Aa

Bình yên trong con là mẹ

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Chủ Nhật, 14/05/2023 - 06:00

Nếu nói về một điều gì đó diệu kỳ bậc nhất cuộc sống này, không gì khác, đó là tình mẹ. Chúng ta có thể ví von, so sánh thật sinh động, song cách gì cũng chẳng thể nào viên mãn nhất cho tình cảm thiêng liêng này...

Có những điều tưởng chừng vô cùng gần gũi và giản dị, mà đôi khi ta phải trải qua một chặng đường dài và vòng vèo muôn nỗi mới chợt nhận ra. Trong cuộc đời này, bao nhiêu thứ có thể khiến ta vỡ òa vui sướng, hạnh phúc… từ những câu chuyện vật chất tới tinh thần, nhưng một thế giới bình yên, dịu hiền… có thể nào lại thiếu đi dáng hình của mẹ…

Tôi thường bắt đầu câu chuyện về mẹ mình bằng một đặc điểm cá nhân từ lâu đã tồn tại. Đó là, tôi có thể hời hợt, lãng quên ngay cả những điều vừa xảy ra, những lời ai đó vừa buột miệng, nhưng lại nhớ như in nhiều câu chuyện từ khi mình còn rất nhỏ, với những tình tiết thật giản đơn. Chẳng biết có nhiều người như tôi? Nhưng tôi tin rằng, hiện tượng ấy thường được chi phối phần nhiều bằng cảm xúc trong lòng mỗi con người. Dù gì, ta giàu sang hay nghèo khổ, thành công hay thất bại, vẫn chỉ có từng ấy thời gian trong một ngày, chỉ có một trái tim và một khối óc để ôm chứa tất cả… nên những gì đọng lại, dường như đều có lý do cho sự tồn tại bền bỉ ấy.

người mẹ
Một thế giới bình yên, dịu hiền… không thể nào lại thiếu đi dáng hình của mẹ. (Ảnh: Meta)

Ngày tôi còn nhỏ, mẹ đi cày đi cấy đồng xa, bao giờ trước khi đi cũng ôm tôi vào lòng, dỗ dành căn dặn. Mẹ bế tôi ra phía sau đồi, ngắt những búp lá non mướt mát, thơm dịu dàng đặt trong lòng tay nhỏ bé của tôi. Sau này, mỗi lần về nhà, tôi vẫn nhớ rõ những loài cây lá đó, đến mức mẹ tôi ngạc nhiên, ngờ vực, không thể tin câu chuyện lạ lùng. Trẻ quê thuở ấy không đồ chơi, không nhiều sự chi phối, hấp dẫn và cám dỗ như bây giờ, vẫn chỉ đánh chắt, chơi chuyền, nhảy dây, ô ăn quan… quanh đường làng ngõ xóm. Tôi lại là đứa trẻ gần như chẳng chơi trò gì. Tôi chờ đợi, mong ngóng mẹ. Cứ ngồi mãi bên thềm nhà ngóng mẹ, trời nắng quá cũng lo, gió giông thì khóc đến đỏ mắt. Trong nhà vẫn có bố, có mọi người, nhưng tôi chưa khi nào thôi ngóng mẹ. Khi nào thấy dáng mẹ gầy gò, đầu đội nón mê, tay cầm cái xà cạp đã thắt chặt hai đầu lúc lắc trên tay mới thở phào nhẹ nhõm.

Lam lũ, cơ cực… mẹ cũng chưa bao giờ quên mang quà về cho con. Khi thì đó là một xà cạp tay đầy muồm muỗm chờ bố tôi ngắt cánh, vặt càng, xiên từng xiên nướng trên lửa rơm thơm ngậy. Khi là chú ếch ộp kềnh càng, ưỡn cái bụng tròn căng chắc mẩy. Những mùa mẹ đi cấy thuê ở xã bên, có khi còn mang trong nón những búp sen thơm, những đài sen non hạt mới tượng hình nhỉnh hơn hạt thóc. Trong trái tim người mẹ luôn trọn vẹn hình bóng những đứa con, dù đời sống êm đềm hay khốn khó đến nhường nào. 

