Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp bàn phương án và chính sách khi di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phía Nam vào khu, cụm công nghiệp phía Bắc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng nhiều cụm, khu công nghiệp mới tạo mặt bằng để doanh nghiệp di dời xây dựng nhà máy.
Theo đó, Tỉnh định hướng bố trí 5% quỹ đất các KCN trong toàn tỉnh, khu công nghiệp Cây Trường ở huyện Bàu Bàng và cụm công nghiệp ở huyện Dầu Tiếng có diện tích 1.300 ha theo quy hoạch của tỉnh để bố trí di dời các nhà máy.
Bên cạnh đó là xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời. Các ngành chuyên môn đã đề xuất nhiều chính sách ưu đãi mới để hỗ trợ doanh nghiệp như chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng/nhà xưởng, cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới.
Đối với người lao động, sẽ được hỗ trợ trong thời gian ngừng sản xuất, chỉ trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải nghỉ việc do di dời. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nghề đối với công nhân tại địa điểm mới. Thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi người lao động. Ngoài ra, tỉnh còn tính đến chính sách đặc thù hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với người lao động bị ảnh hưởng.
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc di dời, chuyển đổi công năng của các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp phía Nam lên phía Bắc là định hướng lớn của tỉnh để xây dựng Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, đô thị thông minh. Đồng thời, việc di dời nhằm tái thiết lại các đô thị của tỉnh.
Ông Minh yêu cầu các đơn vị nghiên cứu xây dựng các giải pháp, công cụ khuyến khích doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng, thực hiện từng bước theo lộ trình và hỗ trợ là chính. Tập trung các nhóm giải pháp để hạn chế tối đa việc cưỡng chế di dời. Các sở ngành tham mưu sớm hoàn thiện chính sách di dời, xác định các khu vực di dời đến và xác định các tiêu chí di dời.
Được biết, chương trình di dời các nhà máy tại khu vực phía Nam do các nhà máy không đáp ứng về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và yêu cầu khác. Việc di dời còn nhằm chuyển đổi quỹ đất tại không gian phát triển mới cho các mô hình phát triển dịch vụ, cải tạo đô thị, phát triển nhà ở xã hội.
Lộ trình thực hiện dời các nhà máy ngoài khu dân cư vào trong khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, với mục tiêu dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư. Các cơ sở phải chuyển đi chủ yếu tập trung ở thành phố phía Nam của tỉnh gồm thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố Tân Uyên và thành phố Thủ Dầu Một./.