Báo cáo tại cuộc họp, các đơn vị Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách để làm căn cứ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL đất đai. Từ kết quả xây dựng CSDL đất đai, nhiều địa phương đã từng bước đưa CSDL làm công cụ và nền tảng cho công tác quản lý đất đai, việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cho người dân và doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực.
Phát biểu tham gia xây dựng ý kiến tại cuộc họp, các đơn vị nhận định, mặc dù, việc xây dựng CSDL đất đai đã đạt các kết quả, nhưng đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ theo yêu cầu do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng CSDL đất đai ở một số địa phương còn hạn chế, nhiều nơi chưa ý thức được vai trò tích cực và hữu hiệu của hệ thống thông tin, CSDL đất đai đối với công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các địa phương sử dụng hệ thống phần mềm không đồng nhất, cũng như thủ tục đấu thầu lựa chọn thuê phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin kèm theo đang gặp khó khăn về bố trí kinh phí (khoảng 600 triệu đồng/năm/huyện)…
Ngoài ra, hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, có nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng CSDL; Trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành CSDL đất đai ở trung ương và địa phương hiện nay còn hạn chế; Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ về an toàn, bảo mật - thông tin của các bộ, ngành và địa phương chưa thống nhất gây khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin khác…
Các đơn vị chuyên môn kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ điều chỉnh thiết kế hệ thống theo Luật Đất đai (sửa đổi) và phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, dữ liệu là gốc, quan trọng nhất, vì vậy các đơn vị quản lý dữ liệu cần bảo đảm “làm sạch”, chuẩn hóa để tích hợp, vận hành trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đáp ứng “Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy..” được quy định trong Luật Giao dịch điện tử 2023.
Trước những khó khăn cũng như đề xuất của các cơ quan chuyên môn, kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất rằng, trong quá trình thực hiện, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia đất đai đã có nhiều phát sinh từ thực tiễn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang phát triển như hiện nay cần tiếp cận nhanh chóng với tri thức và công nghệ mới nhất của thời đại để hệ thống thông tin, CSDL đất đai là công cụ để thực hiện công tác quản trị đất đai hiệu quả, giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất và cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Do đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện CSDL đất đai Quốc gia, Bộ trưởng đề nghị xây dựng một “Đề án xây dựng, vận hành, lưu giữ, khai thác, sử dụng CSDL đất đai” (Đề án). Từ Đề án sẽ có sự tổng kết, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương về thực trạng sử dụng, vận hành CSDL đất đai trong thời gian qua; Đề án cũng đưa ra quan điểm, mục tiêu, yêu cầu trong bối cảnh xu thế của thế giới sắp tới, cũng như thực trạng hiện nay; Đề án cũng phải chỉ ra được các quy trình, quy định kiến trúc tổng thể liên quan đến phần cứng, phần mềm, lưu trữ, vận hành, cập nhật dữ liệu, an ninh thông tin, cơ chế tài chính trong việc xây dựng, vận hành, lưu giữ, khai thác, sử dụng CSDL đất đai; từ đó chỉ ra nhiệm vụ của các cơ quan bộ, ngành, trách nhiệm và nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các địa phương.
Để bổ sung và hoàn thiện hơn cho Đề án này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu Tài nguyên và Môi trường cần có sự nghiên cứu, tham khảo các đối tác quốc tế để có sự phân tích đánh giá toàn diện, đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp, đảm bảo khi hoàn thành hệ thống CSDL đất đai sẽ đảm bảo được nghiệp vụ quản lý đất đai của cơ quan quản lý nhà nước, nhu cầu xử lý thủ tục hành chính về đất đai và nhu cầu khai thác thông tin trong xã hội. Thậm chí có thể tiến tới áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) để từ số liệu cập nhật của các địa phương, hệ thống sẽ phân tích các mục tiêu chiến lược, khai phá dữ liệu về đất đai, hỗ trợ chỉ đạo điều hành, cung cấp các dịch vụ số về dữ liệu đất đai phục vụ phát triển, quản lý và nhu cầu sử dụng tại địa phương…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng, với sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự quyết tâm thực hiện sẽ sớm hoàn thành xây dựng CSDL và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông vào năm 2025 theo mục tiêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đồng thời đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, nghiệp vụ về đất đai theo hướng hiện đại, làm việc trên môi trường số, phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường; góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.