định du lịch Quy Nhơn - Bình Định là điểm đến hàng đầu châu Á. Ngoài ra, gần đây tờ Traveller của Australia đã chia sẻ với du khách về Quy Nhơn - nơi sẽ mang lại sự rung cảm đích thực về một thành phố nhỏ cùng bãi biển đẹp hứa hẹn trở thành một điểm đến lớn về du lịch biển của Việt Nam./.