Trước đó, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 4430/BXD-QLN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) trong chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, với số tiền 15.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp là khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 và mới đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.
Trước đó, tại cuộc họp về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã báo cáo về khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn. Do vậy, các trường hợp không cân đối được nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân như đề xuất tại Văn bản số 4430/BXD-QLN đã được Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, cụ thể như sau:
- Bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các đối tượng quy định tại Khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 10.000 tỷ đồng (Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiệm vụ huy động thêm 10.000 tỷ đồng nữa để cho các đối tượng nêu trên vay).
- Bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là 4.000 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ (Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiệm vụ huy động thêm 10.000 tỷ đồng nữa để cho các đối tượng nêu trên vay).
- Bổ sung vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, trong Chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 là 1.000 tỷ đồng.
Đề xuất trên góp phần thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021.