Aa

Bộ ngành... cố thủ đất vàng?

Chủ Nhật, 01/07/2018 - 15:31

Một lần nữa Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành lên lộ trình và biện pháp di dời trụ sở. Đồng thời xây dựng ngay khung chế tài đặc biệt xử lý các bộ ngành... cố thủ đất vàng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, chủ trương di dời trụ sở các Bộ ngành có từ năm 1997, nhưng đến nay – sau gần 20 năm mới chỉ có 10 cơ quan được đầu tư xây dựng trụ sở mới tại quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy. Tuy nhiên, điều nghịch lý là Hà Nội chưa được bàn giao lại mét đất nào, mặc dù theo quy định cơ quan được đầu tư xây dựng trụ sở mới phải bàn giao lại trụ sở cũ. Đặc biệt, trong báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông, UBND TP Hà Nội cho biết, việc di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, giáo dục ra ngoài khu vực nội đô đã được định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đồng thời đã được luật hóa tại Điều 9, 15 Luật Thủ đô. 

Cố thủ...

Là một trong những bộ ngành chuyển trụ sở khá sớm ra khu liên cơ Cầu Giấy nhưng đến nay vẫn giữ nguyên khu đất trụ sở cũ ở 83 Nguyễn Chí Thanh. Lý giải việc này, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà phân tích, tính theo quy định về tiêu chuẩn nơi làm việc cứ 1 người được 5 m2 thì ngay trụ sở chính của Bộ TNMT mới được xây dựng đã quá tải khoảng 40%. Bộ TNMT có 8 lĩnh vực quản lý: đất đai, môi trường, khoáng sản... với hơn 10.000 cán bộ, nhân viên. Trong khi đó, trụ sở tại số 10 Tôn Thất Thuyết được quy hoạch xây dựng cho khoảng 800 người thì nay đã có hơn 1.200 người được bố trí làm việc tại đây. “Bộ TNMT còn rất nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp nằm rải rác khắp nơi. Trong đó, trụ sở ở 83 Nguyễn Chí Thanh là nơi làm việc của lượng cán bộ, nhân viên rất lớn”, ông Hà cho biết.

Tuy nhiên, theo phân tích của Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản lâu năm ở Hà Nội thì lý do chính khiến các bộ ngành muốn ôm đất vàng vì giá trị của những khu đất này quá lớn.

Dẫn chứng trường hợp trụ sở cũ của Bộ Khoa học và Công nghệ tại 39 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) mặc dù đã chuyển về trụ sở mới tại 113 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), với diện tích rộng 1,8ha gấp tới 12 lần và số tầng cũng cao gấp 3 lần so với chỗ cũ nhưng bộ này vẫn chưa chịu trả lại trụ sở cũ.

Hai trong số 10 bộ ngành đã đi dời trụ sở ra Khu liên cơ Cầu Giấy, Hà Nội

Hai trong số 10 bộ ngành đã đi dời trụ sở ra Khu liên cơ Cầu Giấy, Hà Nội

Lấy trường hợp này để phân tích, vị Giám đốc này cho hay, theo khung giá đất hiện hành áp dụng từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2019 do UBND TP Hà Nội ban hành thì khu đất tại trụ sở cũ trên đường Trần Hưng Đạo tính theo giá đất thương mại dịch vụ VT1 (có ít nhất một mặt giáp với đường, phố ) sẽ có giá hơn 52 triệu đồng/m2. Như vậy, tính sơ sơ lô đất của Bộ Khoa học và Công nghệ rộng khoảng 1500m2 nếu đầu giá bán có thể thu khoảng gần 80 tỷ đồng. 

Thậm chí theo một số nhà đầu tư bất động sản đã nghiên cứu và cho biết những vị trí đất vàng trên tuyến đường Trần Hưng Đạo có thể bán với mức giá cao nhất trong khoảng 700 – 800 triệu đồng mỗi m2 (tùy theo vị trí và diện tích của từng khu đất). Ngược lại, giá đất thương mại dịch vụ VT1 tại Trần Duy Hưng lại chỉ chưa đến 29 triệu đồng/m2.

Tránh trục lợi tài sản

Hiện Bộ Xây dựng đang hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở13 bộ ngành sau khi di dời. Theo đó, có 2 phương án để các bộ ngành lựa chọn. Một là,Chính phủ đầu tư xây dựng toàn bộ các trụ sở xong giao các bộ ngành khai thác sử dụng. Các bộ ngành bàn giao lại toàn bộ cơ sở trong nội thành để quản lý, khai thác sử dụng chung. Hai là,Chính phủ giao các bộ ngành chủ động xây dựng trụ sở của bộ ngành trên các ô đất được phân chia theo quy hoạch được duyệt. 

Các chuyên gia cho rằng, hơn lúc nào hết việc di dời trụ sở bộ ngành cần một ông chủ quản về ngành là Bộ xây dựng để thừa ủy quyền của Chính phủ lo mọi việc, một ông “thổ công thổ địa” là thành phố để quản lý. Hà Nội phải rành mạch giữa chỗ cũ chỗ mới, chỗ cũ không giải quyết xong thì nhất định sẽ không cấp đất cho chỗ mới.

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất, khu đất trụ sở sau khi bàn giao nên giao cho một cơ quan độc lập tổ chức bán đấu giá theo cơ chế thị trường một cách công bằng, tránh thất thu. Khi đó, UBND TP. Hà Nội chỉ giữ vai trò là người giám sát. Các cơ quan được ủy quyền có thể là một doanh nghiệp bán đấu giá, hoặc một tổ chức độc lập. Khi có cơ quan độc lập tổ chức bán đấu giá sẽ tránh được tiêu cực, cũng như những vấn đề phức tạp có thể xảy ra khi bán đấu giá.

Để tránh lặp lại một làn sóng trục lợi tài sản Nhà nước như việc cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian vừa qua, TS Liêm kiến nghị việc định giá tài sản, đất đai, trụ sở làm việc, cần thực hiện chuẩn theo các quy định pháp luật về thẩm định giá đất, quy định tại Luật Đất đai 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, cần tuân thủ nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 112 Luật Đất đai, Điều 4, Điều 5 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT. Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia hoạt động đấu giá, đổi đất lấy hạ tầng hay bán trực tiếp trụ sở cơ quan Nhà nước... phải là những người vừa có tâm vừa có tầm.

Bởi trên thực tế, theo ông Liêm thời gian vừa qua nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất được di dời khỏi nội đô nhưng thay vì sử dụng cho mục đích công cộng thì đã cài cắm ngay chung cư, cao ốc. Đơn cử như Nhà máy bánh kẹo Tràng An di dời, ngay lập tức mọc lên Tràng An Comples, di dời Nhà máy dệt Minh Khai (Q.Hoàng Mai) thì mọc ngay dự án tổ hợp chung cư Imperia Sky Garden, hay di dời Nhà máy dệt Mùa Đông (Q.Thanh Xuân) cũng ngay lập tức có dự án chung cư cao cấp 47 Nguyễn Tuân vào trám chỗ… 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cũng kiến nghị cần xây dựng cơ chế đặc biệt để trói trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể là Bộ trưởng Bộ ngành không chịu trả lại trụ sở cũ. “Bất kỳ vụ việc gì xảy ra thì người đứng đầu bộ phải chịu trách nhiệm vì pháp luật đã quy định rất rõ quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng” – ông Hoàng cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top