Aa

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thay đổi phương án triển khai xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM

Thứ Sáu, 27/09/2024 - 13:29

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, UBND TP.HCM về việc nghiên cứu phương án triển khai đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thay đổi phương án triển khai xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM- Ảnh 1.

Sơ đồ tuyến Vành đai 4 TP.HCM (màu vàng) đi qua 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ với tổng chiều dài 207 km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 106.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM thuộc danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Phương án triển khai đầu tư dự án đã được các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất và Thủ tướng Chính phủ quyết định giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 TP.HCM (gồm 5 dự án thành phần tương ứng với 5 địa phương: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An), trong đó TP.HCM được giao là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần, Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, đồng thời có trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến.

Đến nay, các địa phương đều đã tổ chức lập và cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần; riêng đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn đã được HĐND tỉnh Bình Dương phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) và dự kiến sẽ phê duyệt đầu tư dự án tháng 9/2024.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM tại văn bản số 5100/UBND-DA ngày 31/8/2024, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND các tỉnh liên quan (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An) về tình hình triển khai dự án và nhận diện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện gồm:

Dự án có quy mô đầu tư lớn (chiều dài toàn tuyến 207 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 128.063 tỷ đồng). Nguồn vốn nhà nước lớn trong khi ngân sách các tỉnh đang khó khăn, khó cân đối, bố trí tham gia; cần một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện. Đồng thời, tại cuộc họp này lãnh đạo Bộ KH&ĐT và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã thống nhất một số nội dung để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Trên cơ sở kết quả cuộc họp, UBND TP.HCM đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 3 nội dung: Chấp thuận chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể dự án và nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án; Giao UBND TP.HCM chủ trì hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt (trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2024); Giao Bộ KH&ĐT chủ trì tổ chức thẩm định, tham mưu Thủ tướng Chính phủ cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đề xuất ghép thành một dự án tổng thể

Theo Bộ GTVT, đường Vành đai 4 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tính kết nối giao thông liên vùng rất lớn. Theo Quy hoạch, đường Vành đai 4 TP.HCM được đầu tư trước năm 2030.

Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị đã xác định đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 TP.HCM. Tại văn bản số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai theo các dự án thành phần nhưng việc triển khai dự án hiện nay còn có khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ.

Bộ GTVT thống nhất việc nghiên cứu các phương án triển khai để lựa chọn phương án tối ưu và kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ dự án.

Cụ thể, về phương án triển khai và tổ chức thực hiện, Bộ GTVT cho biết, phương án triển khai đề xuất là ghép 5 dự án thành phần qua 5 địa phương thành 1 dự án tổng thể để trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư có khác với phương án triển khai đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021 nên kiến nghị Bộ KH&ĐT phối hợp UBND TP.HCM và các địa phương liên quan bổ sung thêm thông tin rõ hơn về ưu điểm, tính khả thi triển khai thực hiện dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Với phương án triển khai ghép chung thành 1 dự án tổng thể thì việc giao UBND TP.HCM chủ trì hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là phù hợp, tương tự nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 6032/VPCP-CN ngày 7/8/2023 của Văn phòng Chính phủ và tương tự khi tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đầu tư đường Vành đai 4 TP. Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM.

Về tiến độ trình chủ trương đầu tư, Bộ GTVT thống nhất cần đẩy nhanh tiến độ dự án với mục tiêu trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10/2024, đề nghị UBND TP.HCM cùng UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cần phải tập trung tối đa nguồn lực để triển khai mới có thể đáp ứng tiến độ này.

Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT phối hợp UBND TP.HCM và các địa phương liên quan rà soát, xây dựng lại kế hoạch triển khai, trong đó cần tham khảo thêm tiến độ thực tế triển khai các dự án trong thời gian vừa qua và thời gian thực hiện thủ tục thẩm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Đầu tư công để chuẩn xác tiến độ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm có tính khả thi và phù hợp thực tế.

Về việc tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tại Văn bản 5100/UBND-DA ngày 31/8/2024, UBND TP.HCM kiến nghị giao Bộ KH&ĐT chủ trì tham mưu tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong khi phương án triển khai kiến nghị là ghép thành 01 dự án tổng thể (quy mô dự án quan trọng quốc gia) là chưa phù hợp quy định tại Điều 19 Luật Đầu tư công. Trong trường hợp này, kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm Chủ tịch để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định.

Liên quan đến việc bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương, Bộ GTVT cho biết, đây là dự án có kinh phí đầu tư rất lớn (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 128.063 tỷ đồng) nên việc kết hợp ngân sách trung ương cùng ngân sách địa phương để triển khai đầu tư dự án là cần thiết, đặc biệt trong điều kiện ngân sách một số địa phương có dự án đi qua còn có khó khăn.

"Bộ GTVT thống nhất kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia dự án với tỷ lệ phù hợp và khả năng cân đối nguồn lực, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2024", Bộ GTVT nêu rõ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top