Aa

Nhẩn nha trà đá vỉa hè

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Ba, 14/03/2023 - 06:02

Quán nhỏ, chỉ đủ xếp dăm ba chiếc ghế con con, chiếc bàn có hộc để đựng nhiêu khê trà, nước, bánh kẹo, đồ lặt vặt mà một phần đã bày lên mặt bàn… là dáng dấp chung của những quán nước vỉa hè, đầu ngõ… nơi phố thị.

Đôi khi, hàng nước ở đấy, ta lướt qua không mấy để tâm, nhưng hễ vắng bóng một chút là trống vắng, là cảm thấy có gì thiếu thiếu, tẻ nhạt làm sao ấy…

“Cô ơi! Cô có báo!”; “Này chú, thế bạn chú vẫn có ý thuê nhà trong ngõ mình đấy chứ, để tôi còn dặn chủ nhà giữ chỗ?”, “Bé con, lại bà bảo, sao ăn mặc phong phanh thế, dự báo thời tiết nay nhiệt độ xuống thấp đấy”… Mới sáng ra quán đã xôn xao. Vẫn chỉ vài gương mặt quen ngồi uống trà sớm. Cụ ông với thói quen chưa ăn sáng đã uống trà, kéo mục kỉnh đọc báo. Anh đánh giầy ngồi sẵn đấy với gói xôi, chờ từng đợt người đi làm qua để tìm việc. Bác xe ôm nhẫn nại cũng một gói xôi còn nóng hổi… Nhưng đời sống của một quán trà không đơn giản là những gương mặt, mà những góc nhỏ tâm tư, tình cảm con người đã hiện hữu đầy chân thật nơi ấy. Và ta bất chợt nhận ra, cũng là quán trà, mà mỗi nơi một khác.

Ở những khu tập thể, bên trong sân hay đầu ngõ, thường sẽ có một quán trà. Hoặc là của người đã về hưu, hoặc người ngược xuôi chợ búa mãi, lại quay về mở quán. Quán trà thì đương nhiên là bán trà. Trà nóng, trà đá, đôi khi có cả chè xanh, nước vối, các loại nước giải khát, si-rô… và không thể thiếu kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, mấy loại bánh trái khô khô hợp với sự nhẩn nha.

trà đá
Đời sống của một quán trà không đơn giản là những gương mặt, mà những góc nhỏ tâm tư, tình cảm con người
đã hiện hữu đầy chân thật nơi ấy. (Ảnh: Zing)

Nhưng quán trà ở khu tập thể còn mang chức năng của một “cổng thông tin”. Khu dân cư cần thông báo gì, ngoài viết bảng tin, thể nào ông bà tổ trưởng cũng nhờ bà hàng nước loan tin, hoặc chí ít nhắc mọi người nhớ đọc bảng tin để kịp thời nắm bắt. Rồi âm ti củ tỉ bao nhiêu việc khác cần kết nối qua quán nước: Thuê nhà, mua nhà, nhận đồ shipper, chuyển thư, chuyển báo… Quán nước chả mấy chốc mà bộn bề những hàng hóa, sách báo, đồ đạc… Có bà bán hàng tâm huyết còn đặt hẳn một cái giá nho nhỏ để mọi người tiện xếp đồ lên đấy. Rồi thì cuối ngày, người lớn trẻ nhỏ sau ngày đi làm, đi học ùa về cổng khu, lại chào hỏi rộn ràng: “Bà ơi! Shipper có gửi đồ cho con không?”, “Bác ơi! Mấy món đồ quê mẹ cháu gửi họ chuyển bác chưa? Đây cháu biếu bác ít củ quả sạch vườn nhà ạ!”, “Bà ơi! Đồ chơi bố mua cho con về chỗ bà chưa ạ?”. Quán nước ồn ào nhưng cũng lề lối, đưa ai trước nhận trước, đưa ai sau nhận sau. Người bán hàng vừa giúp đỡ mọi người, cũng lại rất “quyền lực”. Bảo có là có. Bảo không là không. Và rồi kết thúc luôn là những lời cảm ơn rối rít, đôi khi thêm cả những món quà nho nhỏ được chia sẻ từ những túi, những gói bộn bề kia.

Ở vỉa hè, hàng nước lại một vẻ khác. Sự kết nối rộng mở hơn. Người tứ xứ dạt về mưu sinh thường chọn quán trà nghỉ ngơi, quan sát. Dường như không có sự gửi gắm, thân gần, mà quán hàng khi ấy như là nơi để người ta thả lỏng, trút xả bớt sự nhọc nhằn. Những tiếng thở dài, những lời than vãn, có cả reo vui - dù hiếm. Anh đánh giầy than ế khách. Bác xe ôm tưởng như không thở nổi sau cuốc xe đường dài. Chị bán bánh bỏng gương mặt như chảy ra vì chào hàng mãi chẳng ai mua. Không có lời an ủi, nhưng người bán hàng nhẹ nhàng đưa cốc nước, phe phẩy chiếc quạt giấy, cũng vơi bớt niềm trĩu nặng.

Mỗi mặt người mang theo số phận. Mỗi quán hàng đều chất chứa bâng khuâng. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Có những buổi bình minh vừa rạng, đi thể dục về, thấy bà hàng đang dọn dẹp, sắp xếp, ánh nắng chiếu xiên qua tán lá, hắt vào mái tóc bạc của bà, tôi thấy trước mắt mình cảnh tượng thật lung linh. Không còn là vẻ trần tục mỗi ngày, mà quán nước ấy, khi chưa ai ghé ngồi, khi bà bán hàng một mình một quán, nó mới nhẹ nhõm làm sao. Cổ tay bà đeo chiếc vòng ngọc lục bảo, mái tóc điểm bạc búi thật gọn gàng, chiếc áo cánh cổ tròn dìu dịu trong sự vừa vặn, trang nhã. Tôi nghĩ thầm, có thể những chuỗi ngày ký ức, bà từng là một tiểu thư khuê các chốn Hà thành, hoặc chí ít cũng là cô gái con nhà có điều kiện, được học hành, săn sóc, bảo ban. Khi hàng quán bắt đầu có khách, đôi khi bà cáu, bà bực, mắng mỏ… nhưng không xối xả, cạn lời như cái cách mà hàng nước ở bến tàu, bến xe trút xả.

