Aa

Bộ xây dựng tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế phía Nam

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Chủ Nhật, 24/10/2021 - 07:48

Đây là chia sẻ của lãnh đạo Bộ Xây dựng tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam.

Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện của Bộ Xây dựng, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Hội nghị nằm trong chương trình của Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ Xây dựng làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết, Bộ Xây dựng chia sẻ những khó khăn, mất mát về tài sản, về con người và những tổn thương trong đại dịch. Trên cơ sở đó, nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy kinh tế phát triển.

thứ trươnrg bùi hồng minh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh chủ trì hội nghị.

Thống nhất quản lý cho loại hình condotel

Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới Bộ Xây dựng với mong muốn tháo gỡ nhiều vấn đề tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam, sớm phục hồi kinh tế trở lại.

Cụ thể, theo ý kiến của các doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị các vấn đề: Đối với loại hình căn hộ condotel, officetel, home stay, home farm đưa vào loại hình các công trình có chức năng lưu trú đưa vào kinh doanh để có quản lý và thực hiện thống nhất. Đối với tình trạng huy động vốn quá lớn ở lần đặt cọc khi Luật chỉ quy định ở việc mua bán, đề xuất đặt cọc không quá 30%. Có chính sách cụ thể để tháo gỡ cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội khi TPHCM có đến 15 tập đoàn BĐS đã bỏ tiền làm nhà ở xã hội nhưng hầu như không được ưu đãi gì.

Ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị, tiến độ của các công trình bị ảnh hưởng phải dừng thi công thời gian qua nhưng nhà thầu vẫn bị chủ đầu tư phạt chậm tiến độ. Trước thực tế này, Bộ Xây dựng nên có quy định về điều kiện bất khả kháng để điều chỉnh để nhà thầu và chủ đầu tư có cơ sở để chia sẻ với nhau; đồng thời, quy định cụ thể các biện pháp xử lý khi chủ đầu tư chây ì không thanh toán cho nhà thầu.

Theo ông Hải, trong điều kiện hiện nay, việc xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là giải pháp tốt mà nên làm thế nào để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh mới là vấn đề cốt yếu. Nếu doanh nghiệp đã có lợi nhuận thì không nên xin giảm trong lúc này.

Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp cần hỗ trợ là vấn đề pháp lý các dự án. Bởi trên thực tế, nhiều dự án đã phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng khiến nhà thầu cũng phải gánh chịu thiệt hại – ông Hải phân tích.

Đại diện các doanh nghiệp trên lĩnh vực bất động sản, ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị 7 vấn đề, trong đó có vấn đề đối với các Dự án Condotel, chủ đầu tư để lại 3 -5% khai thác kinh doanh khách hàng mua căn hộ. Yêu cầu đối với condotel là quản lý chuẩn theo mô hình khách sạn nên không thể dùng quản lý nhà chung cư để điều hành, không có cơ chế Ban quản trị điều hành, kinh phí bảo trì khách hàng cũng không phải đóng 2% mà chủ đầu tư sẽ theo suốt quá trình tồn tại của sản phẩm. Quy định các dự án chỉ được chuyển nhượng khi có chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gây nhiều khó khăn. Đồng bộ thực hiện thống nhất giữa các văn bản, cấp phép giữa Trung ương và địa phương để tránh tình trạng rà soát lại, tốn thêm thời gian.

Kiến nghị thay đổi một số quy định tại Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS

Ngoài các doanh nghiệp, về phía khối cơ quan nhà nước cũng có những đề xuất và nhận xét riêng về tình hình diễn biến vừa qua. Cụ thể, theo ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh nhận xét, Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành cơ chế xây dựng các công trình khẩn cấp nên rất nhiều bệnh viện dã chiến đã được hoàn thành nhanh chóng, phục vụ phòng chống dịch của Thành phố.

Tại thời điểm đó, TP.HCM làm và làm thật nhanh nhất có thể nên giá thành sẽ cao hơn so với những ngày bình thường. Đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng về vấn đề quyết toán theo đơn giá thực tế. Từ đó, kiến nghị một số quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư Kinh doanh BĐS nên có điểm thống nhất để công tác thực thi được tốt hơn, ông Quân đề xuất.

Cùng với đó, Đại diện Sở Xây dựng Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng có những kiến nghị tương tự, trong đó, Ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương đại diện kiến nghị, về dự án bán nhà hình thành trong tương lai quy định bên mua đồng ý. Tuy nhiên, đã bán nhà trong “tương lai” thì chưa thể xác định được người mua cụ thể để đồng ý. Vì thế, cần sửa đổi lại quy định này.

Ngoài ra, ông Ngân cũng kiến nghị thêm, về quy định diện tích phòng trọ tối thiểu cho người lao động thuê đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư 09 (hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên, tại Thông tư 09 này lại không quy định diện tích nên địa phương không có cơ sở để chấp nhận các loại dự án này.

Nhằm tiếp thu ý kiến từ các khối cơ quan và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh khẳng định, trên tinh thần cầu thị, Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn về mặt thể chế, chia sẻ khó khăn và giải quyết công việc nhanh hơn. Các kiến nghị ngoài thẩm quyền sẽ được Bộ Xây dựng gửi lên Thủ tướng và bộ, ngành liên quan.

Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và đã đề xuất một số vấn đề, đặc biệt là nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng trong thời điểm cấp bách phòng chống dịch, công trình đặc thù... Nhiều vấn đề của ngành xây dựng cũng đang được phối hợp cùng với bộ, ngành liên quan theo hướng có thể tháo gỡ khó khăn nhanh nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top