Dù vậy, Bộ trưởng vẫn gợi ý, trong tình thế này, có thể tính đến giải pháp mua lại các doanh nghiệp FDI ở một số lĩnh vực cần để có được công nghệ, thị trường, mô hình quản lý tốt ngay.
Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, quý I/2020, tăng trưởng kinh tế Thành phố chỉ đạt 0,42%. Dù vậy, dữ liệu chính thức của Tổng Cục Thống kê cho thấy con số này là 1,03%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến với Cục Thống kê TP.HCM để rút kinh nghiệm và đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay của TP.HCM là 4,96%.
Do đó, phải tính toán để Thành phố phát triển nhanh hơn, giữ được vai trò đầu tàu, đầu kéo thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
“Có lẽ TP.HCM không nên so sánh với các địa phương trong nước, vì đã luôn là địa phương đứng đầu và đã đến lúc TP.HCM phải tính đến việc so sánh với các Thành phố lớn trong khu vực như Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore”, ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ và gọi đây là cơ sở để những gì có thể tạo điều kiện Thành phố phát triển mạnh hơn nữa sẽ được đẩy mạnh hơn.
Bởi, trong tình hình tăng trưởng kinh tế cả nước năm nay sẽ rất khó khăn và sẽ phải trông cậy vào sự phát triển của các Thành phố có đóng góp lớn như TP.HCM.
Ý thức được điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tất cả điều gì có thể tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn giúp TP.HCM phát triển thì tất cả các Bộ, ngành đều phải chung tay.
“Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ chủ động rà soát các vướng mắc liên quan đến Bộ mình để chủ động giải quyết nhanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập một tổ công tác giúp TP.HCM tháo gỡ khó khăn về đầu tư, đấu thầu… theo đúng pháp luật, kịp thời gỡ khó cho Thành phố”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đồng thời đề nghị TP.HCM tiếp tục nâng cao niềm tin trong cộng đồng người dân, doanh nghiệp. Theo sau đó là đẩy mạnh giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính, hỗ trợ tạo dòng tiền thanh khoản.
Cùng với đó, TP.HCM nên xem đại dịch là cơ hội để nhanh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cơ cấu lại các lĩnh vực của Thành phố và hướng về cơ hội mới, đặc biệt ngành Thành phố có thế mạnh như công nghệ sinh học, y tế, giáo dục, thương mại điện tử…
“Thành phố đặc biệt cần chú ý đến làn sóng chuyển dịch đầu tư mới nhưng phải làm tốt công tác hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực tốt. Về dài hạn, đề nghị TP.HCM đẩy mạnh lập quy hoạch tầm nhìn đến 2030, triển khai quyết liệt đề án đô thị thông minh, đẩy nhanh kế hoạch xây dựng đề án tài chính quốc tế tại TP.HCM ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.