Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước sáng 21/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, mở rộng quy mô về vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đặc biệt đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, SOVICO, TH.
Nhờ đó, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
"Hơn hết, quy mô nền kinh tế từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu Đổi mới đã tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết và nhấn mạnh, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn như sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư… Bộ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần phải không ngừng đổi mới.
Theo Bộ trưởng, bối cảnh mới đang đặt ra yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đất nước như: phải tăng trưởng xanh, bền vững, là mục tiêu đạt net zero vào năm 2050; thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh; tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.
"Trước các nhiệm vụ lớn của đất nước như vậy các doanh nghiệp lớn có mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ nào không? Có thể là một mình hoặc liên kết với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI để thực hiện một nhiệm vụ nào đó? Chính phủ có thể giao nhiệm vụ gì cho doanh nghiệp lớn, đi kèm nguồn lực gì, cơ chế gì?", Bộ trưởng đặt vấn đề với các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; tiên phong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước; tiên phong trong nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.
Bộ trưởng tin rằng, với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn./.