Aa

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sửa luật để giải phóng nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn

Thứ Năm, 07/11/2024 - 06:31

Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sửa luật để giải phóng nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: VGP/LS

Chuyển từ 'tiền kiểm sang hậu kiểm', tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Phát biểu làm rõ, giải trình về một số nội dung mà đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến xác đáng của các đại biểu.

Về một số vấn đề các đại biểu đặt ra hôm nay và quan tâm nhiều, Bộ trưởng có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, cần phải thống nhất với nhau về mặt nhận thức, về quan điểm sửa luật là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Đó là, phải bảo đảm được yêu cầu vừa quản lý nhà nước, vừa phải khuyến khích sáng tạo trong phát triển và giải phóng các nguồn lực, khơi thông các điểm nghẽn, bám sát thực tiễn, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thứ hai, phải thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phải chuyển phương thức quản lý từ "tiền kiểm sang hậu kiểm", tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thứ ba, phải tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cấp bách, quan trọng, đã chín, đã rõ, thực tiễn đã chứng minh và đã có sự đồng thuận cao để đảm bảo tính kế thừa cũng như bổ sung đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của chúng ta.

Đối với Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc đề nghị bổ sung điều chỉnh thủ tục rút gọn đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn được thời gian mà theo như tính toán sẽ rút ngắn được khoảng 300 ngày, đây là một thời gian rất đáng kể đối với các công trình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển cho đất nước trong tình hình mới.

Đồng thời, việc điều chỉnh quy hoạch vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc không làm thay đổi các mục tiêu và định hướng ở trong quy hoạch đã đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa và tính hệ thống trong quy hoạch các cấp của chúng ta; xác định được rõ các trường hợp được điều chỉnh, đáp ứng được kịp thời các yêu cầu phát triển.

Đối với việc điều chỉnh bổ sung đối với các ngành kỹ thuật quốc gia như khoáng sản hay điện lực mà các đại biểu có nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo làm rõ thêm.

Thứ nhất, theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia thì có 39 quy hoạch ngành quốc gia, là định hướng để phát triển và tổ chức không gian phát triển. Theo đó, có dự kiến các công trình, dự án ưu tiên quan trọng và ưu tiên phát triển, có danh mục dự án ưu tiên trong thời kỳ quy hoạch để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong thực hiện và vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm mục tiêu và định hướng đã xác định trong quy hoạch, do vậy sẽ hạn chế được tối đa việc điều chỉnh các quy hoạch ngành quốc gia. Ngoài ra, luật đã bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các dự án đối với các ngành chỉ là danh mục dự kiến, trong quá trình làm có điều kiện nào đó thì được phép điều chỉnh, nếu cứng nhắc thì mỗi một lần thay đổi là phải sửa luật. Đối với các luật kỹ thuật chuyên ngành như thế này, nếu thấy có tính đặc thù riêng, cần phải có một quy định riêng thì đề nghị là quy định ở trong luật chuyên ngành và được điều chỉnh theo quy hoạch chuyên ngành, không đưa vào trong Luật Quy hoạch bởi vì Luật Quy hoạch là định hướng chung, nằm ở cả hai luật mà chúng ta sửa thì không đồng bộ và không thống nhất.

Theo đó, các Ủy ban của Quốc hội đã họp với các bộ, ngành và thống nhất quan điểm này, tức là để ở các luật chuyên ngành và điều chỉnh ở các luật chuyên ngành, không đưa vào Luật Quy hoạch và sửa Luật Quy hoạch. Luật Quy hoạch là luật có tính chất định hướng chung, vấn đề kia lại chi tiết của từng dự án, từng lĩnh vực, đưa vào đây không hợp lý.

Thứ hai, đối với Luật Đầu tư có một việc rất quan trọng, lần này chúng ta thiết kế "luồng xanh, chương trình đặc biệt" về thu hút đầu tư, bởi vì qua kinh nghiệm thực tiễn, qua cạnh tranh rất quyết liệt hiện nay. Thực tế, Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày, Dubai xây dựng một thành phố 600 hecta, 500 tòa nhà, 20 tỷ USD làm đúng 5 năm.

Tại sao người ta lại làm được như vậy? Ở Dubai, cả một dự án như vậy không sai một ngày. Vì họ chỉ duyệt nhiệm vụ thiết kế có hai điều mà chúng ta nghiên cứu phải mất hàng năm mới ra được nhiệm vụ thiết kế là không nhà nào giống nhà nào và từ điểm này đến điểm kia không phải là một đường thẳng.

Xây dựng 'luồng xanh', 'hậu kiểm' để thu hút đầu tư

Nói về công tác "hậu kiểm", Bộ trưởng cho biết cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để thực hiện và không cần phải xin phép trước, đăng ký là làm và sai thì chịu trách nhiệm. Đấy chính là việc chúng ta phải ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sau đó để cho các nhà đầu tư tự do thực hiện thì sẽ thuận lợi cho người ta, rút ngắn được thời gian và hấp dẫn được đầu tư.

"Xuất phát từ đấy, sẽ thiết kế đối với những dự án công nghệ cao nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì được phép đăng ký đầu tư chứ không phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chỉ cần đăng ký đầu tư và trong 15 ngày phải cấp cho người ta. Cấp xong rồi cam kết thực hiện ba vấn đề về xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của chúng ta ban hành và cứ thế là làm", Bộ trưởng nói.

Đối với Đà Nẵng, chúng tôi thống nhất là sẽ bổ sung, làm rõ hơn khu thương mại tự do và khu công nghệ thông tin tập trung để xem đây là một đối tượng để áp dụng trường hợp đặc biệt.

Về Luật Đấu thầu, Bộ trưởng tán thành với các đại biểu là phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu. Đồng thời, phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng.

"Chúng tôi nghiên cứu có thể nâng lên nữa để đảm bảo tính ổn định lâu dài, nếu không chúng ta vừa sửa xong lại bất cập, lại sửa tiếp. Riêng về đấu thầu thuốc, nên để cho các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Nếu họ có hành vi sai, thông đồng hay đẩy giá thì chúng ta lại có pháp luật khác xử lý, không có vấn đề gì chúng ta cứ phải bắt đấu thầu, đấu thầu hay không do người ta tự quyết, mua sắm trực tiếp hay mua sắm thế nào do họ lựa chọn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top