Một trong những vấn đề nổi bật được giải trình tại báo cáo này là suất đầu tư dự án cao tốc.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, tại điều 134 Luật Xây dựng hiện hành quy định: “Trường hợp phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng thì việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư theo thiết kế sơ bộ là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng”.
Mặt khác, pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng quy định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện; có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án, đặc biệt là yếu tố biến động giá của một số vật liệu chủ yếu như vật liệu đắp, thép xây dựng, xăng dầu.
“Căn cứ phương án thiết kế sơ bộ, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đã được tính toán trên cơ sở suất vốn đầu tư xây dựng, dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện (đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đang triển khai)”, Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt giai đoạn 2017 - 2020, 4 dự án thành phần đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có suất đầu tư bình quân 190 tỷ đồng/km. Còn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 - 2025, các dự án thành phần trên đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang có suất đầu tư bình quân 194 tỷ đồng/km.
Đồng thời, báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt thì đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ có suất đầu tư bình quân 210 tỷ đồng/km. Còn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau có suất đầu tư bình quân 253 tỷ đồng/km.
“Mặc dù đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau có đặc điểm địa chất tương đồng, song số lượng các công trình cầu trên đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ chỉ chiếm 4,4% chiều dài, thấp hơn nhiều so với 9,2% chiều dài tuyến trên đoạn Cần Thơ - Hậu Giang”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, theo quy định của pháp luật thì sơ bộ tổng mức đầu tư trong bước nghiên cứu tiền khả thi là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng, xây dựng kế hoạch vốn; tổng mức đầu tư được phê duyệt trong bước nghiên cứu khả thi làm cơ sở để bố trí vốn. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, quy định về mức độ chính xác đối với tổng mức đầu tư cũng khác nhau nên việc so sánh như trên (giữa bước nghiên cứu tiền khả thi so với bước nghiên cứu khả thi) chỉ mang tính chất tương đối.
Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) thông tin thêm, sơ bộ tổng mức đầu tư bước nghiên cứu tiền khả thi mang tính đường bao để bảo đảm tổng mức đầu tư bước nghiên cứu khả thi không bị vượt, không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án được xác định theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đáp ứng độ tin cậy trong bước nghiên cứu tiền khả thi.
Bộ Giao thông vận tải cho hay, bước tiếp theo Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tổ chức khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất, thủy văn, điều kiện cung cấp vật liệu xây dựng trên cơ sở khối lượng theo thiết kế cơ sở, đơn giá, định mức, các chính sách của nhà nước. Qua đó, làm cơ sở xây dựng tổng mức đầu tư bảo đảm chặt chẽ theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để bố trí vốn đầu tư.
Liên quan đến báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Chính phủ và rất mong muốn có sự đồng hành, phối hợp của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong các bước tiếp theo (bước nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật) nhằm đảm bảo chuẩn xác tổng mức đầu tư để làm cơ sở bố trí vốn sát với nhu cầu và chuẩn xác dự toán xây dựng công trình nhằm xây dựng giá gói thầu lựa chọn nhà thầu thi công, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Trước đó, báo cáo Quốc hội về dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư bình quân cho mỗi km là 175,4 tỷ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng).
Tuy nhiên, kiểm toán một số dự án đường cao tốc có quy mô tương tự (4 làn xe) như dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 và căn cứ Thông tư liên quan, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 130.605 tỷ đồng, bình quân 152,9 tỷ đồng/km (không bao gồm giải phóng mặt bằng).
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư, tham khảo số liệu tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất Quốc hội đầu tư thêm 729km đường bộ cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức đầu tư công. Theo đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được chia thành 12 dự án thành, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng. Bình quân suất đầu tư hơn 175 tỷ đồng/km (chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Về chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án này là hơn 19.000 tỷ đồng (trong đó đã dự trù chi phí trồng rừng thay thế, hỗ trợ chuyển đổi đất lúa hai vụ... theo quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp.