Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị Định 20 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết gửi các thành viên Chính phủ.
Theo đó, đa số thành viên Chính phủ chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018; cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm. Ngày 27/3/2020, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo đúng quy định.
Trong thời điểm dịch covid -19 đang diễn biến ngày càng phức tạp thì việc đa số thành viên Chính phủ đồng ý cho hồi tố khoản thuế liên quan đến trần lãi vay năm 2017, 2018 khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20 đã thắp lên hy vọng và tiếp thêm “sức đề kháng” cho các doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Tưởng chừng như câu chuyện đã đi đến ngọn ngành, vấn đề đã được giải quyết, doanh nghiệp có thể thở phào nhưng mới đây Bộ Tài chính lại tiếp tục bảo lưu quan điểm không hồi tố tại văn bản trình Thủ tướng về việc tổng hợp, giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo sửa đổi khoản 3, điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Đáng nói, sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Tư pháp và phản biện của các chuyên gia kinh tế, tài chính, pháp luật, Bộ Tài chính đã không tiếp thu mà một lần nữa vẫn sử dụng những luận điểm thiếu thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình. Đây là lần thứ 4 Bộ Tài chính lặp lại các lý do này (Công văn xin ý kiến Bộ Tư pháp ngày 12/3/2020; Giải trình gửi Thủ tướng ngày 13/3/2020; Tờ trình gửi Thủ tướng ngày 20/3/2020; Giải trình gửi Thủ tướng ngày 30/3/2020 sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ).
Các luận điểm mà Bộ Tài chính cơ bản như sau: Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội nên cần cân nhắc việc hồi tố. Thứ 2, về mặt bằng chính sách quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 hiện hành có khác so với mặt bằng dự thảo Nghị định nên có thể trường hợp số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thấp hơn số bồi hoàn. Thứ ba, “chưa có nguồn thanh toán” cho tổng kinh phí phải hoàn trả là 4.875 tỷ đồng (2.067 tỷ đồng năm 2017 và 2.808 tỷ đồng năm 2018) và việc áp dụng hồi tố sẽ phát sinh tiêu cực, tạo sự phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, quản lý cán bộ của ngành thuế.
Một lần nữa khẳng định rằng những giải trình nói trên của Bộ Tài chính là không thuyết phục, ngược lại, hoàn toàn có căn cứ pháp lý để áp dụng hồi tố đối với Nghị định sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20. Tại văn bản góp ý của Bộ Tư pháp trước đó, cơ quan này cũng cho rằng, việc hồi tố không có vướng mắc về mặt pháp lý.
Thứ nhất, “khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản năm 2015 về hiệu lực trở về trước của văn bản pháp luật quy định: "Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước".
Rõ ràng, ngay từ thời điểm ban hành Nghị định 20 đã thể hiện sự bất cập, không phù hợp và thực tế, gần 3 năm có hiệu lực, đã khiến không ít doanh nghiệp lao tâm khổ tứ khi phải nộp oan nhiều tỷ đồng tiền thuế, thậm chí nhiều doanh nghiệp lỗ mà vẫn phải nộp thuế.
Hầu hết các doanh nghiệp đều đang mong mỏi ngành thuế có sự sửa đổi quyết liệt hơn để tháo gỡ hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế đang bị treo từ năm 2017 đến nay và cộng đồng doanh nghiệp còn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do thủ tục hành chính và dịch bệnh.
Như vậy, việc cho phép hồi tố khi sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 rõ ràng là cần thiết để "thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân". Mà các chủ thể "tổ chức, cá nhân" ở đây lại là các doanh nghiệp lớn đang tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn, hàng triệu người lao động, trong đó các doanh nghiệp bất động sản lại liên đới đến rất nhiều ngành nghề khác nên rõ ràng sự tồn vong của họ ảnh hưởng lớn đến "lợi ích chung của xã hội". Vậy Bộ Tài chính dựa vào đâu để khẳng định đây "không phải là lợi ích chung của xã hội" nên không hồi tố?
Thứ hai, Bộ Tài chính đang lo ngân sách sẽ bị hụt thu, một khi tiền thuế đã vào ngân sách thì khó để “lấy ra” mà bồi hoàn cho doanh nghiệp.
Rõ ràng lo lắng này của Bộ Tài chính đang xuất phát từ nguyên tắc chống xói mòn thuế mà lại quên đi nguyên tắc "nuôi dưỡng nguồn thu". Nếu áp dụng một văn bản pháp luật sai, thu sai lượng lớn tiền thuế của doanh nghiệp mà không chịu sửa, tức là đang "vắt kiệt" sức của doanh nghiệp, thực tế nhiều doanh nghiệp đã bị dồn vào đường cùng khi chỉ nhìn thấy lỗ chồng lỗ mà không có lãi (lỗ mà vẫn phải nộp thuế là không phản ánh đúng bản chất của việc thu thuế). Trong khi doanh nghiệp có "khỏe", kinh doanh có lãi nhiều thì ngành thuế mới thu được nhiều tiền, phục vụ ngân sách. Ngược lại, nếu không được giải cứu, một số doanh nghiệp có thể thua lỗ kéo dài sẽ cắt mất nguồn thu thuế lâu dài cho ngân sách.
