Mỹ tiếp tục tạo rung lắc
Trong tuần vừa qua, có những thông tin không mấy tích cực liên quan đến áp lực về tỷ giá đối với các đồng tiền tại Châu Á, khi chỉ số USD - Index tiếp tục tăng. Đồng thời cũng là tuần quan trọng khi diễn ra kỳ họp quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Không nằm ngoài dự báo, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% và những dự báo mới của Fed đều cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đủ sức chống chọi vượt qua thời kỳ khắc nghiệt liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt, mở ra tín hiệu đó là có khả năng xét xem lại nâng một lần lãi suất nữa trong kỳ họp tháng 11.
Nhìn vào các con số liên quan đến dữ liệu nền kinh tế Mỹ, có một vài kết luận được đưa ra đó là dấu hỏi liên quan đến rủi ro về khả năng suy thoái đã dần lùi về sau, có thể trong năm sau hoặc năm sau nữa, khi nền kinh tế của Mỹ vẫn cho thấy sức mạnh nhất định, đặc biệt liên quan đến thị trường lao động ở mức tốt. Kéo theo đó là sức mua tiêu dùng của người Mỹ ở mức cao, giúp nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng tránh suy thoái trong ngắn hạn.
Ở một khía cạnh khác, các nhà đầu tư cho rằng như vậy khả năng Fed sẽ phải nâng lãi suất một lần nữa ở tháng 11 và tiếp tục tạo ra rung lắc, hay sự suy yếu nhất định đối với nền kinh tế Mỹ cũng như các doanh nghiệp tại Mỹ.
Về xu hướng trong dài hạn, lạm phát giảm tại Mỹ vẫn được duy trì nếu không có sự đột biến liên quan đến giá dầu và bản thân các quỹ đầu tư trên thế giới cũng đưa ra những ý kiến trái chiều liên quan đến yếu tố về giá năng lượng. Có những quỹ cho rằng, giá năng lượng có thể chạm ngưỡng 100 USD một thùng ở cuối năm 2023 hoặc sang năm 2024; nhưng có quỹ cho rằng đây là thời điểm giá dầu có thể rung lắc rất mạnh và không tạo điểm nhấn mới. Nhờ đó, yếu tố liên quan đến sức ép về lạm phát nhất là lạm phát lõi tại Mỹ vẫn được kiểm soát trong dài hạn.
Tiêu điểm trong suốt một tháng vừa qua là nguồn cung dầu mỏ đã bị thắt chặt, nhu cầu bắt đầu hồi phục tại thị trường châu Á khiến nguồn cung được dự báo sẽ thâm hụt trong quý IV/2023 và khiến giá dầu bị đẩy lên vùng cao mới. Điều này khá lợi cho những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực dầu khí nói chung, nhưng giá dầu tăng cao cộng với mặt bằng lãi suất ở mức cao cũng sẽ tạo ra áp lực trong ngắn hạn đối với các doanh nghiệp có nguyên liệu đầu vào là dầu.
Như vậy, áp lực rung lắc trong tháng 8, tháng 9 là khó tránh khỏi khi thị trường chứng khoán thế giới và thị trường chứng khoán Mỹ 7 tháng tăng trưởng cao. Rất nhiều kỳ vọng đã được phản ánh vào giá, do đó những nhịp rung lắc trong tháng 9 sẽ lại tạo ra điểm mua mới trong quý IV, khi chúng ta sẽ nói nhiều hơn đến triển vọng của năm 2024.
Chứng khoán Việt Nam chao đảo
Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất đang hồi phục và bản thân hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam cũng đã có những cải thiện rõ ràng trong cuối quý II/2023. Trong quý III hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu đã hồi phục nhanh.
HSC dự báo, trong quý III hoạt động xuất khẩu sẽ giảm nhẹ hơn khoảng 0,6% so với cùng kỳ và hoạt động nhập khẩu chỉ giảm 2,8% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy nhu cầu nhập khẩu nguồn nguyên liệu mới của Việt Nam bắt đầu xuất hiện khi các đơn đặt hàng mới và hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trong quý III.