Tôi không sao quên được hình bóng mẹ những năm tháng tuổi thơ chật vật. Mẹ thức suốt đêm xê dịch xoong nồi, xô, chậu hứng nước mưa lênh láng khắp nhà. Mẹ trượt chân ngã khi đang ôm tôi, cằm còn nguyên vết sẹo dài nhưng lúc nào cũng chỉ nhắc về vết sẹo trên đầu tôi đã được tóc phủ kín. Mẹ vác đất, làm gạch, xây nhà… mạnh mẽ chẳng kém đàn ông, nhưng khi ngồi khâu vá lại thật dịu dàng điệu nghệ.

Từ khi còn nếp nhà tranh vách đất liêu xiêu cho tới bây giờ, xung quanh nhà tôi lúc nào cũng rực rỡ những hoa hồng, hoa cúc, thược dược… Làng chẳng có hoa thì mẹ xin hạt, xin cành về ươm những khi đi làm thuê ở vùng đất khác. Từng viên gạch nhặt nhạnh đâu về được đặt xiên xiên thành hàng rào răng cưa xinh xắn vây lấy những khóm hoa, những mầm chồi đầy sức sống. Tháng ba ngày tám, mùa giáp hạt, mẹ dạy tôi làm bánh từ khoai, sắn khô lấy trên gác bếp xuống, từ bao nhiêu loại lá, loại củ ở trên đồi, ở trong vườn… Cái đói cận kề, bữa ăn vẫn cần xôn xao sắc màu, hương vị. 

hình ảnh người mẹ
Trong trái tim người mẹ luôn trọn vẹn hình bóng những đứa con, dù đời sống êm đềm hay khốn khó đến nhường nào. (Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ)

Thuở ấy, gần như chỉ có hai nguồn cảm xúc đối lập tồn tại trong tôi. Đó là: Chờ đợi và đón nhận. Mãi tới sau này, đi học và lập nghiệp xa nhà, tôi mới thấm thía rằng, mình đã tạm xa rời một khoảng trời bình yên và êm đềm nhất. Biết vậy mà nhiều khi thật vô tâm, nông nổi. Mẹ gói ghém bánh quà gửi chuyến xe sớm nhất cho con, con đã được báo trước vẫn ngủ quên làm nhỡ việc. Mẹ không hỏi bao giờ về thì quanh năm tít mít học hành, vui chơi, bè bạn. Mẹ đau ốm, giọng ngập ngừng, con lại bị cuốn đi bởi bao nhiêu điều sục sôi, mới mẻ... Chỉ khi cuộc sống xảy ra một biến động gì, hình bóng mẹ lại ùa về đầy thấm thía. Tôi mở mắt ra sau cơn ngất lịm, sau cơn sốt liên miên, thấy mẹ đã ở bên, ngồi bên giường tầng ký túc xá với đôi mắt cạn khô. Tôi cảm thấy mình vô dụng, thất bại… đã thấy mẹ gọi điện giục về với món này hay lắm, việc kia thú vị lắm… 

Người ta thường nhủ nhau: Khi có con mới thấu lòng cha mẹ. Nhưng có lẽ nếu đi cho đến hết cuộc đời, nước mắt vẫn chảy xuôi, và chúng ta vẫn chỉ thấu hiểu những phần rất nhỏ. Tôi còn nhớ một kỷ niệm đặc biệt trong hành trình viết cuốn sách về các cựu chiến binh Trung đoàn 209. Trước câu hỏi, khi hạnh phúc nhất, bạn gọi tên ai, thì ngay đến cả những người lính, cùng chung lý tưởng, cùng chung trận địa cũng lại có nhiều cách bày tỏ khác nhau. Người gọi mẹ, người gọi cha, người lại là tên bạn gái, em gái…

Dù vậy, khi cận kề với cái chết, khi đối diện với những cơn đau của việc mất đi một phần cơ thể nơi chiến trường, tất cả họ chỉ gọi “mẹ”, “mẹ ơi!”. Thậm chí, có người cựu chiến binh mồ côi mẹ từ thuở lên ba, suốt tuổi thơ không có hình bóng mẹ, trong giây phút đau đớn nhất, từ trái tim và khối óc cũng bật ra tiếng gọi “mẹ ơi!”. Điều đó như muốn ta hiểu rằng, mẹ không chỉ là trải nghiệm của việc có hoặc không, mà đó là bản năng, là dòng sữa ngọt lành chảy suốt một cuộc đời, từ khi ta lọt lòng cho tới phút cuối cùng rời bỏ sự sống. 