Thứ ba, về lý giải “chưa có nguồn thanh toán” cho tổng kinh phí phải hoàn trả là 4.875 tỷ đồng. Rõ ràng, doanh nghiệp mong được hồi tố để chắc chắn không mất đi một khoản chi phí lớn chứ không mong được trả ngay một lần, mà có thể khấu trừ dần vào các kỳ tính thuế tiếp theo.
Như vậy, vừa không gây khó khăn do việc phải điều chỉnh lại ngân sách 2020 mà Quốc hội đã phê duyệt, vừa giãn được thời gian hoàn trả để không ảnh hưởng đến nguồn thu của ngành thuế, không ảnh hưởng đến quyết toán ngân sách Nhà nước các năm 2017, 2018 nên không cần phải bố trí thêm nguồn thanh toán.
Luật hiện cho phép nếu doanh nghiệp có số tiền thuế đi nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo nên Bộ Tài chính có lẽ không cần lo ngại về vấn đề này.
Cuối cùng, việc bồi hoàn cho doanh nghiệp có thể gây khó khăn, vất vả cho Bộ Tài chính trong quá trình triển khai khi phải rà soát, tính toán lại nhưng đây là vấn đề thuộc về năng lực, nghiệp vụ của các chuyên viên ngành thuế, không thể lấy nó làm cái cớ để không thực hiện. Không lẽ Bộ Tài chính “ngại khó”, “sợ phức tạp” mà bỏ mặc lợi ích của doanh nghiệp?
Việc sửa đổi Nghị định 20 trong đó có cho phép hồi tố là vấn đề có tính cấp thiết, ảnh hưởng đến năng lực kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản và sức khỏe của ngành tài chính trong thời gian tới nên thiết nghĩ Bộ Tài chính cần xem xét lại, không thể "tham bát bỏ mâm", vì cái an nhàn trước mắt mà gây ra hệ lụy về sau.
Mặt khác, nếu đã chấp nhận Nghị định sửa đổi sẽ có hiệu lực cho kỳ tính thuế năm 2019 thì không có lý do gì để không hồi tố về các kỳ tính thuế trước đó khi doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh kê khai và đóng thuế theo một văn bản pháp luật đầy bất cập.
Việc sửa đổi Nghị định nhằm mục đích khắc phục thiếu sót việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những hậu quả mà quá trình thi hành đã gây ra cho doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Do đó, việc sửa đổi lần này phải có hiệu quả và phải thực sự sẽ trở thành biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, không thể tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào tình thế khốn cùng. Bởi với số tiền thuế đã nộp cho các năm trước được hoàn về hoặc bù trừ nếu áp dụng hồi tố, doanh nghiệp sẽ giảm bớt những gánh nặng về tài chính đang gặp phải. Đây là điều các doanh nghiệp bất động sản rất mong mỏi, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh như hiện tại.
Thực tế, trong tờ trình đầu tiên, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất cho hồi tố đối với năm 2017 và 2018 để gỡ khó cho doanh nghiệp và nuôi dưỡng nguồn thu nhưng không hiểu vì lý do gì, Bộ lại bỏ điều khoản này ra khỏi Dự thảo Nghị định và “kiên định” với quan điểm không hồi tố, gần như bỏ ngoài tai các ý kiến đóng góp của giới chuyên gia và các bên liên quan.
Bộ Tài chính cần có góc nhìn khách quan và sáng suốt, không nên lảng tránh, chần chừ. Cần tiếp thu và tôn trọng ý kiến đồng thuận của các thành viên Chính phủ, Bộ Tư pháp và các chuyên gia trong ngành tài chính. Việc sửa đổi là rất cấp thiết khi đến nay đã quá thời hạn quyết toán thuế của năm 2019 (31/3/2020).
Sự sống còn của doanh nghiệp đang phụ thuộc vào quyết định linh hoạt, quyết liệt và kịp thời của Bộ Tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực thi pháp luật trong thực tiễn. Một khi đã sửa thì phải sửa triệt để, không thể nửa vời. Đừng để “sự đã rồi” dẫn đến hậu quả không còn cơ hội để sửa.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính quốc tế nhận định:
"Nếu cơ quan quản lý Nhà nước đã nhận ra mức chi phí lãi vay đưa ra trước đó (20%) là chưa hợp lý thì việc sửa là đương nhiên. Thế nhưng đã sửa thì sửa tận gốc, triệt để tức là phải có hồi tố. Việc khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm giúp ngân sách không cần phải thu xếp ngay một khoản tiền lớn nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Việc hồi tố khoản thuế đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang đẩy rất nhiều doanh nghiệp vào khó khăn, thậm chí không ít doanh nghiệp lớn cũng lâm vào tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Nghị định 20 được sửa đổi và khoản tiền gần 5000 tỷ sẽ là nguồn hỗ trợ quý báu cho các doanh nghiệp".