Liên quan đến nhiều vụ cháy chung cư hiện nay, trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, hiện nay, dư luận xã hội và khách hàng mua chung cư rất quan tâm.
"Giá chung cư bây giờ có thể "down" đấy, vì đúng là vấn đề liên quan tới sự quan tâm rất chính đáng thôi. Như đã nói ban đầu, trên 1.000 vụ cháy nổ xảy ra đã làm 33 người chết, 66 người bị thương, tài sản của người dân, doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Đây là vấn đề bức xúc trong xã hội và Thủ tướng rất quan tâm. Thủ tướng giao cho các bộ, chính quyền tỉnh, thành phố với chức năng của mình yêu cầu rà soát toàn bộ vấn đề này. Tỉ lệ các chung cư bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy rất thấp, từ đó yêu cầu kiểm tra rà soát toàn bộ lại công tác bảo đảm phòng cháy chữa cháy", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Về vấn đề liên quan tới chung cư bảo đảm an toàn hay không, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề liên quan tới bộ, ngành và chủ yếu là các nhà đầu tư, thuộc thẩm quyền của địa phương là nhiều.
"Chúng tôi không nói là không kiểm tra, nhưng sẽ tính toán thời điểm thích hợp. Tinh thần hôm nay Thủ tướng giao các bộ, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc này", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng cho biết thêm gần đây xảy ra khá nhiều vụ việc liên quan tới mất an toàn cháy nổ chung cư gây ra thiệt hại về người rất lớn là việc đau xót.
Theo ông Hùng, nhìn tổng thế, chúng ta phải phân thành 2 giai đoạn giai đoạn: Trước 2001, khi Luật PCCC chưa được ban hành, khi đó hiểu là chung cư cũ được xây dựng theo các tiêu chuẩn cũ.
Sau 2001, Luật PCCC ra đời quy định rõ tất cả chung cư phải được thẩm duyệt nghiệm thu PCCC, về pháp lý phải bảo đảm. Số lượng chung cư cao tầng sau 2001 xây dựng ước chừng xấp xỉ 3.000. Số vụ việc xảy ra gần đây chiếm một tỉ lệ nhất định trong số 3.000 tòa nhà này. Nhưng điều đó không mặc định là 3.000 tòa nhà đều không bảo đảm an toàn cháy nổ.
"Như vậy, số cụ thể bao nhiêu tòa nhà trong số 3.000 này là không bảo đảm? Hiện nay, tôi được biết các địa phương đang rà soát tổng thể. Trước hết là kiểm tra đã được nghiệm thu thẩm duyệt hay chưa, nếu có thì công tác vận hành thế nào? Nếu không được thẩm duyệt, nghiệm thu, hay có được thẩm duyệt PCCC nhưng còn thiếu một số điều kiện thì sẽ xử lý tình huống. Cách thức xử lý sẽ tiến hành như vậy. Còn về nguyên nhân thì phân biệt là có được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn hay không? Thứ hai là đúng tiêu chuẩn rồi thì trong quá trình vận hành có bảo đảm không? Trên cơ sở này mới phân tách ra nguyên nhân để xử lý tương ứng. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ đã chỉ đạo. Đây là trách nhiệm của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các địa phương kiểm tra rà soát để bảo đảm an toàn cho các hộ dân", ông Hùng cho hay.