Mỗi năm đôi lần về với mẹ, vẫn khu vườn xưa ngập tràn hoa lá, vẫn căn bếp ấm áp rộn ràng và sự chăm sóc ân cần… mà chợt nhận ra mẹ đã khác xưa. Tóc điểm bạc, sức khỏe yếu hơn, trí nhớ giảm sút… Ấy vậy mà mẹ sẵn sàng gánh vác mọi công việc cho con cái nơi phố thị: Trông nom nhà cửa, chăm sóc cháu nhỏ… rồi khi cảm thấy sự có mặt của mình không còn cần thiết nữa, mẹ lại về quê, lại sớm hôm tảo tần mưa nắng. Nếu nói về một điều gì đó diệu kỳ bậc nhất cuộc sống này, không gì khác, đó là tình mẹ. Chúng ta có thể ví von, so sánh thật sinh động, song cách gì cũng chẳng thể nào đầy đủ nhất, viên mãn nhất cho tình cảm thiêng liêng này.

Đất nước nghìn năm lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh và dựng xây Tổ quốc, cũng đánh dấu bao thăng trầm trong cuộc đời mỗi người mẹ yêu thương mà vĩ đại. Có những người mẹ buộc phải từ bỏ danh phận của mình. Có những người mẹ buộc phải chấm dứt sự sống của con để bảo vệ sự an nguy cho nhiều người vô tội khác. Có những người mẹ mỏi mòn chờ đợi con đi chinh chiến trở về… Bao nhiêu tượng đài, bao nhiêu cách lưu giữ, ghi danh… cũng không thấu được hết tấm lòng người mẹ. Xuyên suốt chiều dài văn hóa và lịch sử dân tộc, mẹ không chỉ vĩ đại trong lòng những đứa con, mà còn là hình tượng bất tử làm nên dáng hình, nên tâm hồn dân tộc. 

hình ảnh người mẹ
Tình mẹ là suối nguồn yêu thương và thức tỉnh một cách tự nhiên, nồng nàn và sâu thẳm nhất... (Ảnh minh họa: Meta)

Tôi từng ra quần đảo Trường Sa và có những hành trình suốt dọc dài đất nước để cúi đầu tưởng niệm những người con đã vĩnh viễn cùng tuổi thanh xuân nằm lại dưới cỏ xanh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Và tôi cũng chứng kiến trong đất liền, ở quê hương, bao người mẹ đã gạt nước mắt, đã nén nỗi lòng trĩu nặng buồn đau để đi đến quyết định nấm mộ con mình được kề bên đồng đội, được tiếp tục hành trình như một “cột mốc” bằng máu xương nơi biên cương, hải đảo. Để làm được điều đó, không chỉ tình yêu thương, mà còn là sự bao dung, nhân ái, hướng tới mọi người và tới đời sống này bằng đức hy sinh vô cùng cao cả. 

Ta có thể bị hấp dẫn, lôi cuốn trước bao điều long lanh, hấp dẫn… Ta cũng có thể lãng quên, vô tâm trước những giá trị cốt lõi đã nuôi nấng, đùm bọc mình… Nhưng sự bình yên từ tấm lòng vị tha của mẹ, sự ấm áp chở che của một mái nhà… có thể nảy sinh niềm cứu rỗi và thức tỉnh. Kỳ lạ ở chỗ, tình mẹ lớn lao còn có thể chi phối tới mọi con người mà không nhất thiết phải có sợi dây huyết thống. Ta gặp đâu đó trong cuộc sống này, những bà mẹ nghèo vẫn mở lòng cưu mang trẻ mồ côi; những con người từng gieo rắc tội ác ở bên kia chiến tuyến cảm thấy sụp đổ, ân hận khôn nguôi trước hình ảnh các Mẹ Việt Nam anh hùng cho tới phút cuối đời vẫn chong chong mở mắt chờ con trở về sau cuộc chiến… Tình mẹ là suối nguồn yêu thương và thức tỉnh một cách tự nhiên, nồng nàn và sâu thẳm nhất mà ngay cả khi mẹ không còn hiện diện thì tất cả những giá trị ấy càng neo đậu bền bỉ hơn, lan tỏa hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top