Lại nói về hàng nước ở bến xe, khiến tôi nhớ đến câu Kiều: “Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Nhiều quán hàng tôi biết, không chỉ là bán nước mà kiêm “cò” các thể loại: Vé xe, cá độ, mua nhà, thuê trọ, bệnh viện… thông tin gì cũng biết. Chỉ một cuộc gọi là phía kia kết nối phía này, chi hoa hồng cho hàng nước, như đôi khi chưa chắc việc đã thành. Rồi cãi vã, đôi co, xô xát. Thấy bóng công quan là chạy tán loạn. Đêm về, khi những chuyến xe cuối cùng rời bến, tưởng như quán hàng sẽ rút hết về đâu đó nghỉ ngơi, nhưng không hẳn, mọi thứ vẫn nguyên đó, dật dờ, bã bời. Người úp chiếc nón lên đầu ngủ gục. Người ngoẹo cổ một bên. Người ngửa mặt lên trời, nhắm mắt. Bấy giờ, chân dung mỗi con người hiện lên rõ nhất. Có vẻ lành hiền cục mịch. Có vẻ lận đận, đắng cay. Có vẻ cùng đường, bí bách. Rồi chợt thấy ai cũng tồi tội, thương thương. Cái nghề mưu sinh bến bãi, đôi khi không xù lông nhím không được, mà nổi cơn tam bành cũng đồng nghĩa với việc mình đã chẳng là mình. Bao nhiêu người trong số họ, quên mất mình là ai?

Nhẩn nha trà đá vỉa hè, dư vị cuộc sống thấm vào ta một cách tự nhiên nhất. (Ảnh: Vietnamnet)

Mỗi mặt người mang theo số phận. Mỗi quán hàng đều chất chứa bâng khuâng. Thế nên, có những buổi sáng đi làm, hàng nước đóng cửa, thấy dào lên một niềm trống vắng. Không hẳn bởi thiếu người nhờ vả việc vặt hay nghe ngóng thông tin, mà cơ bản nhất có lẽ bởi thanh âm, màu sắc vốn dĩ của đời sống đã trở nên thưa vắng. Ta vun đắp cho những vẻ đẹp lấp lánh, long lanh, sáng láng… nhưng cũng được cân bằng bởi những nét thô mộc, bộn bề, đôi phần nhiễu loạn. Không có nó, không ra đời sống. Quán hàng, có nhiêu khê đến đâu, ta vẫn không thể khước từ những giá trị - đôi khi là vô hình - mà nó mang lại. Ngay đến cả những làng quê, nhà ai cũng có ấm nước chè, phong kẹo lạc, mà đầu làng, bên một gốc đa to, hoặc cạnh bến đò, thể nào cũng có một quán nước. Nếu để mưu sinh, người ta có thể chọn nhiều cách, quán hàng bán được bao nhiêu vậy mà vẫn cứ túc tắc, ngồi từ sáng tới chiều. Chỉ khi không có quán, người ta mới không có nhu cầu, còn quán đã mọc lên, thể nào khắp nơi cũng tụ lại. Người đi làm đồng mồ hôi nhễ nhại, cày còn vác trên vai, vẫn đứng lại làm cốc chè xanh cho mát lòng mát dạ. Người đi chợ đường xa, còn đoạn đường ngắn nữa là tới nhà, vẫn cứ nghỉ chân quán nước, cho khuây khỏa bao căn cơ, bực dọc chợ búa rồi mới về. Rồi thì người đợi đò, người đón khách, chờ xe lên tỉnh… Bao nhiêu câu chuyện, góc khuất của làng quê tụ hết về đấy. Cây đa thì uy nghiêm linh thiêng, bến đò thênh thang gợi thương gợi nhớ, còn quán nước lúc rủ rỉ khi xôn xao tiếng người trò chuyện, là hồn vía cuộc đời.

Nhẩn nha trà đá vỉa hè, dư vị cuộc sống thấm vào ta một cách tự nhiên nhất. Ta dễ mở lòng hơn, hiểu cho nhau hơn và trào dâng niềm bao dung trước buồn đau, hạnh phúc. Bao câu chuyện của một thời xa vắng, của đời sống hôm nay, của cả sự tưởng tượng về mai này mà chưa ai biết… cứ vang lên, như thể nó đang xảy ra trước mắt, bên chén trà này, chiếc ghế này… khiến cho mọi thứ trở nên sống động. Lại cũng có lúc, cảm tưởng người bán hàng và những món đồ nhỏ bé, cũ càng, tạp nham của họ mờ nhòe đi, như tan vào đâu đó xa xăm. Rất nhiều cảm xúc đồng hiện chỉ trong một quán hàng chật hẹp, nhỏ bé. Ấy cũng là nguyên do mà nhiều người “nghiện” ngồi quán trà đá. Từ ông giám đốc bảnh bao cặp da bóng loáng, cho tới những người buôn thúng bán mẹt lấm láp mưu sinh. Ngồi xuống, gọi một chén trà, ai cũng như ai, nói cười rổn rảng. Có thể, đó là một phần mơ ước giản đơn nhưng lạ thay con người lại chỉ làm được trong một vài khoảnh khắc của ngày…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top