Aa

Bình Định kiến nghị thành lập TP. An Nhơn

Thứ Sáu, 09/12/2022 - 13:45

Thị xã An Nhơn, cách trung tâm TP. Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 20km về hướng Tây Bắc vừa được UBND tỉnh Bình Định gửi văn bản đến Bộ Nội vụ xin chủ trương thành lập thành phố.

Ngày 8/12, UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong công văn gửi Bộ Nội vụ, tỉnh muốn nâng cấp thị xã An Nhơn trở thành TP. An Nhơn với chức năng là đô thị kết nối miền Trung và Tây Nguyên. Hiện tại, thị xã An Nhơn có diện tích 244km2 và dân số là 180.000 người. 

An Nhơn đã có nhiều bước phát triển với các chỉ số về kinh tế - xã hội ấn tượng những năm gần đây. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Năm 2011, từ một huyện thị, An Nhơn được nâng cấp lên trở thành thị xã. Đến ngày 02/03/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 219/QĐ-BXD công nhận thị xã An Nhơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Định, với phạm vi đánh giá khu vực nội thị gồm 5 phường (Nhơn Thành, Đập Đá, Nhơn Hưng, Bình Định và Nhơn Hòa) và ngoại thị gồm 10 xã (Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ và Nhơn Tân).

Với những điểm nhấn về kinh tế, hạ tầng, lịch sử, văn hoá vốn có, thị xã An Nhơn được kỳ vọng sẽ được chấp thuận nâng cấp lên thành thành phố cùng với Quy Nhơn, tạo thành hai đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Bình Định.

Với kiến nghị nâng cấp An Nhơn lên thành phố, Bình Định sẽ lập thêm 6 phường. Như vậy, TP. An Nhơn sau khi được thành lập sẽ có 11 phường, bao gồm: Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu và Nhơn Phong và 4 xã: Nhơn Hạnh, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ, Nhơn Tân. Và sau Quy Nhơn, Bình Định sẽ có thêm một thành phố nữa là An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và 8 huyện khác. Nếu được chấp thuận thì đây sẽ là thành phố thứ hai tại tỉnh này.

Lý giải cho kiến nghị nâng cấp này, UBND tỉnh Bình Định cho biết, thị xã An Nhơn từ lâu đã là là đô thị vệ tinh của TP. Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây từng là kinh đô của vương triều Champa thế kỷ 11-15 và kinh đô của triều đại Tây Sơn thời Nguyễn Nhạc, còn lưu giữ vết tích của thành Hoàng Đế (thành Đồ Bàn).

Toàn cảnh thị xã An Nhơn. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Với nhiều lợi thế như hệ thống giao thông thuận lợi với đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 và đường sắt Bắc - Nam đi qua, An Nhơn trong những năm qua đã có những bước tiến đáng kể về hạ tầng giao thông từ đó tạo đà phát triển kinh tế. Đây cũng là địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.

Về kinh tế, trong 5 năm trở lại đây, An Nhơn có mức tăng trưởng bình quân hàng năm ấn tượng với con số trên 15%. Một trong những nguồn thu nhập đáng kể của người dân địa phương đến từ nghề trồng mai. An Nhơn là nơi khởi phát của ngành nghề truyền thống này và đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho 1.500 hộ dân với diện tích 145ha.

Năm 2021, nông dân An Nhơn thu lợi lớn từ cây mai với gần 80 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng từ 62,5% lên gần 88% trong 10 năm qua; thu ngân sách tăng từ 158 tỷ đồng/năm lên 1.022 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần, từ hơn 20 triệu đồng lên gần 60 triệu đồng/năm.

Làng nghề truyền thống nón lá Gò Găng lưu giữ nhiều vẻ đẹp văn hoá độc đáo của An Nhơn. (Ảnh: Đào Tiến Đạt)

An Nhơn còn nổi tiếng cả nước với văn hoá địa phương đa dạng và phong phú. Nhiều làng nghề độc đáo còn được bảo tồn và phát triển như: Làng nón lá Gò Găng, làng rượu Bàu Đá, bún song thằn, gỗ Nhơn Hậu, bánh tráng Trường Cửu… Đây cũng là cái nôi của các lò võ cổ truyền Bình Định như: An Thái, An Vinh…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top