Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Thông tư số 28/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Căn cứ vào các quy định của pháp luật về nhà ở, các địa phương ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nhà ở.
Cùng đó, công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà ở cần được tăng cường, nhất là những trường hợp như: Không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; không bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư; không tổ chức hoặc gây khó khăn trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư. Việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở hay hành vi lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt... cũng cần được giám sát chặt chẽ.
Mặt khác, các tỉnh, thành phố cần chủ động giải quyết các vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành để khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên cơ quan trung ương.
Với những nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các địa phương cần báo cáo về Bộ Xây dựng để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thời gian vừa qua, chỉ riêng TP Hà Nội đã xảy ra rất nhiều vụ việc tranh chấp quỹ bảo trì tòa nhà. Tại chung cư Hồ Gươm Plaza (Hà Đông, Hà Nội) chủ đầu tư “ỉm” 20 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì chung cư, không bàn giao theo quy định.
Tại đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3, Khu đô thị mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), người dân đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng khi cố tình chây ì bàn giao hơn 6 tỉ đồng phí bảo trì.
Ngoài ra, nhiều chung cư cao cấp như Keangnam (Cầu Giấy), Sky City (Láng Hạ), Tổ hợp chung cư NO5 Trung Hòa - Nhân Chính, Thăng Long Garden (250 Minh Khai), tòa nhà BMM (phường Phúc La, quận Hà Đông)…
Không chỉ chiếm dụng quỹ bảo trì, nhiều chủ đầu tư còn tiêu hết tiền bảo trì của tòa nhà dẫn đến tình trạng nhiều khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có tiền sửa chữa. Mới đây nhất, tại chung cư 250 Minh Khai, chủ đầu tư đã ngang nhiên công khai việc do làm ăn thua lỗ nên không còn tiền để trả lại cho cư dân gần 20 tỷ đồng tiền phí bảo trì. Chính vì vậy, chủ đầu tư đề xuất gán nợ cho Ban quản trị tòa nhà dưới hình thức giao mặt bằng tầng 1 để cho thuê. Tiền thuê sẽ được khấu trừ vào tiền quỹ bảo trì. Thêm vào đó, chủ đầu tư sẽ trả nợ dần tiền quỹ bảo trì tương ứng 10% số tiền nợ....
Theo quy định mới nhất của Luật Nhà ở, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày thu kinh phí của người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý kinh phí này và thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư biết.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết; trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.