Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ đầu cầu Trụ sở Chính phủ đến 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT).
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, đại diện các Ban quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.
Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 05 dự án đường sắt, 02 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Trên tinh thần "bàn làm, không bàn lùi", tại Phiên họp, các Bộ, ngành, địa phương đã báo cáo, thảo luận kết quả thực hiện; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề xuất những giải pháp để thúc đẩy triển khai các dự án trong thời gian tới.
Trong đó tập trung vào các thủ tục đầu tư; việc cấp, khai thác mỏ vật liệu thông thường phục vụ các dự án theo cơ chế, chính sách đã được ban hành; vấn đề phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, năng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra và có công cụ để can thiệp, xử lý, khen thưởng kịp thời; tiến độ bàn giao mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; chuyển mục đích sử dụng rừng…
Bình Dương đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành… Trong đó dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương đang được tỉnh khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp. Dự án có tổng vốn đầu tư 19.280 tỷ đồng. Tổng diện tích đất thực hiện dự án khoảng 129 hecta, đến nay đã thực hiện thu hồi 113 hecta, đạt 88%. Công tác xây lắp giải ngân được gần 778 tỷ đồng.
Qua các buổi khảo sát, kiểm tra thực tế, ngày 12/3 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi và Chủ tịch Võ Văn Minh đã chủ trì buổi làm việc lắng nghe kiến nghị của các nhà thầu thi công dự án Vành đai 3 để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp và đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành dự án trước 3 tháng so với tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao (tháng 6/2026).
UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai dự án đường Vành đai 4 và đôn đốc các đơn vị bám sát tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đối với dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành, tỉnh đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau 09 cuộc họp của Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành và địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, xây lắp và nhân dân những nơi có dự án đi qua đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai tốt các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Các chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động tiếp tục nỗ lực tổ chức thi công với quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp", "làm việc xuyên lễ Tết, xuyên ngày nghỉ" để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đạt kết quả rất đáng khích lệ với tinh thần chung tay xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.
"Triển khai các dự án trọng điểm GTVT có ý nghĩa rất lớn, trước hết là thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, nhân dân vui mừng, phấn khởi, góp phần giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hiện nay, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án và cả nước theo trục Bắc Nam và trục Đông Tây" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu, các Bộ ngành, địa phương, các chủ thể liên quan phải nỗ lực đạt "6 điểm hơn": Đề cao trách nhiệm thực thi công vụ nhiều hơn; bảo đảm tiến độ thi công nhanh hơn, kịp thời hơn; chất lượng các dự án, công trình phải tốt hơn; kỹ thuật, mỹ thuật, công nghệ phải cao hơn, phù hợp hơn; các địa phương phải xử lý các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, các công trình kỹ thuật… cho các dự án nhanh hơn, hiệu quả hơn; làm tốt hơn việc xử lý môi trường, ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị tác động bởi các dự án./.