Đối với lãnh đạo và người dân tỉnh Bình Định, đây được xem là dự án giao thông quan trọng bậc nhất tại thời điểm này. Khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng là sẽ đem lại nhiều thay đổi to lớn cho đời sống dân sinh cũng như bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, những ngày này, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, dốc toàn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Tích cực giải phóng mặt bằng
Ngày 6/12, UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này vừa tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương về triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 ngang qua tỉnh Bình Định.
Theo báo cáo tại cuộc họp của UBND tỉnh Bình Định, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh và các dự án giao thông trọng điểm do Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh làm chủ đầu tư đang được khẩn trương thực hiện. Tổng diện tích đất dự án cần thu hồi để triển khai cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Định là 1.674ha; gồm: 437,6ha đất lúa; 32,6ha đất rừng phòng hộ; 679,8ha đất rừng sản xuất và 524ha các loại đất khác. Dự kiến, tỉnh Bình Định có 1.439 hộ dân bị ảnh hưởng phải bố trí tái định cư và 2.910 ngôi mộ cần di dời… để triển khai dự án.
Tính đến nay, 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có tuyến cao tốc đi qua đã hoàn thành việc kiểm đếm 10.800 hộ gia đình bị ảnh hưởng, với 16.274 thửa đất (diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 925,5ha); 1.076 ngôi nhà bị giải tỏa trắng; 6.313 ngôi mộ phải di dời. Song song đó, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xác nhận nguồn gốc đất cho 10.089/10.800 hộ bị ảnh hưởng (đạt 93,4%). Các địa phương đã chi trả đền bù hơn 629 tỷ đồng/779 tỷ đồng kinh phí Bộ Giao thông vận tải đã cấp (đạt 80,8%); diện tích đền bù đạt hơn 236,5ha để thi công tuyến đường chính. Đến đầu tháng 12/2022, các địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư 21km/118,8km.
Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, các địa phương sẽ chi trả số tiền đền bù khoảng 1.863 tỷ đồng. Kinh phí dự kiến triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định là hơn 7.473 tỷ đồng. Cụ thể, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cần hơn 2.259 tỷ đồng; dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn cần gần 3.461,6 tỷ đồng; dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh cần hơn 1.752 tỷ đồng.
“Giao thông hoàn thiện có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại… Do đó, thời gian đến, yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải cùng vào cuộc để tập trung tháo gỡ, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch để đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án”.
- Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tất cả địa phương có đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua phải đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng. Tiếp tục tích cực trong việc công khai, minh bạch, giải thích đầy đủ chính sách bồi thường để nhân dân nắm bắt, đồng thuận và ủng hộ. Đồng thời, các cơ quan ban ngành có liên quan đến dự án tại từng địa phương phải liên tục cập nhật báo cáo với UBND tỉnh về tiến độ giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đặc biệt là xác nhận nguồn gốc đất và các nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện. Kết quả thực hiện đến thời điểm này là khá tốt. Tuy nhiên, khối lượng công việc giải phóng mặt bằng còn lại không phải là ít, vì vậy các địa phương và các sở, ngành có liên quan cần phối hợp đồng bộ để tổ chức thực hiện các công việc còn lại hoàn thành, đến ngày 30/6/2023, chúng ta bàn giao 100% mặt bằng cho Bộ Giao thông Vận tải để giao cho đơn vị thi công".
Tạo mạng lưới kết nối cao tốc từ nhiều tuyến đường cộng hưởng
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định, địa phương này những năm gần đây đã dốc toàn lực cho sự thay đổi đáng kể của hệ thống hạ tầng giao thông. Nhờ sự “sáng lên” từ các tuyến đường mà đời sống kinh tế - xã hội của người dân cũng được phát triển đáng kể. Do vậy, với dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định, bên cạnh sự tập trung cho dự án chính này, tỉnh còn đầu tư song song các tuyến đường mang tính kết nối then chốt với cao tốc gồm: Tuyến ven biển (đường tỉnh 639) dài 107km kết nối Quảng Ngãi (phía Bắc) và Phú Yên (phía Nam), tuyến kết nối đường Tây tỉnh đến đường ven biển…
Tuyến đường ven biển Bình Định có tổng mức đầu tư 2.674 tỷ đồng, đã được khởi công vào ngày 16/4/2022. Đó là tuyến nối Cát Tiến - Diêm Vân, đoạn từ thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát đến xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Khi hoàn thành, đoạn đường này sẽ nối vào tuyến ven biển đoạn Cát Tiến - Đề Gi có chiều dài 23,2km (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2022). Tiếp sau đó, cuối tháng 4/2022, Bình Định cũng đã khánh thành tuyến đường ven biển đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh đi qua thị xã Hoài Nhơn.
Một tuyến đường ven biển quan trọng khác của tỉnh là 639, tạo sự kết nối giữa 3 tỉnh Phú Yên - Bình Định - Quảng Ngãi sẽ được hoàn thành trong năm 2025. Đây là tuyến đường thuộc quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010. Như vậy, đến năm 2025, Bình Định cơ bản sẽ có 3 tuyến quốc lộ cùng chạy dọc tỉnh là Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và 639.
Tháng 5/2022, tỉnh Bình Định cũng đã khởi công tuyến đường kết nối Đông - Tây từ đường phía Tây tỉnh (tỉnh lộ 638) đến đường ven biển 639 thuộc địa bàn huyện Phù Mỹ. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều dài tuyến 19,2km… Dự án có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm B; trong đó, vốn ngân sách trung ương 400 tỷ đồng, địa phương 300 tỷ đồng.
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định báo cáo tại cuộc họp: “Đến nay, dự án đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân đã bàn giao mặt bằng 13km/13,58km; giá trị xây lắp các gói thầu đạt trên 112 tỷ đồng; phấn đấu thông tuyến trước Yết Nguyên đán năm 2023. Còn đối với dự án tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng 9km/9,391km; giá trị xây lắp các gói thầu đạt hơn 225 tỷ đồng. Dự án đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân đã giải phóng mặt bằng xong 1,399km/1,592km; giá trị xây lắp thực hiện được 170 tỷ đồng”./.