Dữ liệu công bố của Hải quan Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 cho thấy, xuất khẩu đã đạt những con số là 14,3 tỷ USD, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt gần 14 tỷ USD tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ và thặng dư thương mại trong nửa đầu tháng 9 ở mức 0,5 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu đạt 242 tỷ USD và chỉ giảm 8,8% so với cùng kỳ; nhập khẩu là 222 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ.
Nếu tính lũy kế từ đầu năm, Việt Nam đang xuất siêu khoảng 20 tỷ USD và khả năng xuất siêu ở mức cao sẽ vẫn được duy trì đến cuối năm. Đó cũng là một trong những bước đệm quan trọng, cộng với những động thái liên quan đến việc hút dòng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để Việt Nam có thể ổn định tỷ giá.
Hiện nay trên thị trường đều bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến tỷ giá, cụ thể tỷ giá VND/USD đã tăng lên mức 24.345 đồng, cao hơn khá nhiều so với thời gian trước đây khi chỉ vận động quanh mức 23.500 - 23.800 VND/USD.
Chúng tôi cho rằng, những thông tin liên quan đến áp lực tỷ giá là những áp lực chung cho toàn bộ châu Á, vì các đồng tiền khác như Nhân dân tệ, đồng Yên Nhật Bản cũng chịu áp lực khi đồng USD tăng khoảng một tháng trở lại đây.
Động thái của Fed trong thời gian vừa rồi cũng là một nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá và tạo ra sự rung lắc trên toàn bộ thị trường, tạo ra áp lực bán lớn trên các tài sản nhiều rủi ro như các đồng tiền kỹ thuật số cũng như thị trường chứng khoán.
Có thể thấy, sau kỳ họp của Fed vừa qua, áp lực quá lớn đã không xảy ra với Việt Nam và can thiệp của NHNN là kịp thời, để bình ổn tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng của toàn bộ nhóm ngành ngân hàng chỉ ở mức dưới 6%, thấp hơn rất nhiều so với con số mục tiêu từ 12 - 14%, nghĩa là người đi vay mới vẫn rất e dè với triển vọng hiện tại, hoặc họ vẫn đang chờ đợi mặt bằng lãi suất tiếp tục suy giảm để có thể nâng nhu cầu tín dụng lên. Đây cũng là một trong những lý do khiến lợi nhuận đến từ doanh thu thuần của các ngân hàng vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khi dòng tiền chưa chảy vào nhóm ngành này.
Nếu xét theo dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua, nhóm ngành ngân hàng gần như đi ngang trong cả một nhịp tăng dài của thị trường chứng khoán trong quý II cho đến tháng 7. Chúng ta sẽ vẫn còn trụ đỡ của nhóm ngành này nếu có những thông tin tích cực hơn liên quan đến triển vọng kinh tế vĩ mô.
Về triển vọng kinh tế vĩ mô, HSC đang đưa ra những kịch bản đó là đã có những dấu hiệu cải thiện nhất định và kỳ vọng tâm điểm trong tuần này sẽ đến từ việc công bố kết quả dữ liệu kinh tế vĩ mô của quý III.
Chúng tôi cho rằng trong quý III, GDP có thể tăng 5% so với cùng kỳ từ mức tăng 4,1% so với cùng kỳ ở trong quý II. Chúng ta đã có sự tăng trưởng nhất định với động lực đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi và xuất nhập khẩu trở lại. Đây là một trong những tiền đề rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như nền kinh tế nói chung khi Việt Nam vẫn là quốc gia phụ thuộc nhiều và hoạt động xuất nhập khẩu.
Gần đây, thị trường chứng khoán giảm rất mạnh, nếu so sánh với mặt bằng giảm của các quốc gia châu Á trong phiên giao dịch đầu tuần này thì Việt Nam đang chịu áp lực giảm mạnh nhất đối với VN30, trong khi các chỉ số chính của Trung Quốc chỉ giảm 0,54%, chỉ số Hangseng giảm gần 2%. Ngược lại thị trường chứng khoán Đài Loan tăng 0,66%.
Thực tế, chúng ta vẫn còn câu chuyện liên quan đến AI, chip và việc chuyển đổi năng lượng cũng như xe điện,... đủ để tạo ra điểm nhấn đối với nhóm ngành công nghệ như trong thời gian vừa qua./.
Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng phân tích CTCK HSC